Quảng Ninh: Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, ATTP
Truyền thông - Ngày đăng : 17:52, 06/10/2023
Quảng Ninh: Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, ATTP
Tỉnh Quảng Ninh xác định, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sẽ tập trung nguồn lực và giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản…
Bảo đảm ATTP gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực Quốc tế
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, bảo đảm ATTP chính là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả của các cấp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (KDTP) là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân của mỗi người dân.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo đảm ATTP tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Đề án), trong đó, xác định rõ: “Bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực Quốc tế, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ trong chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản".
Tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; tăng cường năng lực thực thi pháp luật; đổi mới, chuẩn hóa, đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến phù hợp tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp kinh tế quốc tế đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành và hội nhập.
Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh đó là phải xác định an ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý.
Mục tiêu cụ thể của Đề án, trong giai đoạn đến năm 2025 xác định các chỉ tiêu, số liệu cụ thể về các hoạt động như: Tăng cường năng lực hệ thống quản lý ATTP; nâng cao kiến thức, thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng; cải thiện tình hình bảo đảm ATTP đối với cơ sở thực phẩm cho đến ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm…
Đáng chú ý, về cải thiện tình hình bảo đảm ATTP đối với cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực được xác định trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm; 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký bản cam kết sản xuất, KDTP an toàn; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm ATTP giảm 10%/năm.
Trong lĩnh vực Công thương: 90% các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP; 100% cơ sở sản xuất, KDTP thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP khi hoạt động; 90% cơ sở được kiểm tra, hậu kiểm ATTP; 100% siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và 90% chợ soát về ATTP.
Trong khi đó, lĩnh vực Y tế sẽ có trên 90% các cơ sở thuộc diện cấp Giấy chứng nhận được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 90% bếp ăn tập thể và 80% cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đạt các điều kiện bảo đảm ATTP.
Tiếp đó, giai đoạn năm 2026 – 2030 sẽ dịch chuyển, tăng cường các chỉ số ở mức cao hơn với các nhóm hoạt động và lĩnh vực cụ thể…
Thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về ATTP
Để hiện thực hóa được các chỉ số, mục tiêu cụ thể trên, nhiều giải pháp đồng bộ đã được tỉnh Quảng Ninh đưa ra từ củng cố và hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về ATTP cho đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng công tác quản lý ATTP; nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP; xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn; xây dựng các mô hình điểm về sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm …
Đáng chú ý trong đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu và cập nhật về quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Xây dựng và triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý ATTP và cổng thông tin ATTP giúp quản lý tình hình ngộ độc thực phẩm, cũng như quản lý Giấy phép, quản lý các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, quản lý thanh tra ATTP, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực ATTP.
Tiếp tục duy trì hoạt động của Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh, tích hợp với Hệ thống dữ liệu của Tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% sản phẩm trong chương trình OCOP tỉnh, sản phẩm xây dựng thương hiệu, sản phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng GMP, SSOP, VietGAP, HACCP, ISO 22000, ... và sản phẩm được dán tem mã QR-code.
Đi liền với nhiệm vụ, giải pháp về công nghệ đó là việc xây dựng các phần mềm công nghệ thông tin để ứng dụng trong quản lý chất lượng, hệ thống cơ sở thực phẩm và cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, xây dựng và triển khai sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin và cập nhật dữ liệu về ATTP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn 2023 – 2025; duy trì cập nhật thường xuyên và đầy đủ các dữ liệu liên quan về công tác quản lý ATTP trên các trang Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Tiếp tục duy trì triển khai thực hiện các thủ tục hành chính thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến; nghiên cứu cải cách một số thủ tục hành chính nhằm phục vụ tốt các nhu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Một giải pháp không kém phần quan trọng khác đó là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm. Ở nhóm nhiệm vụ, giải pháp này, tỉnh Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong bảo đảm an ninh, ATTP. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm an ninh, ATTP trên địa bàn mình phụ trách.
Duy trì tổ chức “Tháng hành động vì ATTP", tạo điểm nhấn trong công tác đảm bảo ATTP hàng năm; đồng thời tăng cường các hoạt động nhằm giảm thiểu nguy cơ mất ATTP từ thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đồng thời, triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi nhận thức đến hành vi về ATTP nhằm khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức trong kinh doanh cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm…