Tăng cường bảo vệ, giữ gìn môi trường biển
Truyền thông - Ngày đăng : 09:51, 03/10/2023
Tăng cường bảo vệ, giữ gìn môi trường biển
Vùng biển nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng, nhưng hiện nay các nguồn tài nguyên này đang dần cạn kiệt do sự khai thác quá mức của con người, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Bởi vậy giữ gìn và bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.
Chung tay giữ gìn, làm sạch môi trường biển
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường, trong thời gian qua nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã cùng chung tay với những hành động thiết thực vì môi trường biển xanh sạch đẹp. Các địa phương với những hoạt động thường kỳ như: tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường biển, tập huấn, thu gom, dọn sạch và xử lý rác thải tại bãi biển, tổ chức lắp đặt thùng đựng rác nơi công cộng tại các bãi biển nhằm khuyến khích người dân bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi, dễ thu gom, đảm bảo mỹ quan…
Trước tiên, có thể kể đến những hoạt động tích cực, hiệu quả của bộ đội biên phòng và người dân địa phương đã góp phần bảo vệ tài nguyên biển, giữ gìn môi trường biển như: Tại Nghệ An, bộ đội biên phòng luôn tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan; chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản; không sử dụng chất nổ, kích điện và ngư cụ có tính chất hủy diệt để khai thác hải sản...;
Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang đã phối hợp cùng đoàn viên, thanh niên, các lực lượng địa phương chung tay dọn rác để tạo hình ảnh đẹp trong mắt du khách và kêu gọi mọi người chung tay vì môi trường biển xanh - sạch - đẹp…
Bên cạnh đó là các hoạt động của đoàn viên thanh niên như: tại bãi biển Nhật Lệ (TP. Đồng Hới - Quảng Bình), hàng trăm đoàn viên thanh niên đã tham gia chiến dịch “Clean up VietNam - lần 5” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6) và nói không với rác thải nhựa do Đoàn khối các cơ quan tỉnh Quảng Bình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Cộng đồng Xanh Việt Nam và các tổ chức, đơn vị đồng hành triển khai;
Tại Đà Nẵng, những người mê lặn tập hợp thành nhóm, trau dồi kỹ năng và cùng xuống biển nhặt rác giải cứu san hô (thành viên nhỏ tuổi nhất của nhóm mới 11 tuổi), đây là hoạt động rất ý nghĩa, góp phần bảo vệ và bảo tồn san hô ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), sắp tới Đà Nẵng sẽ phát động và duy trì các đội nhóm cùng nhau làm sạch biển…
Ngoài ra, để bảo vệ môi trường biển lâu dài, hàng năm các đơn vị đã huy động nhiều lực lượng tham gia trồng cây ven biển. Cụ thể, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phối hợp trồng 38.000 cây xanh phòng hộ ven biển, hưởng ứng Chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh" do Thủ tướng Chính phủ phát động; cũng hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, tại UBND xã Thuỵ Hải, tỉnh Thái Bình, đoàn công tác của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã tham gia “Lễ phát động trồng cây” và tài trợ 50.000 cây xanh cho tỉnh; tháng 5/2023 tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ ra quân trồng hơn 13.000 cây phi lao tại rừng phòng hộ ven biển…
Đó là những việc làm thiết thực, ý nghĩa giúp duy trì và củng cố hệ thống rừng phòng hộ ven biển, đồng thời giữ gìn và bảo vệ môi trường biển.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ, giữ gìn môi trường biển
Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, trong đó đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Khi bị ô nhiễm, tính chất tự nhiên của nước biển sẽ bị xâm nhập bởi các thành phần lạ và thay đổi theo hướng tiêu cực, dẫn đến những hậu quả như: Suy giảm sự đa dạng sinh học trong môi trường biển; Gây xói mòn các bờ biển; Thiệt hại kinh tế...
Để ngăn chặn và làm giảm thiểu những hậu quả này, hiện nay nhiều giải pháp bảo vệ môi trường biển đã được đề xuất như: Hoàn thiện hệ thống Pháp luật bảo vệ môi trường biển; Tuyên truyền, nâng cao ý thức của cá nhân, cộng đồng; Thúc đẩy tăng cường quản lý tổng hợp đới bờ (ICM); Xây dựng các khu bảo tồn biển.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác biển. Nghiêm cấm đánh bắt thủy hải sản bằng điện, chất nổ, hóa chất độc hại; Xử phạt nặng những hành vi khai thác quá mức, tràn lan, không đúng tiêu chuẩn và pháp luật; Xây dựng nhiều hệ thống xử lí nước thải, chất thải tốt, đạt chuẩn trước khi thải ra; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát về môi trường. Xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá phạm vi và mức độ của nguồn gây ô nhiễm để xử lí kịp thời và nhanh chóng; Đánh vào yếu tố kinh tế trong việc bảo vệ môi trường biển như lệ phí xả thải, lệ phí ô nhiễm. Đặc biệt là khâu cấp phép và thu hồi giấy khai thác,…
Cần có sự phối hợp giữa các vùng, ngành, hay giữa các quốc gia cùng giúp đỡ để xử lí và khắc phục kịp thời những vấn đề môi trường biển, đại dương bị ô nhiễm; Việc xây dựng các hệ thống đê, mương,… để kiểm soát tình trạng thiên tai, lũ lụt,… cần dùng một số nguyên liệu có khả năng khử độc, khử khuẩn có nguồn gốc từ thiên nhiên để làm sạch môi trường (như vôi, than hoạt tính..); Tuyên truyền, nâng cao ý thức của mỗi người dân về việc bảo vệ môi trường biển. Tích cực phát động những hành động như dọn dẹp vệ sinh, rác thải ở các vùng biển…
Tuy vậy, để giữ gìn và bảo vệ được môi trường biển một cách hiệu quả thì cần phải thực hiện động bộ các giải pháp, có như vậy chúng ta mới phát huy được các tiềm năng lợi thế của biển, thực hiện phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho Việt Nam tiến gần đến mục tiêu xây dựng một tương lai sống hài hòa với thiên nhiên./.