Việt Nam - Australia chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số để không ai bị bỏ lại phía sau

Diễn đàn - Ngày đăng : 23:31, 11/10/2023

Các chuyên gia chuyển đổi số (CĐS) của Bộ TT&TT Việt Nam và Cơ quan chuyển đổi số (DTA) Australia đã có những trao đổi chuyên sâu về CĐS, chính phủ số để không ai bị bỏ lại phía sau.
Diễn đàn

Việt Nam - Australia chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số để không ai bị bỏ lại phía sau

Hoàng Linh 11/10/2023 23:31

Các chuyên gia chuyển đổi số (CĐS) của Bộ TT&TT Việt Nam và Cơ quan chuyển đổi số (DTA) Australia đã có những trao đổi chuyên sâu về CĐS, chính phủ số để không ai bị bỏ lại phía sau.

Ngày 11/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động nhân dịp Kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia (1973 - 2023), Bộ TT&TT phối hợp với Cơ quan CĐS Australia tổ chức tọa đàm thúc đẩy hợp tác đối tác số Việt Nam - Australia.

img_6907.jpg
Đoàn công tác của Bộ TT&TT và DTA trao đổi chuyên sâu về CĐS của hai nước và xây dựng chính phủ số, phát triển dữ liệu số

Đoàn công tác của Bộ TT&TT do ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ TT&TT làm trưởng đoàn và Đoàn công tác của DTA do bà Lucy Poole, Quản lý cấp cao, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chiến lược, Kiến trúc và Khám phá số làm trưởng đoàn. Tham dự toạ đàm còn có đại diện các đơn vị của Bộ TT&TT, DTA và một số doanh nghiệp (ICT) của Việt Nam.

Việt Nam thúc đẩy CĐS, chia sẻ dữ liệu

img_6878.jpg
Ông Nguyễn Thanh Thảo: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành một quốc gia số

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng Chính sách, Cục CĐS Quốc gia - Bộ TT&TT đã giới thiệu Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam triển khai CĐS theo 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Chương trình có tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành một quốc gia số, theo đó, thay đổi một cách căn bản toàn diện các hoạt động của chính phủ trên môi trường số, đổi mới phương thức hoạt động của các DN và các thói quen, sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của người dân trên môi trường số.

Để thực hiện tầm nhìn, 6 nguyên tắc để CĐS được đưa ra, gồm: nhận thức của người lãnh đạo các cấp, các bộ, ngành, toàn dân về CĐS; lấy người dân làm trung tâm; coi xây dựng thể chế và công nghệ là động lực để phát triển, trong đó ưu tiên hoàn thiện thể chế đi trước; phát triển các nền tảng số trung ương và địa phương là giải pháp đột phá; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và phát triển DN công nghệ để thực hiện mục tiêu vừa CĐS và vừa xây dựng các DN công nghệ số để làm các sản phẩm Make in Viet Nam.

Chương trình cũng đưa ra một số lĩnh vực cần ưu tiên CĐS, bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Thảo (Cục CĐS Quốc gia) cũng chia sẻ với các chuyên gia CĐS Australia là khi Việt Nam CĐS, Chính phủ và Bộ TT&TT rất coi trọng dữ liệu. Đầu tiên là có dữ liệu, sau đó thu thập và cập nhật, làm sạch dữ liệu, khai phá dữ liệu, sử dụng dữ liệu. Ngay từ khi xây dựng kiến trúc CPĐT Việt Nam, Bộ TT&TT đã xây dựng 1 khung kiến trúc dữ liệu. Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 để quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, trong đó có quy định, xác định dữ liệu nào là dữ liệu gốc (master data), dữ liệu nào là dữ liệu phái sinh để từ đó hướng dẫn các Bộ quản lý tự xây dựng danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) của mình. Bộ TT&TT đầu mối, tham mưu tổng hợp trên cơ sở của các Bộ, ngành để ban hành danh mục CDSL quốc gia.

Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành ban hành danh mục dữ liệu cấp trung ương và có nghĩa vụ chia sẻ cho tất cả các cơ quan trong hệ thống để khai thác sử dụng và trên cơ sở khung kiến trúc chính phủ điện tử (CPĐT) Quốc gia đã được ban hành hoặc theo mô hình kết nối cụ thể giữa các cơ quan trung ương và địa phương.

Ở các địa phương, cũng căn cứ mỗi tỉnh sẽ có các ngành, lĩnh vực thì các cơ quan địa phương thu thập, tập hợp, lưu trữ dữ liệu để đưa vào trong CSDL của ngành đó. Người dân đến cơ quan công quyền cung cấp thông tin để làm thủ tục hành chính thì các thông tin được chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Thảo, hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình tạo lập dữ liệu. Một số CSDL đã được tạo lập đầy đủ và đang được khai thác sử dụng như CSDL Quốc gia về dân cư, hiện đã có hơn 80 triệu dữ liệu được tạo lập, khai thác, chia sẻ…

Thế mạnh về giám sát đầu tư số và CNTT-TT, chính phủ số

img_6851.jpg
Bà Lucy Poole và các thành viên trong đoàn công tác DTA chia sẻ về CĐS của Australia

Cũng tại toạ đàm, đoàn công tác DTA đã chia sẻ các nội dung về các cấp chính quyền, lực lượng lao động trong dịch vụ công (DVC), luật pháp, các DVC, các sáng kiến toàn chính phủ, lãnh đạo lĩnh vực số, khung giám sát đầu tư số và công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT), kiến trúc chính phủ điện tử (CPĐT), chiến lược chính phủ số và dữ liệu, tiêu chuẩn dịch vụ số, quy trình đánh giá năng lực số…

Trong đó, các nội dung như khung giám sát đầu tư số và CNTT-TT (IOF) áp dụng cho tất cả các đề xuất đầu tư số và CNTT-TT của Chính phủ, kiến trúc CPĐT, tiêu chuẩn dịch vụ số… được các chuyên gia CĐS của Australia trao đổi chuyên sâu và nhận được nhiều sự quan tâm của Việt Nam.

