Cà Mau chú trọng phát triển CSDL dân cư, góp phần xây dựng chính quyền số

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 19:33, 02/10/2023

Sự kiện ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2023 được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10/10, với chủ đề “khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.
Chuyển đổi số

Cà Mau chú trọng phát triển CSDL dân cư, góp phần xây dựng chính quyền số

Đỗ Thêu {Ngày xuất bản}

Sự kiện ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2023 được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10/10, với chủ đề “khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cấp, các ngành địa phương trong tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử (CQĐT), chính quyền số trong tương lai.

Xếp hạng 02/63 tỉnh, thành phố về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)

Cà Mau đã thành lập một hệ thống quản lý công việc trực tuyến, giúp tăng cường sự minh bạch, hiệu quả và tiện lợi trong quản lý công việc của chính quyền địa phương. Các đơn vị và cơ quan chính quyền có thể gửi và theo dõi các văn bản, hồ sơ, biểu mẫu và thông tin liên quan thông qua một nền tảng trực tuyến. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong việc xử lý hồ sơ, giảm thiểu sự mất mát và tăng cường tính minh bạch trong quy trình làm việc của chính quyền.

Ngày 08/9/2023, Văn phòng Chính phủ có báo cáo số 6902/BC-VPCP về tình hình, kết quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tháng 8/2023. Theo đó, đối với tỉnh Cà Mau, kết quả thực hiện DVCTT đạt 80,1%/70%, xếp hạng 02/63 tỉnh, thành phố. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2023, toàn tỉnh phát sinh 25.694/26.953 hồ sơ trực tuyến, đạt trên 95%.

Riêng đối với 02 dịch vụ công (DVC) liên thông “đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi”; “đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí” đã tiếp nhận và giải quyết trên 810 hồ sơ.

Hạng mục thanh toán trực tuyến của Cà Mau đạt kết quả 58,51%/30%(chỉ tiêu), xếp hạng 06/63; tình hình kết quả xử lý hồ sơ TTHC đạt 83,06%/100%(chỉ tiêu), xếp hạng 24/63 (tỷ lệ hồ sơ xử lý trễ hạn cao so với một số tỉnh, thành); tình hình cấp kết quả điện tử đạt 49,18%/100%(chỉ tiêu), xếp hạng 25/63.

Cà Mau đã phát triển các DVCTT nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch hành chính trong kinh doanh và sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp (DN). Người dân Cà Mau có thể tiếp cận và thực hiện các TTHC như cấp giấy phép, đăng ký kinh doanh, đăng ký hộ khẩu, và nộp thuế qua nền tảng trực tuyến. Điều này giúp giảm bớt thủ tục phức tạp và tiết kiệm thời gian cho người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và đầu tư trong tỉnh.

Trước kết quả mới nhất về kết quả cải cách TTHC, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị đạt tỷ lệ theo quy định; đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì, phát huy kết quả đạt được để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện chấn chỉnh trong thực hiện cải cách TTHC, cung cấp DVC phục vụ người dân và DN. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu các đơn vị chưa đạt kết quả tốt cần xây dựng kế hoạch khắc phục trong những tháng cuối năm, gửi về UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 04/10/2023. Văn phòng UBND tỉnh (trực tiếp là Trung tâm Giải quyết TTHC) thường xuyên theo dõi, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ lên Cổng DVC quốc gia theo quy định; đồng thời, tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý kịp thời đối với những hạn chế, khó khăn, vướng mắc (nếu có).

Chú trọng công tác xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để người dân hiểu và đồng thuận tham gia Đề án, góp phần xây dựng CQĐT, thúc đẩy quá trình CĐS tại địa phương.

ca-mau1.jpg
Tỉnh Cà Mau đã quyết liệt triển khai ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Tỉnh Cà Mau đã quyết liệt triển khai ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử; Quy trình tiếp nhận được rà soát, cải tiến và hướng dẫn hỗ trợ người dân, DN giải quyết TTHC. Tỉnh đặt phương châm cung cấp DVCTT theo hướng “lấy người dân, DN làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn”.

Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm nâng cấp, đẩy mạnh các tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD) gắn chip, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

CSDL dân cư liên tục được hoàn thiện, tạo hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác trong các hoạt động về cung cấp TTHC, xây dựng chính quyền số. Tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, đảm bảo phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế tại địa phương.

Quá trình xây dựng CQĐT tại Cà Mau đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Đầu tiên, việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) giúp tăng cường hiệu quả quản lý công việc và tiết kiệm thời gian cho cả chính quyền và người dân. Thứ hai, DVCTT giúp giảm bớt thủ tục phức tạp và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. Cuối cùng, tương tác giữa chính quyền và người dân thông qua CQĐT tạo ra một môi trường giao tiếp mở và tăng tính minh bạch của chính quyền.

Với việc triển khai CQĐT, Cà Mau đã tạo ra một kênh tương tác trực tuyến giữa chính quyền và người dân thông qua các ứng dụng di động và trang web chính thức của tỉnh. Người dân có thể gửi phản ánh, đề xuất và yêu cầu hỗ trợ từ chính quyền một cách nhanh chóng và thuận tiện. Điều này không chỉ tăng tính minh bạch và sự trung thực của chính quyền, mà còn tạo ra sự tham gia và tương tác tích cực từ phía cư dân.

ca-mau2.jpg
Với việc triển khai CQĐT, Cà Mau đã phát triển ứng dụng CaMau-G, tạo ra kênh tương tác trực tuyến giữa chính quyền và người dân.

Tại Chương trình đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với thanh niên năm 2023 mới đây, ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) Cà Mau, cho biết Sở TT&TT đã phát triển ứng dụng CaMau-G, tích hợp nhiều chức năng cần thiết để phục vụ người dân như nghe các kênh phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV); Đài phát thanh truyền hình địa phương; tích hợp các thông tin về du lịch, đất đai, giao thông, nông nghiệp,… trên ứng dụng./.

Đỗ Thêu