Chuyện chạy đua mỗi tuần của trợ lý giọng nói Kiki
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 10:48, 05/10/2023
Chuyện chạy đua mỗi tuần của trợ lý giọng nói Kiki
Trợ lý giọng nói tiếng Việt Kiki vừa cán mốc 500.000 lượt cài đặt sử dụng trên xe hơi. Đây là con số ấn tượng, bởi tổng số ô tô đang lưu hành tại Việt Nam khoảng 5 triệu chiếc. Tính ra, cứ 10 xe thì có 1 xe cài đặt Kiki.
Đứng đằng sau con số 500.000 là nỗ lực lớn của tập thể các thành viên Zalo AI. Trần Đức Anh, phụ trách sản phẩm tại Zalo AI - người trông ngóng số cài đặt Kiki Auto từng ngày, kể lại một phần hành trình trên.
Trần Đức Anh gia nhập bộ phận phát triển sản phẩm Kiki từ tháng 2/2022. Trước đó, Đức Anh trải qua chương trình “Product Management Trainee” của Zalo.
Sau chương trình, nhận thấy AI là một lĩnh vực mới và có thể trau dồi kiến thức, thách thức bản thân nhiều hơn, Đức Anh chọn đầu quân cho nhóm phát triển sản phẩm Kiki.
Cuộc chạy đua vào mỗi tuần
Khoảng tháng 9/2022, thời điểm đó, số liệu tăng trưởng lượt cài đặt Kiki trên xe hơi có dấu hiệu chững lại quanh mốc 130.000 lượt. Đây là con số không như kỳ vọng. Các thành viên trong nhóm phát triển sản phẩm đều nghĩ rằng, không thể đạt mục tiêu đã đề ra.
Mỗi ngày, Đức Anh ngồi nhìn vào màn hình dữ liệu được đo theo thời gian thực và luôn tự hỏi, tại sao tăng trưởng lại chậm vậy? Có tính năng nào mới của Kiki ảnh hưởng tới quá trình sử dụng hay không? Có thể tính năng đó, tụi mình nghĩ mang lại giá trị nhưng thực ra nó lại đang là trở ngại với người dùng không? Có sự kiện nào phát sinh, ảnh hưởng tới chỉ số tăng trưởng hay đây là xu hướng chung của thị trường?
Đức Anh đã ngồi xem xét kỹ các yếu tố, tình huống và đưa ra các vấn đề cần thảo luận với toàn nhóm. Thời điểm đó, tất cả các thành viên trong đội ngũ phát triển sản phẩm ngồi lại, chúng tôi phân tích cả yếu tố nội tại và bên ngoài tác động tới người dùng.
Không những vậy, đội ngũ phát triển đã thảo luận với các nhóm khác có liên quan tới Kiki. Đi sâu vào từng chi tiết để đánh giá, đưa ra nhiều phương án cần thực hiện nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện chỉ số cài đặt sản phẩm.
“Chúng ta đặt ra mục tiêu cao, khó đạt được. Rồi chúng ta nghĩ hết mọi cách xoay xở cho tới khi đạt được thành quả đó. Cả quá trình như vậy giúp bản thân phát triển rất nhiều. Cảm giác đấy rất "đã", Đức Anh kể lại lời khuyên mà trưởng bộ phận đã nói lúc đó.
Lúc này, để cải thiện chỉ số tăng trưởng, đội ngũ Kiki quyết định thay đổi cách vận hành. Đơn cử, trước đây, tần suất họp bàn về sản phẩm Kiki là 1 lần/tháng thì tăng cường độ thành 1 lần/tuần.
Buổi sáng, họp để xem vướng mắc ở đâu và có thể làm gì nhằm cải thiện tình hình. Nhóm thường họp xuyên trưa, kéo dài đến 1 giờ chiều để tìm giải pháp.
Không dừng lại, mỗi tuần đều có kế hoạch. Trong tuần đó, nhóm phát triển sản phẩm cần truyền tải tính năng mới ra thị trường và thu về kết quả nhất định. Tuần nào cũng là những ý tưởng mới, các kế hoạch ngắn hạn phải được hoàn thành.
Thậm chí, trong các kế hoạch ngắn hạn, đội ngũ còn dự phòng nếu phương án A không được thì phải xoay ngay sang các phương án khác như B hay C.
Do vậy, toàn nhóm chấp nhận làm ngoài giờ và phân tích dữ liệu, nghĩ ý tưởng phát triển sản phẩm. Mỗi khi tính năng mới xuất hiện thì cường độ làm việc sẽ càng cao. Chất lượng đảm bảo và tiến độ đề ra vẫn phải đúng lộ trình.
Những quả ngọt đầu tiên của Kiki
Cuối cùng, mọi nỗ lực được đền đáp. Sau 3 tháng thay đổi cách vận hành, cộng với sự hỗ trợ của nhiều bộ phận khác, lượt cài đặt Kiki cán mốc 220.000 vào cuối tháng 12/2022. Con số này tăng tới 90.000 lượt so với thời điểm trước khi áp dụng quy trình cải tiến.
"Để nhìn lại, đó là quãng thời gian nhiều kỷ niệm. Mệt nhưng “đã” theo đúng nghĩa của những người làm phát triển sản phẩm. Chúng tôi đã cùng nhau cố gắng và đạt được mục tiêu đề ra. Con số tăng trưởng lượt cài đặt vượt bậc là niềm vui rất lớn của tập thể rất nhiều người đứng sau trợ lý giọng nói tiếng Việt Kiki", Đức Anh bày tỏ.
Đối với bản thân, sau gần 2 năm gắn bó với Kiki, Đức Anh cũng đã học được nhiều bài học trong quá trình phát triển sản phẩm công nghệ này.
Đội ngũ Kiki cần chấp nhận thực tế rằng, luôn có độ vênh giữa phát triển sản phẩm trong phòng thí nghiệm và sản phẩm khi đưa ra thị trường. Không bao giờ một sản phẩm ra mắt có thể hoàn hảo các tính năng 100%. Tất cả đều phải cải tiến dần theo thời gian.
Những thay đổi của thị trường hoặc cách người dùng tiếp cận sản phẩm cũng buộc nhóm phát triển sản phẩm cần liên tục thay đổi theo.
Quan trọng hơn hết, trong quá trình phát triển Kiki, nhóm phát triển biết mình sai và vấp ngã ở đâu. Từ đó, tự biết mình cần thay đổi ra sao để mang lại giá trị tốt hơn cho người dùng./.