Cần xem xét việc độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm trong các ngân hàng
Truyền thông - Ngày đăng : 16:10, 12/10/2023
Cần xem xét việc độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm trong các ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị cho các ngân hàng thương mại xem xét việc tăng cường hợp tác với nhiều công ty bảo hiểm khác nhau để đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, thay vì tiếp tục áp dụng hình thức phân phối độc quyền.
Công văn gửi từ Ngân hàng Nhà nước tới các ngân hàng thương mại có nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng, kiểm toán nội bộ và đại lý bảo hiểm.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị cho các ngân hàng thương mại xem xét việc tăng cường hợp tác với nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ khác nhau để đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mà họ cung cấp cho khách hàng, giúp đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau từ phía khách hàng. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và kiểm toán nội bộ đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm, tập trung vào hoạt động của đại lý bảo hiểm trong việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến đầu tư.
Cơ quan quản lý đã truyền đạt một thông điệp quan trọng trong bối cảnh kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) - xu hướng phổ biến là độc quyền phân phối, nghĩa là một ngân hàng chỉ hợp tác với một công ty bảo hiểm duy nhất. Mặc dù xu hướng này đã phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, ở Việt Nam, trong thời gian gần đây đã xuất hiện sự tăng trưởng "nóng" đi kèm với việc kiểm soát chất lượng không đủ tốt. Nhiều người dân đã phản ánh các vấn đề tiêu cực liên quan đến bancassurance, như bị ép mua bảo hiểm kèm với khoản vay hoặc sự nhầm lẫn về mục tiêu của bảo hiểm và tiết kiệm.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra nội bộ đối với đại lý bảo hiểm và tập trung vào việc kiểm soát sản phẩm bảo hiểm liên quan đến đầu tư. Với loại sản phẩm này, Ngân hàng Nhà nước đặt yêu cầu cao về việc tư vấn theo đúng quy định và theo quy trình do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành.
Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, nhân viên phải đưa ra phân tích kỹ lưỡng về thông tin của khách hàng, bao gồm những yêu cầu và khả năng tài chính, cũng như mức độ chấp nhận rủi ro. Từ đó, tư vấn cho khách hàng về sản phẩm phù hợp nhất dựa trên những thông tin này. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng khách hàng hiểu rõ về quyền lợi và về các rủi ro đặc thù của sản phẩm bảo hiểm được lựa chọn trước khi ký kết hợp đồng. Nghiêm cấm hành vi tác động, xúi giục khách hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện tại để tham gia vào sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị rằng các ngân hàng nên sử dụng nhân sự từ công ty bảo hiểm để trực tiếp tư vấn sản phẩm cho khách hàng, thay vì dựa hoàn toàn vào nhân viên ngân hàng để thực hiện.
Kể từ năm 2022 đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành một loạt các thông báo cảnh báo và hướng dẫn nhằm điều chỉnh và điều hành hoạt động của các đại lý bảo hiểm hoạt động trong ngân hàng và tổ chức tín dụng. NHNN cũng đã cụ thể nội dung kiểm tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng và đại lý bảo hiểm vào kế hoạch thanh tra năm 2023 của một số ngân hàng thương mại cổ phần.
Bên cạnh đó, để giám sát hoạt động của các công ty bảo hiểm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất một chuyên đề riêng biệt để kiểm toán tình hình thị trường bảo hiểm nhân thọ hoặc thực hiện kiểm toán thông qua các tổ chức tín dụng và bảo hiểm để trả lời một cách rõ ràng các yêu cầu được đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội.