Thanh toán không dùng tiền mặt - Động lực thúc đẩy dịch vụ công
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:06, 18/10/2023
Thanh toán không dùng tiền mặt - Động lực thúc đẩy dịch vụ công
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) để cung ứng ngày càng đa dạng các dịch vụ tiện ích, an toàn cho người dân, doanh nghiệp (DN) trên cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực công, sẽ góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Thúc đẩy TTKDTM khi sử dụng DVC
Ngày 17/10, Hội thảo "Thúc đẩy DVC và thanh toán TTKDTM " diễn ra tại TP. HCM. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ chuyển đổi số (CĐS) TP. HCM năm 2023, với chủ đề "Khai phá dữ liệu số, thành công CĐS".
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết TTKDTM nói chung, TTKDTM trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công nói riêng là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ từ giữa thập niên trước đến nay. Cụ thể hóa chủ trương này, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, việc phát triển TTKDTM trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, bao gồm việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại liên quan tới tất cả các lĩnh vực như điện, nước, thuế, hải quan, an sinh xã hội...
Các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, DN; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán, chuyển tiền, rút tiền tại ATM bằng mã QR, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ… Qua đó đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, khu vực hành chính công.
Đối với công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) phương thức TTKDTM qua ngân hàng thương mại tiếp tục được chú trọng và tăng cường. 63 kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố được kết nối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng để phục vụ các vấn đề liên quan đến thu ngân sách nhà nước. 20 ngân hàng đã kết nối với kho bạc Nhà nước để cung cấp các sản phẩm thanh toán điện tử cho DVC, 89% DN đăng ký nộp thuế điện tử,...
Hiện nay, cổng DVC quốc gia hỗ trợ một loạt các nội dung thanh toán như đóng viện phí, bảo hiểm xã hội, nộp thuế tước bạ, thậm chí cả nộp phạt vi phạm hành chính.
Tại TP. HCM, một trong số những địa phương tích cực và đi đầu trong công tác thúc đẩy TTKDTM các DVC, hoạt động thanh toán không tiền mặt trong các DVC tại TP. HCM đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Việc thanh toán trực tuyến các DVC thông suốt, đã mang lại nhiều lợi ích về thời gian, chi phí, tạo cơ hội cho người dân và DN.
Điển hình như đối với việc phát triển TTKDTM trong lĩnh vực y tế, 100% các bệnh viện công trên địa bàn đã triển khai TTKDTM... DVC trực tuyến mức độ 4 tại TP. HCM đã đạt trên 30%. TP. HCM đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về TTKDTM.
Cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM Võ Thị Trung Trinh, TP.HCM đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) TP. HCM (hợp nhất Cổng DVC và Một cửa điện tử), kết nối hệ thống định danh công dân theo Đề án 06, thiết lập 1.590 TTHC trên môi trường số; triển khai 635 DVC trực tuyến. Đặc biệt, thanh toán lệ phí trực tuyến đã đạt hơn 13 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực y tế, ông Đặng Anh Long, Trưởng Phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, đơn vị đang triển khai giải pháp TTKDTM trên phạm vi rộng, không giới hạn thời gian, không gian. Bệnh nhân có thể thanh toán đăng ký khám bệnh qua app và Kios; thanh toán qua thẻ khám chữa bệnh kiêm ATM; thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú; thanh toán với ngân sách; thanh toán tiền thuốc tại nhà thuốc.
Một số tồn tại, hạn chế
Dù đã đạt được những kết quả nhất định, song TTKDTM đối với DVC vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo ông Phạm Anh Tuấn, thanh toán dịch vụ y tế, giáo dục ở một số tỉnh (miền núi) còn thấp; vẫn còn nhiều người cao tuổi không muốn sử dụng thanh toán qua ngân hàng vì sợ rủi ro.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, việc thúc đẩy DVC và TTKDTM tại Sở này vẫn gặp nhiều trở ngại, điển hình như nhân lực thực hiện.
Mặt khác, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ có nhiều, quy mô lớn nhỏ khác nhau, chi phí chênh lệch làm các đơn vị thực hiện TTHC công còn khó khăn trong lựa chọn giải pháp công nghệ áp dụng vào đơn vị của mình.
Chia sẻ về định hướng, giải pháp thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử; nâng cấp hạ tầng thanh toán điện tử; đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới trên thiết bị di động; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" nhằm từng bước làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng… để phát triển các ứng dụng nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.
Đồng thời, NHNN phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước, trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục tài chính về TTKDTM./.