Hà Nội phát triển đồng bộ, hướng tới xây dựng thành phố thông minh
Truyền thông - Ngày đăng : 15:25, 13/10/2023
Hà Nội phát triển đồng bộ, hướng tới xây dựng thành phố thông minh
Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thực sự đã trở thành nguồn động lực mới thúc đẩy Thủ đô phát triển về mọi mặt.
Tầm nhìn chiến lược
Cụ thể hóa Nghị quyết, Hà Nội đã tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng thể chế. Trong hơn 1 năm qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô, bảo đảm tiến độ báo cáo Bộ Chính trị trong năm nay và trình Quốc hội.
Đối với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung, thành phố đã tập trung định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô gồm: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển: sông Hồng, hồ Tây - Ba Vì, hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân - Nội Bài và trục không gian phía Nam.
Còn trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã chỉ đạo nhấn mạnh các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến (văn hóa Kinh Bắc, xứ Đoài, xứ Đông, văn hóa Thăng Long, Kẻ Chợ) và nghiên cứu định hướng phát triển vừa bảo đảm hội tụ, vừa gìn giữ được văn hóa của từng vùng. Đồng thời gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn, văn hóa lúa nước của vùng Đồng bằng sông Hồng... nhằm phát huy yếu tố văn hiến, văn hóa thành nguồn lực mới xây dựng và phát triển Thủ đô.
Về Luật Thủ đô (sửa đổi), đến nay, thành phố đã thống nhất với các bộ, ngành trung ương về 9 nhóm chính sách để tập trung sửa đổi.
Cụ thể hoá quyết tâm và tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm mà Bộ Chính trị yêu cầu trong Nghị quyết 15, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương lớn, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022).
Hà Nội cũng là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành nghị quyết về nhiệm vụ này. Trong vòng hơn 1 năm qua, 85 di tích văn hóa lịch sử đã được tu bổ, tôn tạo. Thành phố đã triển khai hiệu quả các bước để tiến tới dự án tái hiện Điện Kính Thiên và khởi công Đền thờ Ngô Quyền. Ngoài ra, Hà Nội tổ chức hàng trăm các hoạt động văn hóa, thể thao tạo động lực mới cho phát triển du lịch, dịch vụ.
Song song với công tác quy hoạch, việc xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị của TP Hà Nội cũng được đẩy mạnh, công tác quản lý trật tự xây dựng được tăng cường.
Thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá; Tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành trong năm 2023 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao). Đồng thời, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô và đã khởi công dự án trong tháng 6/2023.
Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội năm 2023.
Quyết tâm xây dựng TPTM
Thời gian tới, Thủ đô tập trung thực hiện quyết liệt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Theo đó, đối với phát triển kinh tế, giữ vững ổn định, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; Thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng của Trung ương trên địa bàn; Tiếp tục các giải pháp tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Xây dựng và thực hiện Đề án khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích.
Đồng thời, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô và phát triển các mô hình kinh tế mới; Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng kết nối các ngành, lĩnh vực; Mở rộng các điểm thu hút du lịch, nâng cao năng lực của các khu, điểm du lịch hiện có; Đổi mới phương thức quản lý và hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm như: Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm, khu vực Ba Vì...
Hà Nội cũng phát triển công nghiệp theo định hướng các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững; Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng 33 cụm công nghiệp theo quy hoạch và thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp đã được thành lập; Phát triển thêm các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP.
Cũng với đó, triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; Xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", "Thành phố vì hòa bình". Đồng thời, thực hiện các cam kết với UNESCO về "Thành phố sáng tạo", số hóa các điểm đến di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố; Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh../.