Truyền thông chính sách: Tiếp cận nhân dân như một nguồn lực thiết yếu
Truyền thông - Ngày đăng : 07:45, 02/11/2023
Truyền thông chính sách: Tiếp cận nhân dân như một nguồn lực thiết yếu
Nguồn lực cho truyền thông chính sách đã được nhắc tới nhiều ở các khía cạnh: tài chính, nhân lực, công nghệ… Nhưng có một nguồn lực rất lớn chưa được khai thác xứng với tiềm năng, đến từ chính những đối tượng thụ hưởng và chịu tác động từ chính sách, đó là người dân. Vậy khi được nhìn nhận như một nguồn lực cho truyền thông chính sách, người dân có thể làm được gì?
Tóm tắt:
- Chính sách muốn đi vào đời sống thì cũng cần xuất phát từ chính những vấn đề, mâu thuẫn, câu hỏi… nảy sinh trong thực tiễn mà người dân là đối tượng trải nghiệm sát sao, nắm rõ nhất.
- Nếu nhận thức được việc xây dựng chính sách phải xuất phát từ người dân, vì người dân, sẽ không chỉ tận dụng được nguồn lực vô hạn chính là nhân dân mà còn tránh được những phản ứng tiêu cực.
- Một chính sách không chỉ dừng lại khi đã được ban hành, nó cần liên tục được soi chiếu trong thực tiễn để có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.
- Tiếp cận về vấn đề nguồn lực truyền thông với tư duy mới, độ mở cao, coi chính đối tượng điều chỉnh chính sách là nguồn lực sẽ đem lại nhiều lợi ích ngoài mong đợi.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách vào ngày 24/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ””[1].
Phát biểu này đã khái quát cả vai trò xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, và vai trò thụ hưởng chính sách của người dân. Mặc dù cần phải nhấn mạnh vai trò chủ chốt của đội ngũ nhân lực truyền thông chính sách trong hoạt động xây dựng, quảng bá, thực hiện chính sách, nhưng trên thực tế, nếu biết tiếp cận thế mạnh của các nguồn lực khác, hoạt động truyền thông chính sách sẽ có điều kiện được thực hiện hiệu quả, bám sát thực tiễn hơn. Do đó, với góc tiếp cận người dân là một nguồn lực của truyền thông chính sách, dưới đây là một số chức năng mà nguồn lực nhân dân có thể tham gia đóng góp hiệu quả cho công tác này.
Phản ánh thực tiễn, góp ý đề xuất, xây dựng chính sách
Chính sách nào muốn đi vào đời sống thì cũng cần xuất phát từ chính những vấn đề, mâu thuẫn, câu hỏi… nảy sinh trong thực tiễn mà người dân là đối tượng trải nghiệm sát sao, nắm rõ nhất. Một chính sách tốt là chính sách đáp ứng việc đảm bảo lợi ích toàn diện và tối đa cho nhân dân, hướng tới phát triển bền vững. Vì thế, trong quá trình phụng sự nhân dân, các Bộ, ban, ngành địa phương cần tiếp xúc gần gũi với nhân dân, tìm hiểu đời sống của họ, nắm được các vấn đề, khó khăn, bức xúc hiện hữu của người dân để kịp thời đề xuất các chính sách mới sao cho phù hợp, có tác động tích cực, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đại dịch COVID-19 hiện nay đã đi qua thời điểm cam go nhất, nhưng những hậu quả về mặt kinh tế mà nó gây ra vẫn vô cùng nặng nề. Thông qua nắm bắt tình hình khó khăn của người dân và doanh nghiệp (DN), trong giai đoạn năm 2020 - 2022, Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách tài chính hỗ trợ người dân, DN như gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất v.v.. với tổng quy mô các gói hỗ trợ trong 3 năm là 500.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính cũng ghi nhận số tiền hỗ trợ người dân và DN ước tính gần 200.000 tỷ đồng.
Việc Bộ Tài chính đưa ra những chính sách hỗ trợ tài chính này xuất phát từ chính những khó khăn thực tế của người dân, DN mà lãnh đạo Bộ nhận thấy. Vì vậy, khi được ban hành, nó nhận được sự ủng hộ của các đối tượng thụ hưởng, được nền kinh tế tiếp nhận và minh chứng là mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 3,72%.
Một ví dụ khác về chính sách xuất phát từ nhu cầu, ý kiến của nhân dân là việc Bộ Công Thương đưa ra quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới. Theo đó, biểu giá bán lẻ điện cho hộ sinh hoạt được thực hiện với 5 bậc thang, giảm 1 bậc so với trước đây, thu hẹp khoảng cách các bậc ở ba bậc đầu tiên và nới rộng khoảng cách ở hai bậc tiếp theo. Mục đích của việc này nhằm phản ánh đúng tình hình tiêu thụ điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, 89% số hộ (các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi, và 2% số hộ (có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên) sẽ phải trả tăng thêm. Như vậy, cơ cấu này đảm bảo chính sách an sinh xã hội của Nhà nước khi hỗ trợ tốt hơn các hộ gia đình có mức sử dụng điện thấp và trung bình. Việc ban hành chính sách về giá điện thường “vấp” phải sự phản ứng từ nhân dân, tuy nhiên với chính sách này, ngành điện và Bộ Công Thương nhận được sự ủng hộ từ đa số người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, thu nhập thấp.
