Phát huy vai trò của Báo chí trong truyền thông về di sản văn hóa
Truyền thông - Ngày đăng : 09:02, 06/10/2023
Phát huy vai trò của Báo chí trong truyền thông về di sản văn hóa
Để phát huy hiệu quả của báo chí trong công tác truyền thông về di sản văn hóa thì ngoài việc bản thân các cơ quan báo chí phải không ngừng nâng cao công tác nghiệp vụ chuyên môn cho các phóng viên, biên tập viên mà còn cần có những phương thức đổi mới từ nội hàm cho đến ngoại diên.
Việt Nam có khá nhiều di sản được thế giới vinh danh. Cụ thể, đến thời điểm tháng 5/2023, Việt Nam đã được UNESCO công nhận: 8 Di sản Thế giới, 15 Di sản Văn hóa Phi vật thể, 9 Di sản Văn hóa Tư liệu, 11 Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, 3 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO và 9 Khu Ramma. Điều này cho thấy nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4000 năm lịch sử dân tộc.
Hiện nay, di sản văn hóa thế giới là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đây cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch. Việc tập trung bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch từ di sản văn hóa là một hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của nhiều địa phương.
Để phát huy hiệu quả thế mạnh từ di dản văn hóa thế giới tại Việt Nam, một trong những phương tiện quan trọng không thể thiếu nhất là trong thời đại công nghệ số hiện nay, đó chính là công tác truyền thông.
Có thể nói, trong những năm qua, các cơ quan đơn vị báo chí đã không ngừng đẩy mạnh công tác truyền thông và quảng bá về di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng nghìn bài báo, phóng sự truyền hình, video, clip… được các nhà báo đăng tải trên báo in, báo điện tử, mạng xã hội… đã góp phần rất lớn trong việc quảng bá và gián tiếp thúc đẩy, cùng với cộng đồng sở hữu di sản, phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa ở vùng có di sản nói riêng và thúc đẩy phát triển sức mạnh mềm của quốc gia nói chung.
Trong chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 tại Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cao vai trò của truyền thông. Trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa. Cụ thể trong giải pháp, Quyết định ghi rõ: đầu tư phát triển các kênh thông tin đại chúng và truyền thông mới; nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân.
Nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông về di sản văn hóa
Trong những năm qua, báo chí Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Báo chí đã và đang trở thành phương tiện truyền thông chủ lực đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực di sản văn hóa; quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế...
Đồng thời, báo chí vừa góp phần bảo vệ di sản, vừa hiến kế để trùng tu, tái tạo, giữ gìn giá trị cho mai sau. Với nội dung phát huy giá trị di sản, báo chí trong nước cũng rất tích cực với việc quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa Việt Nam đến nhân dân các nước, qua đó giúp người dân thêm hiểu, thêm yêu và mong muốn khám phá các giá trị di sản độc đáo này; trong đó, rất nhiều bạn bè quốc tế đã tìm đến Việt Nam thông qua việc quảng bá giới thiệu di sản văn hóa của báo chí.
Hiện nay, các cơ quan báo chí đã, đang và tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyên truyền mang tính chiến lược, có sự phân bổ hợp lý về thời gian, thời lượng tuyên truyền. Xây dựng đội ngũ phóng viên chuyên trách tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa của các địa phương. Phân công cụ thể nhiệm vụ cho phóng viên phụ trách lĩnh vực văn hóa để tạo điểm khác biệt trong nội dung tuyên truyền, phát huy thế mạnh của báo; có những tuyến bài viết chuyên sâu, tuyên truyền trước, trong và sau sự kiện lớn để tạo hiệu ứng lan tỏa.
Tăng cường các chuyên trang, chuyên mục về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa có chất lượng cao, tiếp tục đổi mới cách trình bày, hình thức thể hiện, kết cấu và chất lượng in ấn của các sản phẩm báo chí để tăng sức hấp dẫn đối với công chúng.
Ngoài ra, các phóng viên báo chí luôn chú trọng khai thác và sử dụng linh hoạt các nguồn thông tin khác nhau để viết bài, đặc biệt là nguồn thông tin từ cơ sở cung cấp cho, giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về vùng đất, miền quê, con người... nơi mình đến.
Phát huy hiệu quả công tác truyền thông của báo chí
Trong bối cảnh hiện nay, truyền thông nói chung và truyền thông số nói riêng đóng vai trò quan trọng trong phát triển di sản văn hoá. Bởi vậy để phát huy hiệu quả của báo chí trong công tác truyền thông thì ngoài việc bản thân các đơn vị, cơ quan báo chí không ngừng nâng cao công tác nghiệp vụ chuyên môn cho các phóng viên, biên tập viên mà còn cần có những phương thức đổi mới từ nội hàm cho đến ngoại diên.
Bên cạnh đó, với đặc trưng sức mạnh truyền thông của báo chí trong thời đại 4.0, người làm công tác bảo tồn di sản phải xác định truyền thông qua báo chí là một trong những nhiệm vụ cần được đưa vào kế hoạch công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng của mình; gần gũi, cởi mở, tạo điều kiện cho lực lượng báo chí tiếp cận nhanh, chính xác, phản ánh hiệu quả nguồn thông tin.
Xây dựng và tổ chức đội ngũ cộng tác viên rộng khắp để thu hút trí tuệ của toàn xã hội, nhằm nâng cao chất lượng thông tin, tăng cường tính phong phú và đa dạng của thông tin báo chí. Liên kết với các phương tiện thông tin đại chúng trong, ngoài nước, mở rộng và khai thác tốt các trang Website hiện có để tuyên truyền, quảng bá cho di sản văn hóa.
Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý di sản văn hóa, đơn vị bảo tồn, tu bổ di tích với các cơ quan thông tấn báo chí. Cơ quan quản lý di sản văn hóa và các nhà báo phải tích cực tìm đến với nhau, tăng cường hợp tác đưa tin bài, giúp thông tin về di sản được lan tỏa kịp thời, rộng rãi; tổ chức các đợt tập huấn giúp người làm báo hiểu sâu, kỹ hơn về di sản văn hóa, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông về di sản…