Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới
Truyền thông - Ngày đăng : 07:35, 18/10/2023
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới
Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân và cán bộ cả nước luôn dành sự quan tâm, theo dõi chặt chẽ và thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ biển, đảo quê hương. Đề cao công tác tuyên truyền nhằm nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam...
Bảo vệ biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân
Biển và đảo Việt Nam là một phần không thể thiếu của lãnh thổ quốc gia, bao gồm vùng biển và hệ thống đảo, quần đảo. Vùng biển nước ta có diện tích hơn 1 triệu km2 và bao gồm nhiều phần khác nhau, như nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Bờ biển nước ta có chiều dài 3260km, tiếp giáp với 8 quốc gia: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia, Campuchia và Singapore.
Nước ta có hơn 4000 đảo lớn nhỏ, với đảo lớn nhất là Phú Quốc ở tỉnh Kiên Giang. Các quần đảo Hoàng Sa ở Đà Nẵng, Trường Sa ở Khánh Hòa và 12 huyện đảo thuộc 9 tỉnh khác cũng thuộc phạm vi lãnh thổ quốc gia. Biển và đảo của Việt Nam đã được thừa nhận chủ quyền từ xa xưa là căn cứ để nước ta mở rộng hoạt động trên biển và đại dương.
Xác định chủ quyền đối với biển và đảo là cơ sở quan trọng để khẳng định chủ quyền đối với vùng biển và thềm lục địa xung quanh đảo. Do đó, biển và đảo là bộ phận không thể thiếu của hệ thống lãnh thổ thiêng liêng tại Việt Nam, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn; mở cửa cho quan hệ giao thương quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Ngoài ra, biển đảo cũng đóng vai trò chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc bảo vệ chủ quyền của biển, đảo là một trọng trách quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc và lâu dài đối với toàn hệ thống chính trị, quân đội và nhân dân.
Trong quá trình lãnh đạo cuộc cách mạng của Việt Nam nói chung và trong quá trình phát triển và hiện đại hóa đất nước nói riêng, Đảng luôn đặc biệt quan tâm đến việc phát huy tiềm năng biển kết hợp với sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Điều này được coi là một trong những động lực cơ bản đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 được ủy thác quản lý vùng biển trong phạm vi của 9 tỉnh thành phố, cùng với toàn bộ vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đây là khu vực biển đặc biệt quan trọng, liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh và ngoại giao. Khu vực này luôn đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi đơn vị phải thực hiện nhiệm vụ với mức độ cao, nghiêm ngặt.
Trong những năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã tiến hành công tác tuyên truyền biển, đảo một cách tích cực và chặt chẽ, hợp tác cùng với Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh và thành phố nằm trong khu vực quản lý. Trong giai đoạn từ 2018 đến 2023, đã tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi cho hơn 104.000 cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các địa phương ven biển.
Công tác tuyên truyền tập trung vào việc giáo dục và giúp mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển và đảo của Tổ quốc. Ngoài ra, đơn vị cũng tập trung vào việc tuyên truyền về những Hiệp định phân định vùng biển và thềm lục địa mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia trong khu vực, đưa ra những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mục tiêu của công tác tuyên truyền là thấm nhuần những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bảo đảm an toàn hàng hải và hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Đặc biệt, công tác tuyên truyền chỉ rõ những hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không đăng ký và không tuân thủ quy định (IUU), phát đi thông điệp rõ ràng về những hành vi bị cấm khi hoạt động trên biển giúp người dân tránh vi phạm. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên và liên tục, với mục tiêu lan tỏa thông điệp đến toàn bộ cộng đồng biển đảo Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu, đơn vị đã tiến hành hoạt động tuyên truyền trước mỗi chuyến ngư dân ra khơi. Các cán bộ và chiến sĩ đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với từng ngư dân, hướng dẫn họ về việc tuân thủ quy định pháp luật. Kết hợp với quá trình huấn luyện, thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm soát trên biển, đơn vị cũng đã tổ chức hàng trăm lượt tàu phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Kiểm ngư nhằm tuyên truyền cho hơn 3.500 lượt tàu thuyền.
Mặc dù, các hoạt động tuyên truyền trên biển thường gặp khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu, thế nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao và truyền tải được những thông điệp quan trọng đến người dân làm ăn và sống trên biển, đặc biệt là ngư dân. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của ngư dân trong việc tuân thủ quy định pháp luật, tham gia tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền biển và đảo của Tổ quốc, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn hàng hải trong việc phát triển kinh tế biển.
