Nâng cao việc tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng nông sản Việt ở thị trường lớn

Truyền thông - Ngày đăng : 08:31, 16/10/2023

Tỷ lệ từ chối nhập nông sản của Việt Nam tại 5 thị trường Australia, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ vẫn ở mức cao do không tuân thủ các yêu cầu của thị trường quốc tế .
Truyền thông

Nâng cao việc tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng nông sản Việt ở thị trường lớn

P.V {Ngày xuất bản}

Tỷ lệ từ chối nhập nông sản của Việt Nam tại 5 thị trường Australia, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ vẫn ở mức cao do không tuân thủ các yêu cầu của thị trường quốc tế .

Nhiều loại nông sản bị từ chối nhập khẩu

Bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam cho biết, hiện nay các nhà xuất khẩu tại các nước đang phát triển vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể để đáp ứng và tuân thủ các yêu cầu của thị trường quốc tế. Các rào cản kỹ thuật đối với thương mại đang cản trở khả năng tiếp cận thị trường của các nước này. Các thủ tục kéo dài và bị từ chối tại cửa khẩu do không tuân thủ các yêu cầu của thị trường dẫn đến tổn thất tài chính lớn cho nhà sản xuất.

images1751729_6634a65f_de0a_41c4_a1a9_45c63420a2ae.jpeg
Tỷ lệ từ chối nhập nông sản và thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tại 5 thị trường Australia, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ vẫn ở mức cao.

Việt Nam cũng là một trong số những nước vẫn không tuân thủ tốt các yêu cầu về tiêu chuẩn cho lĩnh vực này. Trong báo cáo của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) tại hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng chuỗi giá trị trái cây Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu” do UNIDO phối hợp Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) tổ chức vào tháng 9 mới đây tại TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra thực trạng đáng báo động này.

Báo cáo đã đưa ra con số quả và quả hạch xuất khẩu của Việt Nam sang 5 thị trường lớn Australia, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ bị từ chối từ 24 trường hợp năm 2010 lên 34 trường hợp vào năm 2020 (tăng 42%).

Cụ thể, trong 10 năm (từ 2010 đến 2020), các thị trường của Úc, Trung Quốc, EU - 28, Nhật Bản, Hoa Kỳ có 359 trường hợp bị từ chối nhập khẩu (ARR) - mã số HS 07. Trong đó, Úc có 34 trường hợp (chiếm 9%), Trung Quốc có 126 trường hợp (chiếm 35%), EU - 28 có 66 trường hợp (chiếm 18%), Nhật Bản có 20 trường hợp (chiếm 6%), Hoa Kỳ có 113 trường hợp (chiếm 31%).

Rau và một số loại củ, thân củ và rễ ăn của Việt Nam bị từ chối khi sang 5 thị trường tăng từ 11 trường hợp (năm 2012) lên 75 trường hợp (năm 2020). Việc tăng sản phẩm bị từ chối này rất có thể là do khối lượng sản phẩm HS 07 được xuất khẩu sang 5 thị trường tăng mạnh.

Theo ông Baharamakian Nima, Giám đốc Dự án Chương trình tiêu chuẩn, chất lượng của tổ chức này công bố tại hội thảo, nguyên nhân chính của các trường hợp sản phẩm bị từ chối của Việt Nam năm 2020 là nhiễm khuẩn (22%) và điều kiện kiểm soát vệ sinh (18%). Các nguyên nhân khác gồm dư lượng thuốc thú y (13%), ghi nhãn (14%), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (10%) và phụ gia (7%).

Sớm nâng cao năng lực quản lý tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, cần có tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể để nông dân tuân thủ nghiêm túc, như cắt sầu riêng phải đủ tuổi để đảm bảo chất lượng sầu riêng… “Cần xây dựng 1 bộ tiêu chuẩn TCVN có tính chất khoa học để xét chất lượng sầu riêng khi xuất khẩu phải đảm bảo chất bột, xơ, đường… Đơn vị nào làm đạt tiêu chuẩn, được xuất khẩu; đơn vị nào không đạt lần 1, 2, 3… bị “thổi còi”; tránh tạm dừng xuất khẩu đột ngột khiến doanh nghiệp bị động, thiệt hại.”

Còn ông Hoàng Phục, Chủ tịch HTX Nông Nghiệp Tân Phú (Bến Tre, chuyên trồng, xuất khẩu sầu riêng) cho rằng, Việt Nam cần ban hành luật như Thái Lan, thu hoạch trái cây phải đúng tuổi, đúng độ chín của trái để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu, tránh được tình trạng người trước sai làm ảnh hưởng đến người sau.

xuat-khau-nong-san-sancopack-3.jpg
Tăng cường giám sát tiêu chuẩn trái cây xuất khẩu là yếu tố sống còn với ngành nông sản Việt Nam.

Việc tăng cường hệ thống giám sát an toàn thực phẩm quốc gia và phối hợp với tất cả các bên liên quan huy động tất cả các biện pháp kiểm soát chính thức là điều cần thiết; phổ biến các tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, Global GAP, tiêu chuẩn hữu cơ cho sản xuất sơ cấp, ISO 22000, HACCP, SQF, IFS cho doanh nghiệp chế biến…

Đồng thời, Bộ NN&PTNT có thể hỗ trợ thường xuyên giám sát và công bố giới hạn dư lượng tối đa thực tế của thuốc bảo vệ thực vật và chất gây ô nhiễm thực phẩm tại các quốc gia, nhằm cải thiện công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Tập trung vào việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, bằng cách cải thiện tính minh bạch chuỗi thực phẩm để tăng cường phát hiện sự hiện diện của thực phẩm không an toàn. Điều này cũng sẽ cho phép phát hiện các vấn đề, chẳng hạn như thiếu thông tin trong chuỗi cung ứng thực phẩm.

Ông Lê Thanh Hòa (Phó Cục trưởng Cục chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS, Bộ NN&PTNT) cho biết, ngoài các vấn đề phải đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, thì trong tương lai nếu như nhà máy của chúng ta không đảm bảo về môi trường xanh, không có khoảng không gian xanh thì các nước sẽ không mua hàng của chúng ta nữa.

P.V