Thành phố của Trung Quốc chuyển đổi để phát triển bền vững
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:32, 07/10/2023
Thành phố của Trung Quốc chuyển đổi để phát triển bền vững
Thành phố Hoàng Thạch của Trung Quốc là một mô hình thành công về kiểm soát ô nhiễm và phục hồi sinh thái hồ tại các thành phố vừa và nhỏ. Đây cũng là mô hình chuyển đổi điển hình cho các thành phố dựa trên tài nguyên của Trung Quốc.
Thành phố Hoàng Thạch cách thành phố Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc 80km về phía Đông Nam. Thành phố trải rộng trên vùng đồng bằng ngập nước ở bờ nam sông Dương Tử và có 3 hồ lớn là Cihu, Qingshan và Qinggang.
Khai thác mỏ và các ngành công nghiệp thứ cấp liên quan đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, sự cạn kiệt tài nguyên và sự gia tăng dân số không ngừng đã dẫn đến hàng loạt vấn đề môi trường tại Hoàng Thạch cùng với đó là nhu cầu phát triển cân bằng và bền vững hơn. Tất cả đã thúc đẩy chính quyền thành phố xây dựng chiến lược đổi mới đô thị, bao gồm nâng cấp các ngành công nghiệp của thành phố và phát triển các ngành mới.
Đến nay, Hoàng Thạch đã trở thành một thành phố du lịch đang phát triển nhanh chóng với nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách. Hoàng Thạch có nhiều điểm tham quan độc đáo, bao gồm cả các công viên và khu vực sinh thái.
Thách thức chuyển đổi đối với Hoàng Thạch
Sự phụ thuộc vào công nghiệp nặng và đầu tư không thỏa đáng vào cơ sở hạ tầng đô thị trong những năm qua đã dẫn tới những thách thức về môi trường và phát triển đô thị ở Hoàng Thạch. Việc chính quyền địa phương chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua vấn đề ô nhiễm môi trường đã khiến nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa được xử lý chảy vào các hồ nước lớn tại Hoàng Thạch.
Mặt khác, hệ thống quản lý chất thải rắn của thành phố còn yếu kém và bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải cũng không được xử lý.
Chất lượng nước tại các hồ Cihu, Qingshan và Qinggang cực kỳ thấp, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và sự an toàn của những người sống gần các tuyến đường thủy nội địa bị ô nhiễm cũng như những khu vực đô thị thiếu hụt các dịch vụ và tiện ích xã hội.
Đầu tư cơ sở hạ tầng không tương xứng đã hạn chế sự phát triển đô thị bền vững tại Hoàng Thạch, thành phố phải đối mặt với những thách thức chính chính là: ô nhiễm nguồn nước, ngập lụt đô thị, môi trường suy thoái, suy thoái kinh tế, cơ sở hạ tầng lạc hậu. Để phát triển bền vững, Chính quyền thành phố Hoàng Thạch xác định 3 lĩnh vực cần tăng cường: kiến trúc và cơ sở hạ tầng, kinh tế đô thị và hệ sinh thái.
Giải pháp
Một dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ đã giúp Hoàng Thạch chuyển đổi từ một thành phố công nghiệp thành một điểm đến du lịch thân thiện với môi trường thông qua các giải pháp đổi mới. Phương pháp tiếp cận tổng thể và toàn diện của dự án bao gồm thu gom và xử lý nước thải, cải tạo hồ, xây dựng vùng đất ngập nước, xử lý bùn, thu gom và xử lý chất thải rắn và nâng cao năng lực. Đây là một mô hình kiểm soát ô nhiễm và phục hồi sinh thái các hồ đô thị bị ô nhiễm điển hình đối với các thành phố có quy mô vừa và nhỏ.
Hơn nữa, dự án đã thí điểm việc phân loại chất thải rắn dựa vào cộng đồng và mô hình thành phố bọt biển - một ý tưởng này cho phép lượng nước dư thừa thấm xuống đất và chảy ra ngoài qua các thiết kế tập trung vào môi trường như vườn, mái nhà xanh, vùng ngập và vỉa hè thấm nước nhằm nhằm đối phó với nguy cơ lũ lụt trong đô thị.
Tất cả các giải pháp này đã góp phần tạo ra sự phát triển bền vững về mặt môi trường và kinh tế xã hội của thành phố Hoàng Thạch.
Quản lý chất thải rắn
Cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này đã thuê một công ty tư vấn để thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn dựa vào cộng đồng với phương pháp tiếp cận giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, công ty tư vấn đã thiết lập phân loại dựa trên kinh nghiệm quốc tế và trong nước, mua thùng rác phân loại và tiến hành đào tạo cộng đồng.
Dự án đã xây dựng mới 16 trạm và nâng cấp 3 trạm thu gom, trung chuyển chất thải rắn hiện có; mua sắm phương tiện để thu gom, vận chuyển và nén chặt chất thải rắn.
Kế hoạch thí điểm phân loại và tái chế chất thải rắn với sự tham gia của cộng đồng tại Hoàng Thạch được phê duyệt vào năm 2012 - 5 năm trước khi Trung Quốc bắt đầu phân loại chất thải rắn. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch hành động về hệ thống phân loại chất thải rắn đô thị vào tháng 3/2017.
