Thông tin đối ngoại qua nhiều kênh để thế giới hiểu đúng về nhân quyền ở Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 13:55, 05/11/2023

Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam luôn là điểm nóng để các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn để bôi nhọ nói xấu và xuyên tạc nhằm làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Truyền thông

Thông tin đối ngoại qua nhiều kênh để thế giới hiểu đúng về nhân quyền ở Việt Nam

Nhà báo Trần Bình Tám 05/11/2023 13:55

Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam luôn là điểm nóng để các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn để bôi nhọ nói xấu và xuyên tạc nhằm làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tóm tắt:

- Những thủ đoạn chống phá, chỉ trích Việt Nam về vấn đề nhân quyền.

- Góc nhìn bao quát và thực tế về việc đảm bảo quyền con người tại Việt Nam.

- Tăng cường truyền thông để thế giới hiểu đúng về vấn đề quyền con người tại Việt Nam:

+ Xây dựng các bộ phim tài liệu thông tin đối ngoại.

+ Mời các đoàn báo chí nước ngoài vào Việt Nam.

+ Quan tâm tới việc phản ánh tình hình người Việt Nam ở nước ngoài.

Để thế giới có cái nhìn đúng về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong nhiều năm qua đã vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ - đặc biệt là đi qua các cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại để giành lại độc lập tự do - thống nhất đất nước.

Nhà nước Việt Nam đảm bảo thực thi các quyền

Gần đây, một số tờ báo và tổ chức phản động ở một số nước phương Tây có nhiều bài viết, phát biểu chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân quyền. Trong các chiến dịch tuyên ngôn nói xấu, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, các thế lực thù địch chống Việt Nam luôn đặt trọng tâm vào vấn đề dân chủ và nhân quyền, chúng cho rằng ở Việt Nam không có tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Để đáp trả những luận điệu xuyên tạc đó chúng ta đã nhiều lần công khai trả lời, giải đáp trên các diễn đàn quốc tế và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, lập trường quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền, đựa trên nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước sau như một, Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện những nguyên tắc đó. Ngay trong lễ Tuyên ngôn độc lập - Khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á ngày 2/9/1945 - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại lời tuyên bố độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: “Mọi người sinh ra đều có quyền được sống, trong những quyền ấy có quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Ngay sau khi giành được độc lập, Nhà nước Việt Nam non trẻ đã quan tâm đến quyền con người như quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được đi lại được quy định trong Hiến pháp 1946.

quyen-con-nguoi-qdnd.jpg
(Hình minh họa)

Các quyền con người của Việt Nam ngày càng được mở rộng trong các Hiến pháp sau đó, các quyền con người đã được quy định một cách đầy đủ như các quyền về kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo... Hiến pháp năm 2013 quy định công dân Việt Nam không phân biệt giới tính, màu da, không phân biệt tôn giáo, dân tộc... mọi người sinh ra đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Mọi công dân Việt Nam đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, tín ngưỡng, tài sản, thư tín, điện thoại... cũng như mọi công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do sản xuất kinh doanh, quyền được học tập, quyền được khám chữa bệnh. Nhà nước Việt Nam đảm bảo thực thi các quyền đó.

Để có được quyền con người và được bảo vệ các quyền con người ấy một cách tốt nhất, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã phải nỗ lực phấn đấu, nỗ lực thực hiện trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc kể từ ngày thành lập nước đến nay.

Các thế lực thù định, phản động đã không từ một thủ đoạn nào, chúng viện mọi nguyên cớ để nói xấu chế độ ta, tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Chúng trắng trợn cho rằng: Việt Nam đã vi phạm nhân quyền trong các lĩnh vực như tư pháp lao động, tôn giáo. Luận điệu xuyên tạc của chúng là: Trong hoạt động xét xử của chúng ta vẫn còn tình trạng tử hình, hay trong sử dụng lao động thì người lao động vẫn còn hưởng lương thấp... Đây là những luận điệu không có căn cứ. Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khoa học, được đông đảo người dân tham gia đóng góp ý kiến và ủng hộ.

Các khung hình phạt được quy định trong luật vừa là sự trừng phạt đối với những kẻ phạm tội, vừa là các biện pháp răn đe, giáo dục để hướng thiện đối với người phạm tội. Pháp luật Việt Nam không xét xử người vô tội chỉ tuyên phạt tử hình đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, xâm phạm đến tính mạng và tài sản của người dân.

