Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển

Truyền thông - Ngày đăng : 16:11, 12/10/2023

Trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến vào khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển đang được nhiều địa phương tập trung thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Truyền thông

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển

T.Đ.H {Ngày xuất bản}

Trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến vào khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển đang được nhiều địa phương tập trung thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Bờ biển nước ta trải dài trên 3.260 km theo phương kinh tuyến với trên 3.000 đảo và quần đảo. Những năm qua, phát triển kinh tế biển trong đó có khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển luôn là ưu tiên hàng đầu của các địa phương có biển.

Tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong phát triển cũng là một trong các giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ.

Cụ thể, Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg, ngày 26/6/2020 về "Phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030” nhằm tổ chức, nghiên cứu, tiếp cận, tận dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trong xây dựng nền kinh tế biển.

Ứng dụng công nghệ cao trong khai thác, bảo quản và nuôi trồng thủy sản

Hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng thủy sản sau khi khai thác, các tỉnh thành nước ta đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản và chế biến. Điển hình là ứng dụng tời thủy lực cho nghề chụp, nghề lưới rê đáy, đèn LED cho nghề chụp mực trong khai thác. Công nghệ đá sệt, công nghệ lạnh kết hợp, công nghệ Nano trong bảo quản và các quy trình rửa, sấy phun, chín sinh học khi chế biến thủy sản…

Theo đó, sử dụng đèn LED trong khai thác hải sản mang lại lợi ích rất lớn cho cá nhân các chủ tàu, cho cả nền kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường thông qua giảm lượng phát thải nhà kính. Đã có nhiều tàu lưới chụp của các tỉnh ứng dụng đèn LED vào sản xuất như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận. Sau một năm lắp đặt thử nghiệm hệ thống đèn LED trên tàu cá của ngư dân đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Hay như công nghệ Nano UFB (Ultra Fine Bubble) là công nghệ bảo quản hiện đại giúp ngư dân có thể giữ tươi con cá sau đánh bắt tốt hơn các cách làm cũ. Nano UFB là công nghệ tạo bóng khí siêu nhỏ có đường kính nanomet. Khi thiết bị hoạt động sẽ cấp khí nitơ vào máy tạo bong bóng siêu nhỏ, được hòa trộn ở bên trong thiết bị nhờ các cơ cấu ống nano, tạo thành dung dịch chứa bong bóng khí nitơ kích cỡ nanomet, mang điện tích âm có tác dụng hút các chất hữu cơ khác mang điện tích dương làm sạch nước rất hiệu quả.

Các bong bóng nano nitơ sẽ khử oxy hòa tan trong nước, làm giảm hoạt động và phát triển của vi khuẩn hiếu khí, do đó loại bỏ quá trình oxy hóa từ bề mặt ngoài vào đến tận bên trong cơ thể cá, giúp cá được bảo quản tốt, ngăn chặn được tình trạng thịt cá bị ôi, biến chất.

1908ca(1).jpg
Bè nuôi cá cửa biển. (Ảnh: Internet)

Về nuôi trồng thủy sản, mới đây nhất vào tháng 9/2023, các nhà khoa học Việt Nam vừa thử nghiệm thành công Hệ thống Internet vạn vật giám sát tự động thông số chất lượng nước phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, nâng cao hiệu quả chăm sóc nuôi trồng thủy sản nhờ áp dụng khoa học-công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội.

Theo đó, Hệ thống Internet vạn vật giám sát tự động này sẽ theo dõi khu vực nuôi diện tích lớn với mạng cảm biến không dây, hạ tầng máy chủ, phần mềm và Internet để lưu trữ, phân tích và cảnh báo sớm các biến động của môi trường nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả. Hệ thống có cấu trúc linh hoạt, nhiều phương án phù hợp với điều kiện và khả năng ứng dụng.

Internet vạn vật này còn bao gồm xây dựng phân hệ trạm đo các thông số môi trường như: Phân hệ trạm giám sát các thông số môi trường nước ao nuôi được thiết kế với phao nổi trên mặt nước; Hệ đo tích hợp cảm biến và thiết bị phân tích để thu thập 5 chỉ số môi trường chính: nhiệt độ, pH, độ mặn (EC), Oxy hòa tan (DO) và độ oxy hóa khử (ORP).

Trạm giám sát tự động được tích hợp module cung cấp nguồn và lưu trữ năng lượng điện từ pin mặt trời để đảm bảo hoạt động độc lập liên tục trong khoảng thời gian dài. Đồng thời, trạm giám sát được lắp đặt trên hệ thống phao chuyên dụng và có cơ cấu cơ khí gá lắp phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn thiết bị hoạt động tốt trong môi trường ngoài trời khu vực ven biển.

Hệ thống Internet vạn vật giám sát tự động thông số chất lượng nước nuôi trồng thủy sản hiện đang được thử nghiệm tại tỉnh Ninh Thuận với kết quả khá thành công.

Hệ thống này sẽ phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, nâng cao hiệu quả chăm sóc nuôi trồng thủy sản nhờ áp dụng khoa học - công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Hệ thống này còn góp phần hỗ trợ về việc quản lý môi trường tại các cơ sở nuôi tôm, giúp các đơn vị quản lý nắm bắt môi trường nước tại các cơ sở nuôi nhằm đánh giá khả năng hoạt động hiệu quả của cơ sở, nguy cơ ô nhiễm môi trường…

Phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường

Việt Nam là đất nước có ¾ là biển, với tài nguyên và diện tích biển lớn như vậy thì chúng ta có dư địa rất lớn để khai thác và triển khai nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi biển nói riêng. Đến nay nuôi trồng thủy sản đã phát triển sang một bước mới, đó là áp dụng khoa học công nghệ vào để nuôi chứ không phải khai thác xa bờ như trước.

Tuy có nhiều giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhưng có 3 giải pháp chính cần được đẩy mạnh áp dụng để phù hợp với thực tiễn:

Thứ nhất là lồng nuôi phù hợp cho ngoài khơi, có thể chịu được bão gió cấp 12, trên đó định vị được tọa độ, trong những trường hợp đặc biệt vẫn tìm được sản lượng, data trên biển bằng mã QR code và iCheck trên lồng.

Thứ hai là sản phẩm thay thế cho phao xốp trước đây bà con dùng; hoặc thay thế những thùng phuy hệ nổi bằng những ngôi nhà, phao HDPE bền vững với biển và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, tất cả sản phẩm đều có nét đẹp là gắn với môi trường, bảo vệ môi trường, độ bền đến 50 năm, đặc biệt còn tích hợp được với khoa học công nghệ, chẳng hạn như công nghệ đánh chìm lồng, cho ăn tự động… Người dân có thể để lồng ở đó nhưng hoàn toàn tự động nuôi cá chứ không phải ra bờ hay ra ngoài khơi để chăm sóc.

Ngoài ra, thời gian tới, cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin khoa học - công nghệ, tập huấn... cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu khoa học - công nghệ lĩnh vực thủy sản; cần quan tâm đến con giống, nghiên cứu về dịch bệnh, biến đổi khí hậu - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành.

T.Đ.H