Khung giám sát đầu tư số và CNTT-TT gồm 6 giai đoạn: (1) Lập kế hoạch chiến lược; (2) Ưu tiên; (3) Tính cạnh tranh; (4) Tính bảo đảm; (5) Tìm nguồn cung ứng số; (6) Sử dụng thực tế. Trong đó, việc lập kế hoạch chiến lược phải xác định danh mục đầu tư số và CNTT-TT của chính phủ, mục tiêu tương lai và xác định các khoảng trống năng lực; Xác định sự trùng lặp của hệ thống; Xây dựng quan điểm toàn diện về môi trường đầu tư CNTT-TT của chính phủ, rủi ro và cơ hội; Đưa ra định hướng chiến lược cho việc đầu tư của Chính phủ Australia về số và CNTT-TT.

Về tìm nguồn cung ứng số, có nền tảng cung ứng số www.buyict.gov.au được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ các nhu cầu mua sắm số của chính phủ. Nền tảng hỗ trợ chính phủ tìm nguồn sản phẩm và dịch vụ CNTT, tìm người bán và khám phá các nền tảng hiện có của chính phủ. Nền tảng đã có hơn 2 tỷ đô la Australia (31.000 tỷ đồng Việt Nam) trong các hoạt động mua sắm số và CNTT được trao cho các DN nhỏ và vừa trong năm 2022 - 2023. Khoảng 550 nhà cung ứng mới được thêm vào danh sách trong khoảng thời gian này.

Australia đưa chiến lược Chính phủ số và dữ liệu với tầm nhìn 2030 là chính phủ cung cấp các DVC đơn giản, an toàn và kết nối cho mọi người dân và DN thông qua năng lực số và dữ liệu đẳng cấp thế giới.

Nhiệm vụ của chiến lược là: mang lại lợi ích cho người dân và DN; Đơn giản và liền mạch; Chính phủ cho tương lai; Tin cậy và an toàn, Nền tảng số và dữ liệu. Theo đó, chính phủ cho tương lai là chính phủ dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng các công nghệ số và dữ liệu mới nổi và mới để tận dụng các cơ hội để đáp ứng các ưu tiên mới.

Để đo được mức độ thành tựu hướng tới Tầm nhìn 2030, Chính phủ Australia sẽ thiết lập các thước đo định lượng cho từng nhiệm vụ của chiến lược. Điều này sẽ yêu cầu việc đánh giá tình trạng hiện tại, cũng như xây dựng và thực hiện các sáng kiến mới với trách nhiệm rõ ràng và biện pháp mục tiêu.

Chia sẻ về chuẩn dịch vụ số của Australia, DAT cho biết có 10 chuẩn gồm: Hiểu nhu cầu của người dân; Có đội ngũ đa ngành; Không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt người khuyết tật, vùng sâu, xa; Kết nối các dịch vụ; Xây dựng sự tin cậy trong thiết kế; Không phát minh lại cái bánh xe: tái sử dụng dữ liệu; Không gây hại - bảo vệ quyền số của con người; Đổi mới mục đích để mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân; Theo dõi giám sát dịch vụ và đảm bảo sự phù hợp.

Trao đổi về an toàn mạng, DTA cho biết nội dung này thuộc về Bộ Nội vụ. Australia đang xem xét một chiến lược an ninh mạng (ANM) mới, đang được xây dựng từ khá lâu và năm ngoái Australia đã xảy lộ lọt dữ liệu lớn và ANM nhận được quan tâm nhiều hơn trong toàn bộ Chính phủ. Chính phủ cho rằng giờ đây trong các văn bản cần phải tích hợp việc quản lý dữ liệu, ANM. Bên cạnh đó, sự cố lộ lọt đã buộc Australia phải xem lại cách thức quản lý, chức năng nhiệm vụ để đưa ra chiến lược. Australia cũng vừa có cán bộ quản lý an ninh mạng làm việc với các chính quyền ở các cấp, để phòng ngừa tấn công mã độc, để người dân, DN có đủ khả năng đảm bảo ANM.

Kết luận tại toạ đàm, bà Lucy Poole cho rằng DTA đã thu nhận được các thông tin, các ưu tiên và kinh nghiệm CĐS hữu ích của Việt Nam. Theo đó, hai nước có nhiều điểm, thách thức chung dù đang ở vào các điểm khác nhau trên hành trình CĐS và mong hai nước tiếp tục chia sẻ bất cứ khi nào có thể.

img_6862.jpg
Ông Hoàng Anh Tú (giữa) và đoàn công tác của Bộ TT&TT chia sẻ các thông tin về CĐS của Việt Nam

Trong khi đó, ông Hoàng Anh Tú cho biết toạ đàm là bước đầu để hai bên tiếp tục có những chia sẻ, hợp tác sâu sắc trong tương lai và đề nghị DTA giúp cho Việt Nam đào tạo về quản lý dự án ICT, là thế mạnh lớn của DTA để Bộ TT&TT và các bộ ngành khác của Việt Nam thực hiện đầu tư ICT hiệu quả. Bộ TT&TT cũng đánh giá cao về cách thức đo lường các thành tựu đạt được của các chiến lược số./.

Hoàng Linh