Xuất phát từ tính nhân đạo, pháp luật Việt Nam luôn dành cho những người phạm tội, những người lầm đường lạc lối một cơ hội, một lối thoát đó là: sẵn sàng giảm nhẹ tội, được khoan hồng nếu như họ biết ăn năn hối cải. Hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam không phải là một hình phạt ác độc như một số tổ chức nước ngoài và các thế lực thù địch thường nói. Chúng ta phải khẳng định chắc chắn rằng, Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bộ phận hợp thành chủ quyền và là công việc nội bộ của nước Việt Nam. Mọi tổ chức, cá nhân và ngoài nước đang làm việc, sinh sống, học tập... trên lãnh thổ Việt Nam đều phải có nghĩa vụ tuân thủ và chấp hành. Điều này hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.

“Nâng cao tính chủ động trong tuyên truyền, thông tin đối ngoại, giành ưu thế trên mặt trận truyền thông. Nghiên cứu, xác định liều lượng, thời gian, thời điểm thông tin, tuyên truyền phù hợp, ví dụ như tập trung vào các thời điểm trước và trong khi diễn ra các sự kiện thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia, xử lý các vấn đề về quyền con người hoặc văn bản quốc tế về quyền con người; thời điểm một số quốc gia, tổ chức quốc tế về quyền con người nghiên cứu xây dựng các báo cáo liên quan đến quyền con người; thời điểm xét xử các đối tượng được quốc tế “quan tâm”, tạo dựng luồng thông tin chính thống, tích cực chiếm vị trí chủ đạo”.

PGS. TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng,
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Vấn đề việc làm và người lao động ở Việt Nam hiện nay, vẫn còn nhiều người lao động - đặc biệt là các công nhân trong nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp, thậm chí cả công chức, viên chức Nhà nước vẫn hưởng mức lương chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, còn gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên những năm gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, các chính sách xã hội, chính sách tiền lương luôn được đổi mới và hoàn thiện, đảm bảo vừa tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng xã hội chính vì vậy mà đời sống của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt.

Cùng với việc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, chúng ta còn phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân bom mìn còn sót lại sau chiến tranh... Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm ảnh hưởng đến vấn đề tiền lương thấp kéo dài trong nhiều năm qua.

Thực tế cho thấy, quyền con người, đặc biệt là quyền của người lao động ở Việt Nam ngày càng được tôn trọng, thời gian làm việc đã được rút ngắn, tiền lương đã và đang được tăng lên, các chế độ như bảo hiểm, y tế, du lịch, khen thưởng... đã mang lại niềm tin và niềm vui hạnh phúc cho người lao động.

Những cố gắng nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực lao động và việc làm mà đã mở rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, các hoạt động xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế, xóa nạn mù chữ và chú trọng đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đảm bảo công bằng xã hội, gìn giữ an ninh chính trị... đã được cộng đồng quốc tế, các tổ chức như FAO, WHO, UNICEF... thừa nhận.

Lịch sử 4.000 năm dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Biết bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống để dành lại độc lập - tự do cho dân tộc. Hơn bao giờ hết, khát vọng được sống tự do, được làm chủ bản thân, làm chủ đất nước luôn được người dân Việt Nam trân trọng, phấn đấu giữ gìn.

Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái về nhân quyền trên Internet và các trang mạng xã hội.
Với khả năng truyền tải nhiều thể loại thông tin như báo viết, báo hình, phim ảnh… và với những ưu điểm vượt trội của truyền thông xã hội, như: tốc độ lan truyền ngay tức thì, phạm vi tác động không giới hạn, sự hấp dẫn do tính tương tác cao... sẽ thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ quản lý và mọi người dân tham gia viết bài, trao đổi, thảo luận về các biện pháp, chính sách về nhân quyền để qua đó, các cơ quan chức năng tham khảo, tiếp thu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm đấu tranh về nhân quyền.

