Đẩy mạnh chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa, HTX tại Đồng Nai
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:14, 13/10/2023
Đẩy mạnh chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa, HTX tại Đồng Nai
Để chuyển đổi số (CĐS) các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thành công, bên cạnh việc thay đổi nhận thức của DN, HTX thì việc hỗ trợ, thúc đẩy CĐS thông qua các cơ chế, chính sách sẽ tạo động lực hơn nữa cho khu vực này đẩy nhanh quá trình CĐS.
Thực trạng DN nhỏ và vừa, HTX trên địa bàn
Chia sẻ tại chuỗi hội thảo CĐS tỉnh Đồng Nai, đại diện VNPT cho biết Đồng Nai có số lượng DN tương đối lớn, đến ngày 15/9/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 51,5 ngàn DN hoạt động, trong đó có số lượng DN nhỏ và vừa đang hoạt động chiếm tỷ lệ cao (khoảng 97% tổng số DN). Về cơ cấu ngành nghề, số lượng DN nhỏ và vừa hoạt động trong một số lĩnh vực chủ yếu, trong đó: phân phối, bán lẻ chiếm tỷ lệ khoảng 36%; công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng chiếm tỷ lệ khoảng 39%....
Về kinh tế tập thể, đến ngày 15/9/2023, trên địa bàn tỉnh có 383 HTX, liên hiệp HTX, quỹ tín dụng nhân dân, trong đó: 167 HTX nông nghiệp, 187 HTX phi nông nghiệp, 28 quỹ tín dụng nhân dân và 01 liên hiệp HTX, với tổng vốn điều lệ là 1.963,327 tỷ đồng, 47.132 thành viên và 7.378 lao động.
Hiện nay, việc thực hiện CĐS bước đầu mới chỉ được ứng dụng ở một số HTX hoạt động hiệu quả, quy mô lớn. Trên thực tế, mới chỉ một số ít HTX đã quan tâm đầu tư công nghệ, hạ tầng số, công nghệ thông tin
(CNTT), chú trọng đến việc xây dựng những bộ nhận diện số, số hóa một phần đến toàn bộ các dữ liệu để lưu trữ... nhưng hầu hết các HTX không tự làm chủ những phương tiện này mà thực hiện qua đơn vị thứ ba dẫn tới hiệu quả không cao.
Còn lại mặt bằng chung cho thấy, hạ tầng CNTT của các HTX còn lạc hậu. Nhiều HTX còn chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng Internet hoặc thiếu các thiết bị phụ trợ như máy in, máy quét (scan) tài liệu... và còn xa lạ với các phần mềm, tiện ích như phần mềm kế toán, quản lý sản xuất, phần mềm quản lý bán hàng.
Nhìn chung, các HTX còn gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận thông tin, cơ chế chính sách và tổ chức hoạt động; nền tảng hạ tầng, nguồn lực thấp nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và CĐS của khu vực kinh tế tập thể, HTX còn có khoảng cách khá xa so với các thành phần kinh tế khác.
Những thách thức đặt ra
Đầu tiên là khó khăn về vốn đầu tư. Đầu tư cho CĐS là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ, vì vậy, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy vậy, việc phải đầu tư lớn về tài chính và nhân lực đã tạo rào cản lớn với các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là các HTX.
Bên cạnh đó là thách thức từ nhận thức của DN nhỏ và vừa, HTX. Mặc dù các nhà quản trị đã bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của CĐS, tuy nhiên, hầu hết vẫn chưa hoàn toàn nhận thức đúng và đầy đủ về ý nghĩa, vai trò CĐS trong cuộc cách mạng 4.0.
CĐS sẽ tác động tới toàn bộ tổ chức và hoạt động của DN, HTX gây nên nhiều áp lực cho các nhà quản trị ngay từ vấn đề nhận thức tầm quan trọng của CĐS đối với sự phát triển DN, HTX, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của đông đảo người lao động tại DN, HTX về tính hiệu quả của CĐS,... CĐS phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy người lãnh đạo, từ chiến lược, tư duy truyền thống sang chiến lược, tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả.
Trình độ lực lượng lao động cũng là một thách thức để CĐS nền kinh tế bởi thực trạng lao động trong các DN nhỏ và vừa, các HTX thuộc nhóm có trình độ chưa cao. Trong khi đó, để thích ứng với các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao của quá trình CĐS và tự động hóa đòi hỏi số lượng lớn lao động có kỹ năng cao.
Thúc đẩy CĐS để mang lại nhiều lợi ích
CĐS đã và đang làm thay đổi toàn bộ phương thức quản lý, vận hành, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nhỏ và vừa cũng như HTX. CĐS mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của DN nhỏ và vừa, HTX trong quá trình điều hành, quản lý và ra quyết định của nhà quản trị DN, HTX, từ đó giúp tăng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với bối cảnh mới của doanh nghiệp.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, đứng trước thực tiễn công cuộc CĐS của các DN, HTX, cần có những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình CĐS.
Một là, CĐS cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai CĐS và đó cũng là điều mà các DN nhỏ và vừa, các HTX gặp khó khăn. Trước hết, cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu của DN, HTX đặc biệt là đội ngũ chủ chốt thông qua các hoạt động huấn luyện, cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng cần thiết; thành thạo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; thành thạo CNTT,... để nâng cao năng suất lao động; coi trọng công tác tuyển dụng, có chiến lược để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho DN, HTX.
Hai là, các nhà quản trị DN, HTX cần thay đổi nhận thức và tư duy hơn nữa trong việc thay đổi toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh theo CĐS, đặc biệt là các HTX; nhà quản trị cần thấy được những tiện ích, những hiệu quả thuận tiện khi tham gia vào CĐS. Nhà nước tuyên truyền rộng rãi, có những giải pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời trong quá trình CĐS, xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ tài chính, các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các DN, HTX, phù hợp với quy mô, lĩnh vực, ngành nghề của tổ chức.
Ba là, chú trọng xây dựng và phát triển hạ tầng số và nền tảng số để phục vụ cho quá trình CĐS của các DN, HTX không bị gián đoạn, trong đó tập trung phát triển hạ tầng mạng di động 5G; mở rộng kết nối Internet trong nước; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT).
Bốn là, xây dựng những phần mềm, những ứng dụng phù hợp dành riêng cho từng lĩnh vực hoạt động của DN, HTX; cần có sự kết nối giữa DN với các cơ quan có liên quan như các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế, ngân hàng... để quá trình xử lý hoạt động kinh doanh được diễn ra nhanh chóng rút ngắn các thủ tục hành chính.
Năm là, tăng cường hợp tác với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc tăng cường liên kết, hợp tác với các DN có vốn FDI, cũng như các DN ở các quốc gia phát triển trên thế giới là điều kiện thuận lợi nhằm giúp nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới và tiếp cận tri thức, công nghệ mới, đây cũng được coi là giải pháp đi tắt, đón đầu và hiệu quả cao./.