Cải tạo hồ và xây dựng vùng đất ngập nước
Cách tiếp cận thông minh và bền vững của thành phố bọt biển của dự án đã tăng cường khả năng giữ nước của các hồ lên 2,46 triệu m3 thông qua việc nạo vét bùn và xây dựng vùng đất ngập nước, đồng thời xây dựng những con đường thấm nước, vườn trên mái nhà, vườn thu gom nước mưa, mương sinh thái và kè sinh thái. Thời điểm triển khai tại Hoàng Thạch là 3 năm trước khi chính quyền trung ương lựa chọn các thành phố thí điểm mô hình bọt biển đầu tiên.
Dự án đã loại bỏ 1,25 triệu m3 trầm tích bị ô nhiễm khỏi ba hồ, thiết lập 21,66 km kè sinh thái và xây dựng 115,8 ha vùng đất ngập nước. Tổng cộng mỗi ngày có 80.000 m3 nước thải đã qua xử lý từ các nhà máy xử lý nước thải đã được tái sử dụng và tiếp tục xử lý tại vùng đất ngập nước được xây dựng.
Hệ thống thu gom và xử lý nước thải
Dự án đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 30.000 (m3)/ngày đêm; lắp đặt 79,2 km cống thoát nước, gồm 3 trạm bơm liên kết và mua một gói thiết bị bảo trì hệ thống thoát nước, phương tiện và thiết bị giám sát. Để tăng cường quản lý tài sản, dự án đã phát triển một hệ thống thông minh tích hợp cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý (GIS) và hệ thống giám sát trực tuyến, khảo sát 812 km mạng lưới nước thải đô thị.
Xử lý bùn
Các cơ sở xử lý bùn được xây dựng với công suất 179 tấn/ngày. "Tuổi thọ" của các cơ sở chôn lấp hiện tại đã được kéo dài do bùn đã xử lý được tái sử dụng làm nguyên liệu thô cho các nhà máy xi măng.
Lồng ghép giới trong phát triển năng lực
Trong số 264 cán bộ chính quyền thành phố, 119 phụ nữ đã được đào tạo thông qua 15 hội thảo tập huấn về huy động, hướng dẫn phân loại chất thải rắn, phân loại thường xuyên, nâng cao nhận thức và phân phát tài liệu tuyên truyền. Tương tự, 3.720 phụ nữ trong tổng số 8.080 người tham gia đã tham gia 22 chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Kết quả và bài học
Hoàng Thạch đã trải qua quá trình chuyển đổi từ một thành phố công nghiệp thành một thành phố du lịch thân thiện với môi trường. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của các hộ gia đình đô thị đã tăng, bao gồm cả du lịch, khoảng 9,5%/năm từ năm 2010 - 2021. Dự án mang lại lợi ích cho khoảng 849.200 người, trong đó có 399.200 phụ nữ.
Việc cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường địa phương đã giúp Hoàng Thạch trở nên xanh và sạch hơn, đồng thời giảm thiểu sự tiếp xúc của cộng đồng với nước thải và chất thải rắn chưa qua xử lý, ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc cộng đồng. Điều này dẫn đến môi trường đầu tư của thành phố được cải thiện, thu hút các dự án bất động sản dọc theo các hồ Cihu, Qingshan và Qinggang đã được cải tạo cũng như vùng đất ngập nước mới được xây dựng.
Vùng thu gom nước thải tăng lên 100% từ 71%, trong khi tỷ lệ thu gom tăng lên 98% từ 44%. Tỷ lệ xử lý bùn thải tăng lên 100% từ 0% và tỷ lệ thu gom chất thải rắn tăng lên 100% từ 79%.
Chất lượng nước ở ba hồ được cải thiện lên cấp IV và cấp III ở một số đoạn của hồ Cihu. Tháng 10/2022, đàn thiên nga lần đầu tiên đã bay đến hồ Cihu sau hơn 10 năm.
Người dân vui vẻ trở về nhà dọc theo vùng đất ngập nước được xây dựng với điều kiện sống được cải thiện sau khi dự án triển khai.
Có thể thấy môi trường đô thị có thể được cải thiện thông qua cách tiếp cận thông minh, bền vững và toàn diện. Dự án tại Hoàng Thạch là một minh chứng, dự án đã giúp thành phố chuyển đổi sang phát triển bền vững về môi trường và toàn diện về mặt kinh tế - xã hội.
Một vấn đề quan trọng nữa là đảm bảo tính bền vững tài chính cho việc vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng môi trường sau khi xây dựng. Tại Hoàng Thạch, hoạt động xử lý nước thải, xử lý bùn, thu gom và xử lý chất thải rắn được hỗ trợ bằng biểu giá dựa trên chi phí. Đơn vị vận hành có thể nộp đơn xin điều chỉnh giá với chính quyền địa phương khi không còn đủ khả năng trang trải chi phí vận hành. Sau đó, chính quyền sẽ tham khảo ý kiến công chúng và tiến hành điều trần công khai trước khi quyết định điều chỉnh giá theo đề xuất./.