Báo chí nâng cao kỹ năng truyền thông về di sản trong thời đại công nghệ số
Truyền thông - Ngày đăng : 07:23, 29/09/2023
Báo chí nâng cao kỹ năng truyền thông về di sản trong thời đại công nghệ số
Những giải pháp, kỹ năng truyền thông về di sản; tăng cường kết nối với các cơ quan báo chí để quảng bá các di sản UNESCO của Việt Nam và tận dụng các lợi thế của công nghệ trong công tác báo chí, truyền thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn cho các cơ quan báo chí.
Ngày 27/9, tại TP Ninh Bình, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng truyền thông về di sản trong thời đại công nghệ số. Tham gia tập huấn có hơn 60 phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo, tạp chí của Trung ương và địa phương.
Học viên đã được các giảng viên, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như Khảo cổ học, Báo chí, thiết kế đa phương tiện truyền đạt, trao đổi 4 chuyên đề gồm: Giới thiệu về di sản văn hóa tại Ninh Bình; Xu hướng làm báo đa nền tảng; Nâng cao hiệu quả truyền thông trên các nền tảng báo chí hiện đại; Kỹ năng làm báo thông qua việc sử dụng các công cụ số…
Phát biểu khai mạc chương trình, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) Triệu Minh Long cho biết: Sự phát triển của các công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ tới cách thức truyền thông của các cơ quan báo chí truyền thống. Trong đó, truyền thông về di sản luôn cần phải cân nhắc, lựa chọn phương thức để nội dung, hình thức truyền thông hiệu quả hơn.
“Với vai trò là Thường trực Tiểu ban Thông tin, thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ TT&TT tổ chức lớp tập huấn này nhằm cung cấp thêm những giải pháp, kỹ năng truyền thông về di sản; tăng cường kết nối với các cơ quan báo chí để quảng bá các di sản UNESCO của Việt Nam và tận dụng các lợi thế của công nghệ trong công tác báo chí, truyền thông” - Vụ trưởng Triệu Minh Long nhấn mạnh.
Chia sẻ chuyên đề "Xu hướng làm báo đa nền tảng", ông Vũ Thế Cường, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: "Trong truyền thông về di sản ở thời đại công nghệ số, nội dung đóng vai trò là vua, còn hình thức thể hiện được ví như nữ hoàng. Nếu chúng ta đầu tư tốt cho nội dung và hình thức thì sẽ gây ấn tượng rất lớn cho bạn đọc. Trong báo chí, longform là hình thức thể hiện của hiện tại, còn podcast là của tương lai".
Ngoài ra, báo chí còn cần áp dụng đa nền tảng cho mỗi thông tin đăng tải, bởi "công chúng ở đâu báo chí - truyền thông ở đó", ông Cường chia sẻ thêm.
Chiều cùng ngày, các nhà báo, phóng viên trong đoàn tham gia chương trình tập huấn đã tham quan di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An để ghi hình, lấy tư liệu nhằm thực hành kỹ năng infographics và nộp bài thu hoạch.
Thông qua hội nghị tập huấn kỹ năng truyền thông về di sản trong thời đại công nghệ số, Ban tổ chức lớp tập huấn muốn trang bị thêm cho các nhà báo, phóng viên các kỹ năng làm báo hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ số, tối ưu hóa khả năng biểu đạt thông tin tới công chúng, tăng sức hấp dẫn, khả năng tương thích trên nhiều nền tảng số của các tác phẩm báo chí khi tuyên truyền về lĩnh vực di sản văn hóa.
Hội nghị tập huấn cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng địa phương giới thiệu một cách rộng rãi tới các cơ quan truyền thông về các di sản văn hóa tại Ninh Bình, qua đó quảng bá tiềm năng, thế mạnh, giá trị đặc sắc của các di sản của tỉnh tới công chúng, phục vụ cho việc quảng bá giá trị của các di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch./.