Bảo đảm tỷ lệ hấp thụ riêng (SAR) đối với thiết bị đầu cuối viễn thông, từ thông lệ một số nước

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 22:00, 21/11/2023

Bài báo cập nhật về quy định quản lý mức SAR đối với đầu cuối viễn thông có tính tương đồng của các nước trên thế giới, xét trên các góc độ như đối tượng áp dụng, thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp...
Chuyển động ICT

Bảo đảm tỷ lệ hấp thụ riêng (SAR) đối với thiết bị đầu cuối viễn thông, từ thông lệ một số nước

Gia Minh 21/11/2023 22:00

Bài báo cập nhật về quy định quản lý mức SAR đối với đầu cuối viễn thông có tính tương đồng của các nước trên thế giới, xét trên các góc độ như đối tượng áp dụng, thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp...

Tóm tắt:
- Những thiết bị phát sóng vô tuyến điện (VTĐ) RF (radio frequency) khi hoạt động gần cơ thể có thể gây ra hiện tượng gia nhiệt trên vùng mô tiếp xúc và lân cận do hiệu ứng trường gần và thường được đánh giá theo tỉ lệ hấp thu riêng SAR.
- Khuyến nghị của Ủy ban quốc tế về bảo vệ bức xạ không ion hóa ICNIRP.
- Đã có 132 quốc gia đã ban hành quy định về đảm bảo an toàn theo giới hạn về SAR.
- Hầu hết các nước đã triển khai quản lý SAR chỉ áp dụng với các thiết bị di động có số IMEI và sử dụng ở cách cơ thể người dưới 20cm (chủ yếu là điện thoại di động - ĐTDĐ).
- Năm 2020, ICNIRP tiếp tục khẳng định: không có bằng chứng nào về ảnh hưởng xấu đến sức khỏe ở mức phơi nhiễm dưới mức hạn chế.

Ngày 25/8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (Kemkominfo) của Indonesia [1] công bố kế hoạch áp dụng thử nghiệm mức Tỷ lệ hấp thụ riêng SAR (Specific Absorption Rate) bắt buộc như một yêu cầu chứng nhận đối với một số thiết bị viễn thông được sử dụng ở Indonesia, dự kiến bắt đầu ngay từ tháng 12/2023 với điện thoại di động và áp dụng theo lộ trình từ các năm tiếp theo với các thiết bị cầm tay khác như máy tính cầm tay, máy tính bảng, thiết bị thực tế ảo, máy tính xách tay, thiết bị đeo (nếu công suất phát > 20mW).

Điều này đã đánh dấu Indonesia trở thành nước thứ tư trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan) triển khai các quy định quản lý để đảm bảo mức SAR cho thiết bị đầu cuối viễn thông. Qua bài báo này, chúng tôi sẽ cập nhật về quy định quản lý mức SAR đối với đầu cuối viễn thông có tính tương đồng của các nước trên thế giới, xét trên các góc độ như đối tượng áp dụng, thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp...

Khái quát về tỷ lệ hấp thụ riêng SAR

Các nguồn sóng VTĐ RF (radio frequency) hoạt động trong các dải tần số khác nhau và có thể được phân thành hai loại chính: Nguồn RF hoạt động gần và nguồn RF hoạt động xa cơ thể con người. Đối với nguồn RF hoạt động gần cơ thể thường là các bộ phát di động, điển hình như ĐTDĐ. Những thiết bị này khi hoạt động gần cơ thể có thể gây ra hiện tượng gia nhiệt trên vùng mô tiếp xúc và lân cận do hiệu ứng trường gần và thường được đánh giá theo tỉ lệ hấp thu riêng SAR.

Để đánh giá mức độ tác động của các nguồn RF này tới sức khỏe con người, một số tổ chức trên Thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, khuyến nghị, hướng dẫn chung về an toàn bức xạ vô tuyến, mà trong đó các khuyến nghị của Ủy ban quốc tế về bảo vệ bức xạ không ion hóa ICNIRP (International Commission On Non- Ionizing Radiation Protection) được coi là tham chiếu chính đối với mức SAR và được các quốc gia trên thế giới sẽ cân nhắc những khuyến nghị này, kết hợp với các nghiên cứu của quốc gia để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia dành riêng.

Từ Hướng dẫn hạn chế tiếp xúc với trường điện từ năm 1998 [2], năm 2010 [3], đến nay ICNIRP đã công bố các hướng dẫn cập nhật năm 2020 [4], trong đó bao trùm giới hạn phơi nhiễm cục bộ với mức SAR tạo ra ở tần số cả dưới và trên 6 GHz, thời gian tiếp xúc của con người với nguồn RF trên và dưới 6 phút (tóm tắt các kết quả chính tại Hướng dẫn năm 2020 của ICNIRP tại Hình 1).

hinh-1_tom-tat-huong-dan.png
Hình 1. Tóm tắt hướng dẫn của Hướng dẫn năm 2020 của ICNIRP (Nguồn: GSMA [5])

Điều quan trọng là, ICNIRP tiếp tục khẳng định tại Hướng dẫn năm 2020, rằng “Không có bằng chứng nào về ảnh hưởng xấu đến sức khỏe ở mức phơi nhiễm dưới mức hạn chế và không có bằng chứng nào về cơ chế tương tác dự đoán rằng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe có thể xảy ra do phơi nhiễm EMF tần số vô tuyến dưới mức hạn chế đó”.

