Tập trung phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân
Truyền thông - Ngày đăng : 09:01, 06/10/2023
Tập trung phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân
Việc tập trung nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tại Việt Nam là biểu hiện rõ nét trong nỗ lực mục tiêu chung về xây dựng cộng đồng văn hóa – xã hội trong các nước ASEAN.
Cử tri một số tỉnh đề nghị đánh giá tác động Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã thuộc khu vực: I, II, III của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, đời sống của người dân còn rất khó khăn, không đủ khả năng chi trả BHYT, học phí…
Về vấn kiến nghị trên của các cử tri quan tâm nói trên (tại Kỳ họp thứ 14 Quốc hội khóa XV), theo Ủy ban Dân tộc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản số 3695/VPCP-QHĐP ngày 2/6/2021), Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng báo cáo đánh giá tác động về đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách trên các địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại Tờ trình số 1601/TTr-UBDT ngày 20/10/2021.
Ngày 30/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản 7957/VPCP-QHĐP chỉ đạo 6 Bộ, ngành (Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc) theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể đối với các chính sách đã ban hành báo cáo cấp có thẩm quyền tại thời điểm phù hợp, bảo đảm kết quả phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân. Trong đó, tập trung 12 chính sách thuộc các lĩnh vực: Bảo hiểm y tế, sức khỏe sinh sản, hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo dục mầm non, các chính sách đối với nhà giáo, chính sách thu hút cán bộ đến vùng đặc biệt khó khăn, chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động trên địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, tất cả các Bộ, ngành liên quan đã triển khai, cơ bản đã tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) theo quy định pháp luật hiện hành.
Nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào DTTS và MN
Kết quả cụ thể, Bộ Y tế đã hoàn hành việc sửa đổi Nghị định 146/NĐ-CP, trong đó bổ sung 02 khoản gồm: (i) Người DTTS thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg nhưng trong thực tế, còn rất nhiều người dân thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (MN) thoát nghèo đang khó khăn, được nhiều Đại biểu Quốc hội, UBND một số tỉnh và cử tri phản ánh, kiến nghị; (ii) quy định, hướng dẫn cụ thể về chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân các xã ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/3/2020 về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (trong vùng ATK có người dân tộc).
Bộ Tài chính đã hoàn thành Quyết định sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 và chính sách tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 8/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, việc tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ, ngành đang được thực hiện và kết quả khảo sát thực tế tại một số địa phương vùng khó khăn để hoàn thiện dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo hướng mở rộng địa bàn thụ hưởng bao gồm các xã thuộc vùng khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào DTTS&MN theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 88/2019/QH14.
Tiếp đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định mới thay thế các chính sách tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP và các chính sách quy định tại Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc… Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-BGD&ĐT, Thông tư 04/2023/TT-BGD&ĐT, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 116/2016/NĐ-CP và đang tiếp tục hoàn thiện theo hướng mở rộng đối tượng, tăng mức hỗ trợ để trình Chính phủ, xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg và các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động gồm cả đối tượng khu vực III, Khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS&MN đã được ban hành đầy đủ…
Cung cấp phương tiện nghe, nhìn phù hợp với nhu cầu thực tế của các đối tượng thụ hưởng
Ủy ban Dân tộc đã tổ chức rà soát Đề án thí điểm cấp ra-đi-ô cho vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 1860/QĐ-TTg ngày 23/11/2017, tích hợp thành Tiểu dự án 1 của Dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025. Hoàn thành việc hướng dẫn theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 thực hiện theo hướng cấp cho địa phương trong việc cung cấp phương tiện nghe, nhìn nhằm phù hợp với nhu cầu thực tế của các đối tượng thụ hưởng.
Liên quan đến một số kiến nghị của cư tri các tỉnh, thành phố về các vấn đề chính sách khác đối với đối tượng người DTTS&MN, Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, cơ quan này đang xây dựng dự thảo Tờ trình, Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đồng thời, rà soát, tổng hợp Dự thảo Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định 861/QĐ-TTg và danh sách sửa đổi, bổ sung thôn đặc biệt khó khăn Khu vực: I, II, III vùng đồng bào DTTS trình Chính phủ trong thời gian tới…
Như vậy, với việc thực hiện các chính sách đối với vùng DTTS&MN của nhiều Bộ, ngành, địa phương thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc đã, đang và sẽ tạo ra những nền tảng căn bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tăng cường ý thức cộng đồng và giá trị bản sắc chung.
Nhiều kế hoạch giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho người dân đã thực hiện. Đây cũng là một trong những mục tiêu chung về xây dựng cộng đồng văn hóa – xã hội trong các nước ASEAN. Thể hiện nỗ lực tăng cường, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững, gắn kết chặt chẽ các quốc gia, tiểu vùng với kế hoạch phát triển tổng thể ASEAN.