Tiếp nhận tin tức qua mạng xã hội và nỗi lo tin giả

Truyền thông - Ngày đăng : 08:28, 23/11/2023

Dòng chảy thông tin luôn biến động không ngừng. Các nhà nghiên cứu truyền thông, những người làm công tác giáo dục lẫn các bậc phụ huynh luôn cố gắng đảm bảo rằng người tiếp nhận tin tức, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, không chỉ được an toàn khi trực tuyến mà còn có thể nâng cao kỹ năng. Xã hội biến động, xu hướng tiêu thụ tin tức trên toàn cầu đang thay đổi - chúng ta đang nhanh chóng chuyển từ các dịch vụ tin tức truyền thống sang phương tiện truyền thông xã hội.
Truyền thông

Tiếp nhận tin tức qua mạng xã hội và nỗi lo tin giả

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Chi, Giảng viên Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh 23/11/2023 08:28

Dòng chảy thông tin luôn biến động không ngừng. Các nhà nghiên cứu truyền thông, những người làm công tác giáo dục lẫn các bậc phụ huynh luôn cố gắng đảm bảo rằng người tiếp nhận tin tức, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, không chỉ được an toàn khi trực tuyến mà còn có thể nâng cao kỹ năng. Xã hội biến động, xu hướng tiêu thụ tin tức trên toàn cầu đang thay đổi - chúng ta đang nhanh chóng chuyển từ các dịch vụ tin tức truyền thống sang phương tiện truyền thông xã hội.

Theo báo cáo mới nhất của Viện Reuters "Báo cáo tin tức kỹ thuật số năm 2023 - Digital News Report 2023”, những người góp phần quan trọng chính cho những thay đổi lại là những người trẻ tuổi. Họ tiếp cận sớm nhất các tin tức từ các ứng dụng xã hội, chủ yếu là TikTok. Vậy phải chăng TikTok sẽ thay thế "News" hay "Facts"?

Tik Tok: Sự đình đám và khác biệt

Trước hết, phải thừa nhận rằng, trên TikTok, danh mục tin tức được xem nhiều nhất là những đoạn video hài hước, 46% số người được hỏi xác nhận. Không có nền tảng nào khác trong số các nền tảng phân tích được đặc trưng thu hút sự quan tâm cao đến thông tin, nhằm mục đích gây cười cho người nhận. Đây là một thách thức đối với các nhà xuất bản truyền thống dự định xuất hiện trên TikTok.

Ofcom cho biết TikTok là nguồn tin tức phổ biến nhất dành cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Ứng dụng video lan truyền dựa trên thuật toán đã vượt qua YouTube và Instagram để trở thành nguồn tin tức được sử dụng nhiều nhất cho thanh thiếu niên trên toàn cầu hiện nay.

tiktok-la-gi03.jpg
Nền tảng TikTok là một thách thức lớn đối với các nhà xuất bản truyền thống. (Ảnh: Internet)

Có một sự thật hiển nhiên, đó là trái ngược với các nhóm tuổi lớn hơn, các thế hệ trước, những người trẻ tuổi ngày càng ít sử dụng Facebook để khám phá thông tin về thế giới, trong khi việc sử dụng TikTok đang tăng lên đáng kể 44%, theo như ghi nhận của Reuters. Lý giải được đưa ra là người trẻ hay có xu hướng “trốn tránh” cha mẹ hoặc không để cha mẹ biết được mình đang làm gì trên mạng. Xu hướng này cũng thể hiện rõ ở dạng tin tức được ưa chuộng. Nhóm tuổi trẻ nhất thể hiện sự quan tâm chủ yếu đến tin tức video hoặc âm thanh. Đại đa số,79% những người trẻ tuổi tiếp thu tin tức dưới dạng các video ngắn trên mạng xã hội.

Khoảng 55% người dùng TikTok và 52% người dùng Instagram nhận tin tức từ các "nhân vật" trên các nền tảng tương ứng so với chỉ 33% nhận tin tức từ các phương tiện truyền thông chính thống và nhà báo trên TikTok và 42% trên Instagram, báo cáo trên cũng tiết lộ.

Sự thay đổi diễn ra khi việc sử dụng Facebook làm nguồn tin tức giảm đi với 28% số người được khảo sát cho biết họ đã truy cập tin tức qua nền tảng này vào năm 2023 so với 42% vào năm 2016.

Tuy nhiên, theo báo cáo, việc sử dụng tin tức trên Twitter vẫn "tương đối ổn định" ở hầu hết các quốc gia dù sự hiện diện của lứa tuổi thanh thiếu niên trên nền tảng này vẫn chỉ là con số khiêm tốn.

Mối đe dọa và cách nhận diện liên quan thông tin sai lệch trên TikTok

Tiktok đã phải đối mặt với sự chỉ trích trong những năm gần đây, với việc ứng dụng TikTok bị cấm trên các thiết bị của Chính phủ ở Úc, Canada, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh do bị cáo buộc có liên kết giữa nền tảng này và Chính phủ Trung Quốc cũng như các mối lo ngại liên quan đến tính chính xác của thông tin. Ở bang Montana, Hoa Kỳ, nền tảng Tik Tok bị cấm cài đặt trên mọi thiết bị.

Nghiên cứu từ hãng thông tấn Reuters cũng chỉ ra rằng TikTok với tư cách là một nguồn tin tức đã trở nên phổ biến hơn đối với người lớn, cứ 10 người lớn thì có một người sử dụng nó để cập nhật tin tức, lần đầu tiên vượt qua BBC Radio 1 và Channel 5.