Đối với công tác truyền thông chính sách, nếu nhận thức được việc xây dựng chính sách phải xuất phát từ người dân, vì người dân, thì sẽ không chỉ tận dụng được nguồn lực vô hạn này, mà còn tránh được những phản ứng tiêu cực không đáng có.
Phản hồi về hiệu quả của chính sách trong thực tiễn
Một chính sách không chỉ dừng lại khi đã được ban hành, nó cần liên tục được soi chiếu trong thực tiễn để có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu, đảm bảo quyền lợi của nhân dân. Vì thế, công tác truyền thông chính sách cũng cần đi theo quy trình này để nắm bắt và đồng hành kịp thời. Ở bước này, sự phản hồi về hiệu quả của chính sách trong thực tiễn cũng là một vai trò rất thiết thực mà người dân có thể thực hiện hiệu quả.
Cuối năm 2012, Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2012 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã gây ra phản ứng trong nhân dân và thậm chí trên diễn đàn Quốc hội về việc xử phạt phương tiện giao thông không sang tên chính chủ. Đa số các ý kiến cho rằng về mặt ý tưởng của chủ trương này là không sai, nhưng thực tế nếu áp dụng cách làm này thì việc truy tìm, kiểm tra là kém khả thi, gây tốn kém nguồn lực, và đặc biệt không đảm bảo quyền lợi cho chủ phương tiện giao thông.
Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này tại thời điểm đó, đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bình luận: “Trong trường hợp này có lý luận mà thiếu thực tiễn hay nói khác đi đây là những người “ngồi trên trời” mà làm chính sách. Những chính sách không có tính khả thi rõ ràng không thể đi vào cuộc sống, không phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân” [2].
Và sau đó, khi Nghị định 71 chính thức có hiệu lực, đại diện Bộ Công an đã tổ chức giao lưu trực tuyến trên báo Công an Nhân dân điện tử để trình bày rõ hơn cách thức áp dụng Nghị định 71 trong thực tiễn, giải đáp các thắc mắc, làm rõ những vấn đề còn khiến dư luận quan tâm liên quan đến Nghị định này. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ đường sắt ở thời điểm đó, thừa nhận: “Do thiếu tuyên truyền, cách diễn đạt chưa chuẩn đã dẫn tới hiểu sai: Không có chuyện phạt xe không chính chủ, mà phạt xe chưa chuyển quyền sở hữu đúng quy định”.[3]
Qua ví dụ này có thể thấy việc nhân dân phản hồi trên diện rộng trước một chính sách chưa thỏa đáng chính là điều kiện để những nhà hoạch định chính sách điều chỉnh, bổ sung, làm rõ chính sách đó. Kinh nghiệm từ Nghị định 71 rút ra bài học về hạn chế của công tác truyền thông chính sách xa rời nhân dân. Mặc dù câu chuyện diễn ra cách đây hơn 10 năm nhưng nó vẫn mang giá trị tham khảo cho nhiều chính sách của thời điểm hiện nay.
Tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, gọi tắt là Đề án 06, đã và đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhân dân. Đây cũng là ví dụ cho thấy nếu một chính sách biết tận dụng nguồn lực từ người dân, thì công tác truyền thông chính sách sẽ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình, mà còn giúp tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền.
Tổng kết về việc triển khai Đề án 06 trong năm 2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết cách mà Hà Nội triển khai đề án này và nhận được sự hưởng ứng của người dân là “cầm tay chỉ việc”. Mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay hướng dẫn từng người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Mục tiêu hướng đến của cách làm này là “Người dân biết - Người dân sử dụng - Người dân tuyên truyền” [4]. Trên cơ sở đó, phương thức truyền thông ở cơ sở đã được lãnh đạo chính quyền Hà Nội chỉ đạo đẩy mạnh. Các phương thức truyền thông trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo cũng được triển khai linh hoạt, sáng tạo.
Kết quả, năm 2022, Hà Nội đã thành công bước đầu trong việc triển khai một nội dung quan trọng của Đề án 06 nhờ hướng đến người dân và dựa vào sự tuyên truyền của người dân. Ngược lại, người dân được thụ hưởng lợi ích từ Đề án, và cũng nắm bắt được sự vất vả, khó khăn của đội ngũ làm công tác truyền thông, công tác thực thi của Đề án này, đồng thời nhận thức rõ hơn về vai trò của mình trong việc tham gia vào chính sách, đúng như chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Đảng và Nhà nước chú trọng.
Tiếp cận về vấn đề nguồn lực truyền thông với tư duy mới, độ mở cao, coi chính đối tượng điều chỉnh chính sách là nguồn lực sẽ đem lại nhiều lợi ích ngoài mong đợi. Trước hết là trí tuệ của chính họ, tiếp đến là sự đồng thuận (hoặc phản đối nếu có) từ sớm của cộng đồng và cuối cùng là sự thấu hiểu, đồng cảm, ủng hộ đi cùng một tâm thế đón nhận chính sách mới một cách tích cực, chủ động. Với đội ngũ những người làm truyền thông chuyên nghiệp, chỉ cần làm được một phần trong những điều này cũng đã là kết quả không dễ gì có được./.
Tài liệu tham khảo:
[1].https://baochinhphu.vn/thu-tuo...
[2].https://kinhtedothi.vn/chinh-s...
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)