TS. Hà Dũng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương

Tăng cường thông tin đối ngoại để thế giới và cộng đồng người Việt ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, hiểu đúng về nhân quyền ở Việt Nam

Để làm cho thế giới và cộng đồng quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, chúng ta cần tăng cường công tác thông tin đối ngoại, thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức để làm cho nhân dân thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Cụ thể, chúng ta đã và cần tiếp tục xây dựng các bộ phim tài liệu thông tin đối ngoại về Việt Nam với những nội dung về đất nước con người, về lịch sử dựng và giữ nước, về văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc... Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều cuộc giao lưu, gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở những nước có đông người Việt Nam đang làm việc, sinh sống. Đây thật sự là kênh thông tin đối ngoại vô cùng quan trọng mà chúng ta cần biết tận dụng.

Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí - truyền thông như đón và hướng dẫn các đoàn phóng viên báo chí quốc tế vào Việt Nam viết bài, làm phim phóng sự tài liệu về Việt Nam để họ phản ánh chân thực về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, qua đó làm cho thế giới thêm hiểu rõ, hiểu đúng về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam...

Khi viết những dòng này làm tôi nhớ lại khi chúng tôi tổ chức đoàn làm phim tài liệu “Chỉ một Quê hương” thực hiện tại Cộng hòa Pháp, chúng tôi gặp bà Trần Thị Tiến ở thành phố Marseille, bà đã ôm chặt chúng tôi và kể: “Tôi theo chồng sang đây từ những năm 40 của Thế kỷ 20. Dù xa quê hương Việt Nam rất lâu nhưng lúc nào chúng tôi cũng hướng về quê hương đất nước. Khi nghe tin đất nước được hoàn toàn giải phóng tất cả chúng tôi đã ôm nhau khóc. Ai cũng mừng vui khôn xiết và nhớ lại những ngày bà con Việt kiều tại Pháp vượt qua mặt cảnh sát Pháp để xuống đường đấu tranh cùng nhân dân Pháp đòi Đế quốc Mỹ phải ngay lập tức chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam...”.

Cũng tại thành phố Marseille, bà con Việt kiều đã bền bỉ đấu tranh với chính quyền sở tại buộc chính phủ Pháp phải cho phép người Việt Nam tại đây phải có nghĩa trang riêng và được đối xử công bằng như người Pháp. Yêu cầu đó đã được chấp thuận bởi những người Việt ở Pháp luôn tôn trọng luật pháp của nước sở tại, cùng lao động đóng góp sức mình như những người Pháp. Nghĩa trang của người Việt ở Marseille có đôi câu đối rất hay của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn: “Trời Tây in dấu Việt. Muôn đời mãi nhớ thương”.

Qua câu chuyện của bà Tiến, chúng tôi càng thấm thía câu nói của cố Giáo sư Trần Văn Khê, một Việt Kiều tại Pháp luôn một lòng hướng về Tổ quốc: “Thân tại Ngoại nhưng tâm luôn ở Quốc nội”...

Một ví dụ khác khi chúng tôi làm phim “Đại đoàn kết dân tộc - Sức mạnh Việt Nam”, thực hiện cảnh phỏng vấn bà Trần Thị Chuyên 90 tuổi ở xã Nhân Mỹ, Lý Nhân, Hà Nam về việc ở địa phương của bà vừa có nhà thờ Thiên Chúa Giáo vừa có chùa của người theo đạo Phật? Bà đã vui vẻ nói rằng: “Theo đạo nào là quyền của mọi người chỉ biết rằng mình là người Việt Nam. Từ nhiều năm nay mọi người vẫn sống đoàn kết với nhau mà...”.

Các bộ phim tài liệu được chúng tôi thực hiện trong và ngoài nước sau đó đã được chúng tôi gửi đi nhiều nước có cộng đồng Việt kiều đông, cũng như các tổ chức quốc tế đã nhận được nhiều tình cảm, sự ủng hộ của trong và ngoài nước về hiểu đúng và rõ hơn về nhân quyền của Việt Nam.

Tạm kết cho bài viết, tôi có thể khẳng định rằng, chúng ta sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu kinh nghiệm của các nước trong vấn đề bảo đảm nhân quyền nhưng chúng ta không thể chấp nhận những luận điệu vu khống, bôi nhọ, xuyên tạc của các thế lực thù địch, những kẻ đã từng mang bom đạn giết hại người dân Việt Nam nay lại lớn tiếng chỉ trích chúng ta về nhân quyền. Đó là điều vô lý!./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)

Nhà báo Trần Bình Tám