Đối với người lớn, nghiên cứu tiết lộ rằng tin tức truyền hình là nguồn phổ biến nhất, được sử dụng bởi 70% người trưởng thành ở Vương quốc Anh. BBC One vẫn là nguồn tin tức được sử dụng nhiều nhất trên tất cả các nền tảng, tiếp theo là ITV. Cả hai kênh đều giảm trong 5 năm qua, BBC One giảm 62% và ITV giảm 41%. Tương tự, Facebook cũng sụt giảm so với cùng kỳ.

Tiếp nhận luồng tin tức về thế giới, xã hội xung quanh từ TikTok tiềm ẩn mối đe dọa nghiêm trọng về thông tin sai lệch lan truyền trong ứng dụng này với mức độ ngày càng nghiêm trọng, kéo theo mối lo lắng về việc khó phát hiện và ngăn chặn. Điều này đã được chứng minh bởi nghiên cứu của NewsGuard từ nửa cuối năm 2022, cho thấy 20% tìm kiếm tin tức trên TikTok chứa thông tin sai lệch có hại về các chủ đề như chiến tranh ở Ukraine và sức khỏe. Mọi người, thường là vô thức lan truyền thông tin sai lệch, sử dụng các kỹ thuật thao túng đơn giản. Một ví dụ minh họa có thể kể đến: phụ đề của video, dễ lọt qua hay ẩn nội dung khỏi hệ thống kiểm duyệt một cách hiệu quả.

chinh-sach-cong-dong-tiktok.png
Các nhà giáo dục, chuyên gia truyền thông cần thúc đẩy quá trình nghiên cứu, các khóa đào tạo để trang bị tốt hơn cho người trẻ. (Ảnh: Internet)

Đến đây, có một câu hỏi đặt ra, làm thế nào để phản ứng với thông tin sai lệch trên TikTok? Kiểm duyệt bài đăng của TikTok vẫn là một mối lo ngại nghiêm trọng, có nghĩa là rất nhiều nội dung vi phạm quy tắc đến tay người dùng mỗi ngày. Vậy, bạn sẽ làm gì nếu bắt gặp nội dung có vẻ giả mạo khi duyệt TikTok? Trước hết, trước khi chia sẻ, cần kiểm tra các nguồn thông tin khác và xác minh xem những gì bạn thấy có đúng không. Người dùng cũng nên báo cáo các tài khoản và video khiến chúng tôi nghi ngờ để ngăn chúng lan rộng.

Trước thực trạng này, các nhà giáo dục, chuyên gia truyền thông cần thúc đẩy quá trình nghiên cứu, các khóa đào tạo để trang bị tốt hơn cho người trẻ những kỹ năng cần thiết để nhận biết tin giả trên TikTok. Mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội. Đã và đang có rất nhiều công trình, giáo trình đã viết chi tiết cách nhận biết và đối phó với tin giả hiện nay. Tuy nhiên, nội dung xuất hiện trên TikTok có tính đặc thù riêng. Do đó, ngoài các phương pháp nhận biết tin giả truyền thống, thì còn có thêm một cách nữa sẽ giúp bạn điều hướng trong rừng video TikTok được các chuyên gia khuyến nghị.

Trước hết, cần kiểm tra tài khoản đang chia sẻ các thông điệp. Những hồ sơ tài khoản với dấu tích xác nhận màu xanh lam nên được lưu ý. Trong trường hợp của TikTok, xác minh có nghĩa là tài khoản đã được xác minh và đại diện cho người hoặc thương hiệu mà tài khoản đó tuyên bố. Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp cố gắng mạo danh các trang web tin tức. Cần chú ý thêm xem tài khoản có cung cấp hàng loạt tin tức có xu hướng khơi gợi cảm xúc cực độ và đạt được lượt xem cao hay không? Nếu vậy, hãy đặc biệt cẩn thận với những thông điệp mà người này truyền tải. Một ví dụ về hiện tượng như vậy có thể là người dùng TikTok trang Dylan Page, người đã xây dựng sự nổi tiếng của mình bằng cách chia sẻ những tin tức gây xúc động mạnh và gây tranh cãi. Đây cũng chính là thủ pháp mà tài khoản này dẫn dắt người xem vào ma trận tin giả.

Kế đến, cần có sự ý thức trước ma trận các thuật toán luôn ném người dùng vào dòng chảy thông tin. Hệ thống hiển thị đề xuất của TikTok là công nghệ rất tiên tiến, bằng cách phân tích và am hiểu rất rõ các đặc tính, tính cách của người dùng. Để từ đó xác định những gì sẽ được hiển thị cho người dùng. Vì vậy, có khả năng là khi chúng ta tương tác với tin giả, như ví dụ về COVID-19, chúng ta sẽ ngay lập tức tràn ngập những thông điệp tương tự. Điều này cũng là cách để đa dạng hóa các nguồn mà chúng ta rút ra kiến ​​​​thức và dựa vào các thông điệp chính thức.

Cần trang bị cho giới trẻ làm sao trước khi quyết định nhấp nút chia sẻ một tin nhắn đáng ngờ, hãy đóng ứng dụng và tìm kiếm các báo cáo về chủ đề này trong các nguồn đáng tin cậy, chẳng hạn như các trang tin tức chính thức. Ngay cả khi tin tức có vẻ hoàn toàn đúng sự thật, thì cũng cần đảm bảo rằng chúng ta không góp phần vào vòng xoáy của thông tin sai lệch./.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Chi, Giảng viên Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh