Đào tạo nhân lực bán dẫn để đột phá lĩnh vực

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 20:22, 28/09/2023

Lĩnh vực về chất bán dẫn, thiết kế vi mạch và các ngành liên quan đang là mối quan tâm lớn của Việt Nam và trên toàn thế giới.
Chuyển động ICT

Đào tạo nhân lực bán dẫn để đột phá lĩnh vực

Vân Khanh 28/09/2023 20:22

Lĩnh vực về chất bán dẫn, thiết kế vi mạch và các ngành liên quan đang là mối quan tâm lớn của Việt Nam và trên toàn thế giới.

Nhằm mục đích kết nối nhân tài Việt Nam và những người trẻ tuổi hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp bán dẫn trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, diễn đàn “SEMI SEA TalentConnect - Kết nối nhân tài” thu hút sự quan tâm đặc biệt của các Bộ, Ngành, các trường Đại học (ĐH) lớn và các doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghiệp bán dẫn.

1r3a3175.jpg

Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội thiết bị và bán dẫn toàn cầu (SEMI) Đông Nam Á cho biết: “Việt Nam như một ngọn hải đăng của sự ổn định và tăng trưởng. Với ước tính tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,12% từ năm 2022 - 2027, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh chóng”.

“Các sự kiện như Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS 2023) nói chung và diễn đàn SEMI SEA TalentCONNECT sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trong hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á và chuỗi giá trị bán dẫn trên toàn cầu”, bà Linda nhấn mạnh.

VBS 2023 diễn ra trong 2 ngày từ 28 - 29/9 tại Hà Nội với chủ đề “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á” do Cục công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT), Bộ TT&TT phối hợp cùng Hiệp hội thiết bị và bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của Hội nghị, diễn đàn “SEMI SEA Talent CONNECT” được SEMI Đông Nam Á (SEA) - Thành viên của SEMI toàn cầu, Cục Công nghiệp CNTT-TT - Bộ TT&TT, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức nhằm mục đích kết nối nhân tài, giúp sinh viên Việt Nam được tiếp cận gần hơn với công nghệ mới. Đồng thời, chia sẻ, thảo luận về cơ hội hợp tác giữa SEMI và các trường ĐH Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong tương lai.

1r3a3225.jpg
GS. TS. Chử Đức Trình: Lĩnh vực về chất bán dẫn, thiết kế vi mạch và các ngành liên quan đang là mối quan tâm lớn

GS. TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội nhấn mạnh: “Ngày nay, ở Việt Nam và trên toàn thế giới, lĩnh vực về chất bán dẫn, thiết kế vi mạch và các ngành liên quan đang là mối quan tâm lớn. Điều này thể hiện ở cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp bán dẫn và sự tác động mạnh mẽ của nó lên kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, việc thiết kế lại chuỗi cung ứng, các chính sách khuyến khích sự thiếu hụt nhân lực đang đặt ra thách thức lớn cho các ngành công nghiệp trên toàn thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng”.

1r3a3267.jpg
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa: Việt Nam đang có những bước tiến lớn, đồng thời Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT - Bộ TT&TT Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết: “Việt Nam đang có những bước tiến lớn, đồng thời Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng tôi rất vui vì được bảo trợ cho Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam SEMI 2023 và sẽ chung tay với SEMI Đông Nam Á nhằm thúc đẩy sự phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn tại Việt Nam và trong khu vực. Là cầu nối cho sự phát triển của ngành bán dẫn Đông Nam Á - nơi được xem là thị trường có vai trò ngày càng quan trong chuỗi ngành bán dẫn toàn cầu trong những năm tới”.

Theo thông tin của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. HCM mới đây: “Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%”.

Vậy nên, “SEMI SEA TalentCONNECT” không chỉ là một cơ hội để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, mà còn là động lực để các sinh viên, những người trẻ tuổi tìm hiểu về vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn trong cách mạng số hóa và truyền cảm hứng theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này.

Trong sản xuất linh kiện bán dẫn và vi mạch, công đoạn thiết kế có vai trò quyết định và chiếm tới hơn một nửa giá trị trong tổng số giá trị của chuỗi sản xuất chất bán dẫn. Trong đó có các chương trình đào tạo như: công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, kỹ thuật máy tính, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử …

Hiệu trưởng Chử Đức Trình nhận định: Trong thời gian tới, nhà trường sẽ có những định hướng sâu trong lĩnh vực thiết kế chip, mắt xích quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp. Nhà trường sẵn sàng đồng hành đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp.

SEMI SEA TalentCONNECT thu hút sự tham dự của hơn 100 khách quốc tế là đại diện của các công ty trong công nghiệp bán dẫn, lãnh đạo của SEMI SEA; Đại diện các Bộ, Ngành và ĐHQG Hà Nội cũng như hơn 250 sinh viên đến từ các trường ĐH kỹ thuật lớn như ĐH Công nghệ (VNU), ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Công nghiệp, ĐH FPT,...

SEMI kết nối hơn 2.500 công ty thành viên và 1,3 triệu chuyên gia trên toàn thế giới để thúc đẩy công nghệ, phát triển kinh doanh thiết kế và sản xuất điện tử. Các thành viên SEMI chịu trách nhiệm về đổi mới trong vật liệu, thiết kế, thiết bị, phần mềm, công cụ và dịch vụ giúp tạo ra các sản phẩm điện tử thông minh hơn, nhanh hơn và giá cả hợp lý hơn. Những công ty Electronic System Design Alliance (ESD Alliance), FlexTech, Fab Owners Alliance (FOA), MEMS & Sensors Industry Group (MSIG) và SOI Consortium là các Cộng đồng Công nghệ Chiến lược của SEMI./.

Vân Khanh