Tạo sinh kế cho ngư dân: Hướng đi mới của ngành Thủy sản Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 16:11, 12/10/2023

Hiện nay, ngành khai thác thủy sản Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhằm phát triển nghề cá theo hướng bền vững, hiệu quả, việc cơ cấu lại đội tàu đánh bắt là yêu cầu cấp thiết.
Truyền thông

Tạo sinh kế cho ngư dân: Hướng đi mới của ngành Thủy sản Việt Nam

P.V {Ngày xuất bản}

Hiện nay, ngành khai thác thủy sản Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhằm phát triển nghề cá theo hướng bền vững, hiệu quả, việc cơ cấu lại đội tàu đánh bắt là yêu cầu cấp thiết.

Ngành khai thác thủy sản đối mặt nhiều khó khăn

Đến ngày 29/8/2023, cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019). Ngoài ra, cả nước có 4.227 tổ đội sản xuất trên biển đang hoạt động với sự tham gia của 29.588 tàu cá, 179.601 lao động trên các vùng biển.

Các mô hình này thường gồm từ 5-10 tàu làm cùng nghề, cùng khai thác trên một ngư trường, có mối quan hệ thân thuộc như cùng dòng họ, anh em hay cùng làng xã... liên kết hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai, tai nạn, rủi ro trên biển, về thông tin ngư trường, vận chuyển sản phẩm khai thác được vào bờ hoặc vận chuyển nhiên liệu nước đá cho tàu còn khai thác ngoài biển...

khanh-hoa-anh-ttxvn-1024x65520230215080704.jpg
Đến ngày 29/8/2023 cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên.

Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành kinh tế khác, ngành khai thác thủy sản Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ðại dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga-Ukraine đã và đang tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu, giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư, các mặt hàng phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo, nên các đội tàu phải ngưng/giảm hoạt động khai thác thủy sản.

Mặt khác, tình hình an ninh trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động của tàu cá, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân.

Ủy ban Châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào thị trường EU.

Tình trạng thiếu nguồn lao động trầm trọng, nguồn nhân lực còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành khai thác thủy sản. Phương tiện lao động còn thô sơ, chưa được hỗ trợ đồng bộ từ các cấp, chính quyền. Hơn nữa, việc khai thác chưa áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp. Chưa có sự bình ổn giá nên giá thành ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Vì tình trạng khai thác và đánh bắt cá quá mức, đến nay các nhà nghiên cứu đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ bị đe dọa. Các loài này là những loài quý hiếm và đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (bao gồm: 37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực).

Kết quả nghiên cứu của FAO và một số tổ chức quốc tế khác trong những năm gần đây đều chỉ ra rằng, khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt, sản lượng đánh bắt giảm đáng kể, nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Cắt giảm đội tàu khai thác theo lộ trình phù hợp

Trước tình trạng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Cục Thủy sản đã đưa ra nhiều giải pháp cả trước mắt và dài hạn. Trước hết, ngành thủy sản tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là vùng ven bờ để phục vụ việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác của các địa phương.

ra-soat-cat-giam-tau-hoang-an.jpg
Ngành nông nghiệp, thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ còn khoảng 83.000 tàu cá.

Cùng với đó, nâng cao độ chính xác của bản tin dự báo ngư trường; đổi mới phương thức phát hành, cung cấp các bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản để ngư dân tiếp cận, biết và sử dụng trong sản xuất.

Một trong những mục tiêu quan trọng sắp tới của ngành thủy sản là cắt giảm lượng tàu cá hiện nay về mức hợp lý và cấu trúc lại để phát triển bền vững hơn. Việc giảm số lượng tàu cá cần có lộ trình; giảm số lượng tàu cá nhưng sẽ chú trọng chất lượng đội ngũ ngư dân. Ngành nông nghiệp, thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ còn khoảng 83.000 tàu cá.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án tạo sinh kế cho những ngư dân không làm nghề đánh bắt hải sản trên biển nữa. Bộ sẽ thống kê những nhóm đang khai thác ở vùng biển cần bảo tồn để ưu tiên chuyển đổi nghề trước. Những người này sẽ được hỗ trợ để chuyển sang nuôi trồng thủy sản trên bờ, ven bờ với quy mô hợp tác xã. Ngư dân cũng sẽ được hỗ trợ chuyển sang các nghề khác như làm du lịch biển. Và địa phương giữ vai trò tổ chức mô hình, tập huấn, đào tạo nghề, có chính sách hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương tổ chức đăng ký, cấp giấy phép, nhập thông tin tàu cá vào cơ sở dữ liệu tàu cá VNFISHBASE theo quy định; có biện pháp quản lý tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, ngăn chặn các tàu này đi hoạt động khai thác; xử lý triệt để, đúng quy định tàu cá bị mất kết nối.

Ngành Thủy sản tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan khai thác thủy sản cho ngư dân; hướng dẫn việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác.

P.V