Trợ lý ảo cho cán bộ, công chức cần có cách tiếp cận khác ChatGPT
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 13:09, 09/10/2023
Trợ lý ảo cho cán bộ, công chức cần có cách tiếp cận khác ChatGPT
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, trợ lý ảo sẽ giúp thay đổi căn bản cách tiếp cận thông tin thay vì phải đi tìm như trước. Tuy nhiên, trợ lý ảo cán bộ công chức (CBCC) mà Viettel đang triển khai phải có cách tiếp cận khác với ChatGPT.
Giúp nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc bằng hệ thống dữ liệu văn bản pháp luật
Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý III/2023 của Bộ TT&TT ngày 9/10, giới thiệu về nền tảng trợ lý ảo công chức, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) cho biết, nền tảng này sẽ giúp tiết kiệm thời gian xử lý công việc thay vì phải lên các công cụ để tìm kiếm như trước. Cụ thể, thay vì có hàng trăm kết quả tìm kiếm và tự phải tổng hợp thông tin, trợ lý ảo sẽ giúp trả lời ngắn gọn, chính xác.
Chưa kể, trợ lý ảo cũng giúp hỗ trợ hiệu quả công việc bằng cách tự động thực hiện các tác vụ đơn giản, thường xuyên lặp lại. Đồng thời, nó được tích hợp tri thức của chuyên gia, đóng góp của cộng đồng người sử dụng, dữ liệu được cập nhật liên tục.
“Trợ lý giúp việc giao tiếp trở nên thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng khi tương tác bằng chữ viết hoặc giọng nói”, ông Quý cho biết thêm.
Trợ lý ảo có 2 nguyên lý cơ bản: Thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên ngành, tri thức của các chuyên gia để cải thiện chất lượng của kết quả trả lời; Học tăng cường từ phản hồi của người dùng như đánh giá, chấm điểm giúp cải thiện mô hình và thuật toán học máy.
Về mục tiêu trợ lý ảo CBCC, trợ lý ảo giúp tra cứu thông tin nhanh chóng, nhất là các văn bản pháp luật quản lý chuyên ngành, để nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc. Tuy nhiên, đây chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không thay thế được con người ra quyết định.
Mục tiêu thứ hai là nơi lưu trữ, tích lũy các tri thức của tổ chức trong các lĩnh vực chuyên môn, giúp CBCC tiếp cận được tri thức ẩn, bài học kinh nghiệm, cách làm hay của những người đi trước, nhất là các chuyên gia trong ngành.
Bên cạnh đó, việc phát triển trợ lý ảo CBCC cũng giúp các công ty công nghệ Việt Nam làm chủ công nghệ tiên tiến trên thế giới, giải quyết các nhu cầu Việt Nam.
Kiến trúc lõi của nền tảng của trợ lý ảo CBCC là mô hình ngôn ngữ lớn mà đang được nhiều công ty lớn trên thế giới đang sử dụng như OpenAI, Google AI, Meta AI… Cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng là các CSDL nền tảng văn bản quy phạm pháp luật, của ngành, địa phương. “Giải pháp của Viettel Cyberspace cơ bản đáng ứng được việc hỏi đáp bằng tiếng Việt”, ông Quý bày tỏ.
Hiện Trợ lý ảo cho CBCC đang trong giai đoạn phát triển, chưa nắm bắt hết các nhu cầu thực tế. Vì vậy, trợ lý ảo cần học hỏi thêm từ dữ liệu hỏi đáp trong quá trình sử dụng và từ phản hồi của người dùng.
Cũng theo ông Quý, về khả năng, nền tảng này đang có CSDL khoảng 20.000 văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực, tích hợp thêm các tri thức trên Internet để làm phong phú thêm trong quá trình tương tác với người dùng. Hạn chế trả lời về các chủ đề: tôn giáo, sắc tộc, chính trị, giới tính, kỳ thị, văn hoá phẩm đồi truỵ.
Từ đó, ông Quý đã đưa ra 2 đề xuất với Bộ TT&TT, đầu tiên, cần có có các chính sách thúc đẩy triển khai rộng hơn, thừ nghiệm trên thực tế ở nhiều lĩnh vực, qua đó giúp Trợ lý ảo ngày càng thông minh và giúp nâng cao năng suất lao động của các CBCC thông qua phản hồi người dùng.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã hỗ trợ Viettel nguồn dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, sách nhưng cần có thêm các chính sách khuyến khích đóng góp dữ liệu (sách, bài báo khoa học, từ điển chuyên nghành, tài liệu chuyên ngành,…) từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan, từ đó giúp lảm chủ công nghệ và nghiên cứu thành công mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt đáng tin cậy.
Giúp thay đổi căn bản cách tiếp cận thông tin
Về những đề xuất của Viettel, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong tuần này sẽ có danh sách khoảng 3.000 người ở các đơn vị nhà nước, Bộ ban ngành, địa phương từ cấp tỉnh cho đến huyện… vào danh sách sử dụng trợ lý ảo này. Những người này cũng sẽ tham gia xây dựng vào nền tảng trợ lý ảo.
Ngoài ra, khi tìm kiếm với cụm từ ‘Đầu tư công đấu thầu như thế nào”, nếu trước đây, sẽ có một triệu câu trả lời cùng đường link như bài báo, văn bản… Trợ lý ảo thì sẽ giúp lọc ra một câu trả lời “dùng được”.
“Công cụ này giúp thay đổi căn bản cách chúng ta tiếp cận thông tin thay vì phải lọc, phải đi tìm như trước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Còn với trợ lý ảo cho CBCC, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT nó sẽ phải khác với ChatGPT. ChatGPT lấy thông tin trên mạng Internet và nhiều dữ liệu chưa lấy được hết nên mới có câu trả lời là chưa cập nhật/chưa có. Còn hệ thống văn bản pháp luật đã được cố định nên chỉ có 2 trạng thái có hoặc không có.
Chưa kể, số lượng tệp (file) hệ thống văn bản pháp luật phải xử lý nhỏ hơn ChatGPT nên bản chất trợ lý ảo của Viettel phải thông minh hơn ChatGPT.
Bên cạnh trợ lý ảo cho CBCC, Viettel đã xây dựng công cụ trợ lý ảo cho thẩm phán. Công cụ này đã được Toà án tối cao đánh giá là giúp thời gian xử lý của một thẩm phán giảm 30%, nhất là các thảm phán cấp huyện đã được nâng cao lên đáng kể./.