Cần thúc đẩy nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 10:00, 03/10/2023
Cần thúc đẩy nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia
Nhằm thực hiện, cụ thể hoá, những quyết tâm, mục tiêu cao để Việt Nam có nhiều nền tảng số quốc gia chất lượng, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.
Bộ TT&TT vừa ban hành văn bản quan trọng về việc đánh giá, xét duyệt các nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia. Đây là văn bản quan trọng nối tiếp văn bản trước, Quyết định số 1230/ QĐ-BTTTT về khung tiêu chí và quy trình xét duyệt, công nhận, công bố và thu hồi công nhận nền tảng số quốc gia theo Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022.
Theo đó, ở văn bản trước đã quy định cụ thể về khung tiêu chí và quy trình xét duyệt, công nhận, công bố và thu hồi công nhận nền tảng số quốc gia, các quy định cụ thể về 06 nhóm tiêu chí bao gồm: (1) Kỹ thuật của nền tảng số; (2) An toàn, an ninh mạng; (3) Yêu cầu tính năng, chức năng; (4) Mức độ người dùng phổ biến; (5) DN nền tảng và các nguồn lực; (6) Mô hình dịch vụ bảo đảm lợi ích cho người dân, DN và hỗ trợ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước đã được thống nhất đảm bảo có thông tin mô tả, giải thích, ghi chú cho từng nội dung và yêu cầu đảm bảo khi thực hiện cần có tổng kết, có báo cáo kết quả thực hiện đạt, không đạt.
Trong văn bản mới, quy định này, khi các nền tảng số đáp ứng được các tiêu chí khắt khe, toàn diện nêu trên sẽ trở thành những nền tảng số quốc gia (nền tảng số tiềm năng), trừ tiêu chí về mức độ người dùng phổ biến (tối thiểu đạt 50% thị phần của thị trường tiềm năng).
Văn bản cũng yêu cầu, các cơ quan chủ quản cần quy định cụ thể về mức độ người dùng phổ biến mà nền tảng số tiềm năng cần đáp ứng, từ đó có biện pháp phù hợp thúc đẩy nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia.
Cũng để thuận lợi trong việc công nhận, xét duyệt các sản phẩm số trở thành nền tảng số quốc gia, văn bản Bộ TT&TT cũng yêu cầu, đối với các trường hợp nền tảng nếu chưa đáp ứng các tiêu chí của nền tảng số quốc gia thì cơ quan chủ quản, tổ chức đánh giá, xét duyệt cần bổ sung, đảm bảo phải đạt các tiêu chí nền tảng số tiềm năng.
Như vậy có thể nói, để Việt Nam chủ động, sử dụng mạnh mẽ các nền tảng số đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc gia chính là một chủ trương đúng đắn, cần thiết về sự chủ động đối với yêu cầu chất lượng công nghệ toàn diện.
Và khi chúng ta đảm bảo công tác này được làm tốt, sẽ góp phần hữu ích thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số hiệu quả thực chất, bền vững hơn.
Cũng nhân nói về sự chủ động của Việt Nam đối với các nền tảng số cũng như các giá trị và lợi ích được tạo ra, đáng mừng, Việt Nam xếp thứ 9 toàn cầu và thứ 2 khu vực Đông Nam Á về số lượng lượt tải mới ứng dụng nền tảng số trên thiết bị di động (Tổng số lượt tải mới ứng dụng di động trong tháng 8/2023 là 323 triệu lượt).
Cùng với đó, kết quả Top các ứng dụng ViệtNam được tải về thiết bị nhiều nhất tính đến tháng 8/2023 là mạng xã hội Zalo, nền tảng VNEID và các ứng dụng thanh toán số (MB Bank, Viettel Pay, Ví MoMo, Vietcombank.
Đặc biệt, hiện nay, chúng ta có 07 ứng dụng có số lượng tài khoản hoạt động trong tháng 8/2023 đạt trên 10 triệu gồm: Zalo, Zing Mp3, VNeID, Báo Mới, Ví MoMo, MBBank và My Viettel. Mạng xã hội Zalo (gia tăng gần 500.000 tài khoản hoạt động), Zing Mp3, VNeID, Báo Mới, Ví MoMo, MBBank và My Viettel./.