Chuyển đổi số đạt kết quả tích cực để đột phá ở Đồng Nai
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:45, 12/10/2023
Chuyển đổi số đạt kết quả tích cực để đột phá ở Đồng Nai
Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã chủ động chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây vừa là cơ hội, vừa là động lực khơi dậy khát vọng, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh nhà.
Đồng Nai: Quyết tâm và đồng hành cùng CĐS
CĐS là xu thế tất yếu của thời đại, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh Đồng Nai năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát: “Tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với công tác CĐS; đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành công tác quản lý của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường”.
Năm 2023 là năm đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy trong CĐS của tỉnh Đồng Nai, đó là sự chuyển dịch từ ứng dụng số sang nền tảng dữ liệu số. Ngày 26/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 165/KH-UBND Kế hoạch CĐS tỉnh Đồng Nai năm 2023. Tỉnh Đồng Nai đặt ra mục tiêu triển khai, hoàn thành nhiệm vụ theo chủ đề Năm dữ liệu số quốc gia trong việc xây dựng, kết nối, phát triển, khai thác dữ liệu mở phục vụ điều hành chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phát biểu tại lễ khai mạc “Tuần lễ CĐS Đồng Nai" năm 2023 diễn ra từ ngày 10 - 15/10/2023, ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, xác định CĐS trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội (KT-XH), tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch, chương trình hành động, triển khai đồng bộ các giải pháp CĐS trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt là Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đến nay, CĐS đã mang đến những kết quả ban đầu hết sức quan trọng, có ý nghĩa tích cực, là cơ sở cho những đột phá hứa hẹn trong thời gian tới. Hệ thống chính quyền điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ, hiện đại, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tỉnh Đồng Nai đã đầu tư xây dựng hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (Phần mềm Một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công (DVC) tỉnh) kết nối với Cổng DVC quốc gia và được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã để phục vụ người dân, DN nộp hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) qua mạng; cơ sở dữ liệu (CSDL) một số ngành, lĩnh vực đã được xây dựng, từng bước hình thành các CSDL dùng chung, CSDL mở phục vụ tiến trình xây dựng Chính quyền số tỉnh Đồng Nai.
Tỉnh cũng đã tích hợp chữ ký số (CKS) chuyên dùng trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, đặc biệt đã thực hiện CKS trên các thiết bị di động. Đồng thời triển khai thí điểm 2 nền tảng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của VNPT và Viettel trên địa bàn TP. Biên Hòa và TP. Long Khánh, cơ bản bước đầu hình thành công cụ quản lý, điều hành trực tuyến, kênh thông tin giao tiếp trực tuyến với người dân, DN; triển khai thí điểm nền tảng xã hội số “Đồng Nai CĐS”.
Công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh. Công nghệ số được ứng dụng trên tất cả các lĩnh vực. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại, thiết bị thông minh tăng nhanh và từng bước tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số phục vụ đời sống, KT-XH…
Theo bảng xếp hạng ICT Index năm 2022, Đồng Nai đạt 0,5687 điểm, xếp hạng 8 cả nước, tăng 26 bậc so với năm 2020 (năm 2021 không tổ chức đánh giá, xếp hạng). Trong khu vực Đông Nam bộ, Đồng Nai dẫn đầu về chỉ số này, tiếp theo là TP. HCM xếp hạng 11, Bà Rịa - Vũng Tàu xếp hạng 19… Tỉnh đã thành lập được khoảng 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 6,4 ngàn thành viên.
Đồng Nai cũng là tỉnh tiên phong ứng dụng Zalo để đơn giản hóa các TTHC và tương tác với người dân. Với hơn 2 triệu người dân Đồng Nai sử dụng Zalo, đây là phương án tối ưu để giúp hơn người dân tiếp cận với các DVC trực tuyến, kết nối các tiện ích từ các sở, ngành liên quan. Qua đó, giúp người dân có thể dễ dàng kết nối và thụ hưởng các tiện ích mà chính quyền cung cấp.
Việc tỉnh Đồng Nai tổ chức Tuần lễ CĐS nhằm đánh giá kết quả đạt được, chia sẻ, giới thiệu các mô hình, giải pháp CĐS thành công, các cách tiếp cận, định hướng CĐS của tỉnh trong thời gian tới. Đây còn là dịp để cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn được tìm hiểu, nâng cao nhận thức về CĐS, một trong những điều kiện kiên quyết để CĐS diễn ra thành công.
Xây dựng và phát triển hạ tầng số trong thời đại mới
Ngày 6/10, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Mục đích của kế hoạch nhằm phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Ngoài ra, hạ tầng số cần được phát triển nhanh, phát triển trước phục vụ phát triển chính quyền, kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh làm cơ sở thu hút đầu tư phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Về mạng viễn thông băng rộng di động, kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 80%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%... Về mạng viễn thông băng rộng cố định, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 100%...
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn đến năm 2025. Theo đó, CĐS được ưu tiên phát triển để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng Nai là một trong những địa phương chủ động, có nhiều nỗ lực trong việc phát triển số hóa trên nhiều lĩnh vực trong những năm qua, nhất là hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), ngân hàng số, cải cách TTHC, xây dựng chính quyền điện tử… tạo tiền đề để phát triển nền kinh tế số.
Đầu tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, kế hoạch đề ra các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Về phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh đạt 20% GDP; tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 2%.../.