Ngoài ra, các tỉnh trên cả nước cũng đẩy mạnh tuyên truyền về việc tham gia đóng góp vào Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”. Cụ thể, theo thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, tính đến ngày 4/5/2023, đã có 137 đầu mối đơn vị ủng hộ và đăng ký đóng góp cho Quỹ "Vì biển, đảo Việt Nam" với tổng số tiền ủng hộ vượt qua 36 tỷ đồng (với hơn 1.9 tỷ đồng đã nộp vào tài khoản của Quỹ tại thành phố).Trong đợt 1, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ và đăng ký đóng góp từ 34 đơn vị và tổ chức, với tổng số tiền là 30.8 tỷ đồng. Trong đợt 2 này, Quỹ đã tiếp nhận sự hỗ trợ từ 19 cơ quan và đơn vị khác, với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, kể từ năm 2013, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác với Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức lần đầu tiên chương trình giao lưu nghệ thuật mang tên “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” thu được trên 25 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến năm 2022, thông qua chương trình, Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” đã nhận được hơn 360 tỷ đồng và số tiền để chăm sóc cán bộ, chiến sĩ và các hoạt động liên quan với hơn 301 tỷ đồng. Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới - biển đảo Tổ quốc” diễn ra vào tối ngày 7/9 vừa qua, gần 170 cá nhân, tập thể đăng ký, đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc", với hơn 34,2 tỷ đồng.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền
Hiện nay, với tình hình tại biển đảo đang có nhiều biến động phức tạp và khó đoán, cùng sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên biển ngày càng gia tăng và căng thẳng. Bên cạnh đó, các vi phạm và tội phạm biển đảo cũng ngày một tinh vi hơn. Điều này đặt ra yêu cầu quan trọng cho việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và an toàn biển, đảo.
Để duy trì và nâng cao hiệu quả công tác tuyên; bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã xác định một số biện pháp quan trọng:
Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và các cơ quan chính trị tại các cấp trong việc lãnh đạo và phối hợp công tác tuyên truyền biển, đảo. Đồng thời, thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo và phát triển năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ và nhân viên thực hiện công tác tuyên truyền. Điều này là cần thiết trong việc cải thiện chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, đảm bảo đáp ứng tốt các nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Hai là, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, bao gồm việc cập nhật và bổ sung thông tin liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, cơ sở pháp lý, và tình hình biển đảo thường xuyên. Để đảm bảo rằng công tác tuyên truyền biển đảo ngày càng hiệu quả và thực tế, cần nâng cao tính toàn diện của nội dung tuyên truyền. Không chỉ tập trung vào việc tuyên truyền những vấn đề cơ bản như Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam 2012, hay các Hiệp định về ranh giới trên biển, mà còn cần làm tốt công tác thông tin về tình hình thực tế trên biển và đảo, âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, cũng như những phát triển mới trên Biển Đông; chủ trương, quan điểm, đối sách của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề trên biển và định hướng tư tưởng cho các đối tượng được tuyên truyền.
Qua đó, có thể nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc tuân thủ luật pháp, đồng thời thấy rõ sự phức tạp và lâu dài của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Góp phần xây dựng sự tin tưởng của nhân dân đối với lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh, và an toàn biển đảo, giúp nhân dân kiên định trước sự kích động và thách thức từ các thế lực thù địch.
Ba là, tận dụng, khai thác triệt để mặt tích cực của mạng xã hội; phối hợp với phương tiện truyền thông như báo, đài Trung ương và địa phương để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về biển, đảo
Bốn là, tiếp tục thực hiện các hoạt động dân vận, trọng điểm là tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại các tỉnh, thành, và đơn vị được giao nhiệm vụ; kết hợp hưởng ứng phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” để hỗ trợ người dân, đặc biệt là ngư dân, trong việc xóa đói giảm nghèo. Chung tay khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ, giúp ngư dân ra khơi và bám biển, giúp duy trì an ninh và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Năm là, thường xuyên đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm từ các hoạt động tuyên truyền biển đảo nhằm điều chỉnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền.
Biển và đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc ta. Toàn Đảng, toàn dân phải luôn tích cực, nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnh phức tạp và đầy thách thức như hiện nay.