Kết hợp nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn thủy lợi, phòng chống thiên tai

Truyền thông - Ngày đăng : 16:12, 12/10/2023

Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai cao, đặc biệt là lũ lụt và hạn hán. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), Việt Nam đã nắm bắt và phát triển các giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực thủy lợi - phòng, chống thiên tai.
Truyền thông

Kết hợp nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn thủy lợi, phòng chống thiên tai

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai cao, đặc biệt là lũ lụt và hạn hán. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), Việt Nam đã nắm bắt và phát triển các giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực thủy lợi - phòng, chống thiên tai.

Tại Hội thảo toàn quốc về KHCN và ĐMST lĩnh vực thủy lợi - phòng, chống thiên tai do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Đảng và Nhà nước xác định rõ vai trò quan trọng của thủy lợi, phòng, chống thiên tai, vì thế đã có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích đầu tư phát triển KHCN cũng như nguồn nhân lực vào lĩnh vực này.

Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai ngày càng được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế, xã hội, môi trường cũng như phòng, chống giảm nhẹ thiên tai.

Khó khăn và thách thức của hệ thống các công trình thủy lợi

Theo đại diện Cục Thủy lợi cho biết tại Hội thảo, hiện nay cả nước có 86.200 công trình thủy lợi, trong đó có 6.750 hồ chứa; 592 đập dâng; 19.416 trạm bơm; 27.754 cống các loại; 16.573 công trình cấp nước nông thôn tập trung; 900 hệ thống thủy lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên; 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ hơn 2.000 ha.

dai-bieu.jpg
Đại biểu trình bày tại Hội thảo toàn quốc về KHCN và ĐMST lĩnh vực thủy lợi-phòng, chống thiên tai.

Tuy vậy, nhiều công trình thủy lợi bao gồm hồ, đập được xây dựng từ lâu nhưng chưa được bảo trì, nâng cấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, thiếu bền vững. Ngoài ra, rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu. Hệ thống thủy lợi thiết kế trước đây chủ yếu tập trung vào cấp, tiêu nước cho lúa; phần lớn diện tích canh tác cây trồng cạn chưa được tưới, hoặc tưới bằng các biện pháp lạc hậu, lãng phí nước.

Biến đổi khí hậu cũng gây ra những thách thức như gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến nước, tăng tính bất định, trái quy luật thông thường, khó lường, khó dự báo; nguy cơ ngập do nước biển dâng; ô nhiễm nguồn nước đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, chủ yếu tập trung ở các vùng trung và hạ lưu, khu vực đông dân cư, khu đô thị, công nghiệp, làng nghề,….

Bên cạnh đó, nhu cầu nước và cạnh tranh nguồn nước giữa các loại hình sử dụng nước, đối tượng sử dụng nước ngày càng gia tăng do sự gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa, yêu cầu bảo vệ môi trường, hệ sinh thái liên quan đến nước,…

Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho công tác thủy lợi trong tình hình mới là thủy lợi phải phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước cho giai đoạn trước mắt và lâu dài. Hệ thống thủy lợi chuyển đổi theo hướng đa dụng, tổng hợp, đa mục tiêu, thông minh, gắn với chuyển đổi số ngành thủy lợi, ngành nông nghiệp phát triển nông thôn; chuyển đổi chức năng từ phục vụ sang dịch vụ, kinh tế nước, nâng cao năng suất nước.

Kết hợp nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn thủy lợi, phòng chống thiên tai

Để giải quyết những khó khăn thách thức cũng như đảm bảo an toàn thủy lợi, phòng chống thiên tai, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp kết hợp từ chính sách đến áp dụng KHCN, bám sát Chiến lược Thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07/01/2020); Chiến lược Quốc gia Cấp nước sạch và Vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021); Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022); Kết luận của Bộ Chính trị số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; nước sạch nông thôn (kiện toàn tổ chức quản lý thủy lợi vùng, quốc gia,…); Đổi mới cơ chế tài chính và huy động nguồn lực; tăng cường phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, điều tra cơ bản; Chủ động phát triển, tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, cấp, tiêu, thoát nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

Đặc biệt, đại diện Cục Thủy lợi nhấn mạnh cần bám sát các định hướng, nhiệm vụ giải pháp đã được đề ra trong các Chiến lược, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để định hướng nghiên cứu, ứng dụng KHCN và ĐMST cho phù hợp, thiết thực, khả thi; thực hiện chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, nâng cao năng lực dự báo chuyên ngành về hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt/ngập úng đô thị lớn,….; tăng cường ứng dụng thành tựu KHCN tiên tiến, chuyển đổi số,…

Nhiều kết quả đạt được nhờ ứng dụng KHCN trong phòng chống thiên tai

Theo GS.TS Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, KHCN thế giới đang có những chuyển động và phát triển rất mạnh mẽ, các công nghệ 4.0, điện toán đám mây, kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số ngày càng đi sâu vào cuộc sống. Lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai cần chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, đồng bộ cho ngành, làm cơ sở nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và hỗ trợ ra quyết định trong phòng chống thiên tai, an toàn đập và phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Chính sách mới với những thay đổi quan trọng về quản lý, dịch vụ thủy lợi, giá dịch vụ thủy lợi, đòi hỏi KHCN cần có cách tiếp cận mới trong xây dựng một hệ thống chính sách, tổ chức quản lý các công trình thủy và phòng chống thiên tai theo hướng đa mục tiêu, sử dụng nước hiệu quả và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2013-2023, nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng đã được triển khai như công nghệ dự báo và giám sát hạn hán, xâm nhập mặn ứng dụng tại vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp số liệu dự báo chính xác, tham mưu trong điều hành sản xuất đạt hiệu quả cao, đặc biệt là đợt hạn 2015-2016, 2019-2020, được Chính phủ và địa phương đánh giá cao.

thuy-loi.jpg
Yêu cầu đặt ra cho công tác thủy lợi trong tình hình mới là phải phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước cho giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Tính toán dự báo biến động nguồn nước sông Mê Công ứng với các kịch bản sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn, biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Cung cấp các cơ sở khoa học về diện tích, thời gian kéo dài lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sự thiếu hụt phù sa trên đồng ruộng, diễn biến sạt lở, bồi lắng, v.v… hỗ trợ các địa phương chuẩn bị các phương án ứng phó chủ động.

Xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, ngập lụt nước dâng do siêu bão cho một số tỉnh ven biển như Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, ĐBSCL.... góp phần thiết thực và hiệu quả cho công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các tỉnh.

Anh Minh