Quảng Ngãi đẩy mạnh CCHC, khơi thông các “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:48, 18/10/2023

Quảng Ngãi đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và thu hút đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững.
Chuyển đổi số

Quảng Ngãi đẩy mạnh CCHC, khơi thông các “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư

Đỗ Thêu {Ngày xuất bản}

Quảng Ngãi đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và thu hút đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững.

Sự cam kết và nỗ lực của tỉnh đã mang lại những kết quả đáng kể trong thu hút đầu tư và tạo ra cơ hội mới cho người dân và doanh nghiệp (DN) địa phương.

Nhiều kết quả tích cực trong công tác CCHC 9 tháng đầu năm

Sáng 17/10, phiên họp thường kỳ của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu UBND tỉnh và trực tuyến đến các điểm cầu huyện, thị xã, thành phố. Đây là phiên họp nhằm đánh giá kết quả công tác CĐS 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023.

quang-ngai-1.jpg
Phiên họp thường kỳ của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Quảng Ngãi diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong 9 tháng đầu năm, hệ thống thông tin (HTTT) thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh hoạt động ổn định, duy trì kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; tích hợp kho số hóa; tích hợp với 09 HTTT của Bộ, ngành Trung ương và hỗ trợ đăng nhập bằng quét mã QR trên ứng dụng VNiED.

Trong 9 tháng, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) một phần và toàn trình của tỉnh được phê duyệt và rút ngắn thời gian là 973 thủ tục; thí điểm tiếp nhận và trả kết quả hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến là 97 thủ tục. Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đến 25/8/2023 đạt 19,31%, xếp thứ 30/63; TTHC phải cung cấp DVCTT trên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia đạt 46,75%, xếp hạng 49/63; thanh toán trực tuyến tháng 8/2023 là 44,03%, lũy kế đến 25/8/2023 là 20,32%, xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố.

Giai đoạn 2016 - 2020, kết quả CCHC của Quảng Ngãi luôn rất thấp, thua kém nhiều tỉnh, thành khác. Nhưng với quyết tâm thay đổi, Quảng Ngãi đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Vì thế, trong 2 năm gần đây, Quảng Ngãi đã tập trung mạnh mẽ cho công tác CCHC.

Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường cho biết Quảng Ngãi đã cố gắng thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của Bộ TT&TT về công tác CĐS cũng như CCHC, triển khai DVCTT.

Theo số liệu thống kê, Quảng Ngãi bước đầu đã ứng dụng dữ liệu số trong quản lý, điều hành. Ở cấp tỉnh, 99% hồ sơ được xử lý trên môi trường mạng, cấp huyện đạt 85,3% và cấp xã đạt 65,32%. HTTT báo cáo tỉnh, đã thiết lập kết nối 100% số chỉ tiêu chế độ báo cáo của UBND tỉnh với HTTT báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Quảng Ngãi luôn xác định DN là “trụ cột của nền kinh tế”

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới việc xây dựng chính quyền “phục vụ DN” nên thu hút đầu tư của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Những nỗ lực trong việc CCHC đã giúp đơn giản hóa các TTHC, tăng cường công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Nhờ đó, Quảng Ngãi đã tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quá trình thực hiện thu hút, kêu gọi đầu tư, Quảng Ngãi cũng luôn chú trọng lắng nghe, nắm bắt kịp thời những lo lắng của DN, nhà đầu tư. Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 vừa qua, UBND tỉnh đã có cuộc đối thoại với các DN, nhà đầu tư. Đây là hoạt động cho thấy sự đồng hành, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh với các DN, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư.

quang-ngai-2.jpg
Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng Hội chợ triển lãm sản phẩm tiêu biểu các tỉnh Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung và TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh khẳng định, Quảng Ngãi luôn xác định DN là “trụ cột của nền kinh tế”. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại, phục vụ tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ, đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi đã đặt nhiệm vụ phải tăng cường CCHC, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, DN, tiếp tục tham mưu cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Tại các phiên họp thường kỳ hàng tháng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh luôn yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình công tác đề ra, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch Trung ương, HĐND tỉnh giao trong năm 2023, trong đó thực hiện quyết liệt các giải pháp CCHC, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông các “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển.

Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ngãi có 03 dự án đầu nước ngoài (FDI) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, bằng số dự án cùng kỳ năm 2022. Vốn FDI đăng ký 166,3 triệu USD - tăng 125% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng đầu tư trong nước, có 16 dự án được cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký 11.847 tỷ đồng. Có 8 dự án bất động sản được cấp quyết định chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu, đấu giá theo quy định, với tổng vốn đầu tư khoảng 8.438 tỷ đồng.

CCHC và thu hút đầu tư đã mang lại nhiều lợi ích cho Quảng Ngãi. Đầu tiên, sự tăng trưởng kinh tế đáng kể đã tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Các DN địa phương được hưởng lợi từ môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt và các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, sự thu hút đầu tư còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ công và giáo dục./.

Đỗ Thêu