Theo thống kê của GSMA [5], cho đến nay đã có 132 quốc gia đã ban hành quy định về đảm bảo an toàn theo giới hạn về SAR, các quy định này bao trùm toàn bộ các công nghệ mạng di động từ 2G tới 5G và bao trùm toàn bộ các dải tần số trên/dưới 6GHz, bao trùm các yêu cầu giới hạn đối với cả giới hạn phơi nhiễm do nghề nghiệp và giới hạn mức phơi nhiễm cho công cộng.

Đối tượng áp dụng mức SAR theo thông lệ các nước

Hầu hết các nước đã triển khai quản lý SAR chỉ áp dụng với các thiết bị di động có số IMEI mà chủ yếu là điện thoại di động, thay vì áp dụng với toàn bộ các thiết bị đầu cuối di động khác như wifi, bluetooth... và chỉ áp dụng với các thiết bị sử dụng ở cách cơ thể người dưới 20 cm. Một số trường hợp cụ thể như sau:

Singapore [6]: trong hướng dẫn về hình thức đăng ký thiết bị viễn thông nhập khẩu SER (Simplified Equipment Registration) nước này quy định chỉ áp dụng với các đầu cuối di động hỗ trợ dịch vụ thoại, trong hồ sơ nhập khẩu nộp cho cơ quan quản lý truyền thông IMDA, hãng sản xuất phải kèm theo tờ rơi với tuyên bố mức SAR của thiết bị dưới giới hạn 2W/kg.

Malaysia: trong các yêu cầu kỹ thuật với thiết bị đầu cuối GSM [7], IMT [8] yêu cầu nhà cung cấp phải chứng minh rằng thiết bị đầu cuối di động đã được đo kiểm và chứng nhận hợp quy theo tiêu chuẩn quốc tế ICNIRP bằng một trong các phép đo kiểm được khuyến nghị tại tài liệu EN 50360:2001 và EN 62209-1:2006; đồng thời nhấn mạnh thiết bị vô tuyến cự ly ngắn SRD (short range device) không thuộc phạm vi áp dụng yêu cầu về mức SAR [9].

Thái Lan: trong hướng dẫn của Ủy ban truyền thông quốc gia NBTC [10] yêu cầu các thiết bị vô tuyến điện hoạt động trong phạm vi 20cm tính từ cơ thể người trong điều kiện bình thường như ĐTDĐ phải thực hiện công bố hợp quy với văn phòng của NBTC kèm theo bản chụp kết quả đo kiểm SAR.

sar.png

Úc [11] trong quy định về thiết bị VTĐ năm 2021 của mình đã yêu cầu các thiết bị sử dụng trong điều kiện bình thường dưới 20 cm hoặc ít hơn tính từ cơ thể người gồm điện thoại di động, các thiết bị có thể hoạt động trong băng tần 100 kHz đến 300 GHz và có tích hợp ăng-ten.

Ấn Độ [12]: Bộ Viễn thông Ấn Độ yêu cầu các thiết bị cầm tay có mã IMEI khi sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện đánh giá và đạt các yêu cầu về mức SAR.

Mỹ [13]: Ủy ban truyền thông FCC yêu cầu các thiết bị cầm tay, thiết bị di động phải thực hiện đánh giá SAR trừ các thiết bị có công suất phát dưới 1mW.

Kinh nghiệm về việc chuyển tiếp quy định kể từ khi ban hành quy định về SAR Theo lộ trình, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia dự kiến áp dụng quy định về mức SAR từ ngày 1/12/2023 kể từ ngày công bố dự kiến ban hành quy định (ngày 25/8/2023) [1], như vậy chỉ có chưa đầy 4 tháng kể từ khi có dự lệnh của cơ quan quản lý nhà nước, các bên có liên quan bao gồm nhà sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu phải đáp ứng toàn bộ các yêu cầu mới về SAR, đây là yêu cầu khá chặt chẽ nếu xét đến thời gian chuyển tiếp theo thông lệ của một số quốc gia như Úc [11], Ấn Độ [12] đều cho phép lưu hành các sản phẩm hàng hóa đã nhập khẩu, đang lưu thông trong vòng 12 tháng kể từ ngày ban hành quy định quy định về SAR đến khi chính thức áp dụng với toàn bộ các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu.

cac-thiet-bi-co-ban.png
Hình 2. Các thiết bị cơ bản của một phòng đo SAR (nguồn: UL testing solution [14])

Ngoài ra, việc sẵn sàng năng lực thử nghiệm trong nước và nước ngoài cũng là một yếu tố quan trọng cần xét đến khi mỗi quốc gia bắt đầu triển khai quy định về đảm bảo mức giới hạn SAR. Một trong các giải pháp trong ngắn hạn, khi năng lực thử nghiệm nội địa chưa đáp ứng thì có thể chấp nhận kết quả đo của các phòng thử nghiệm nước ngoài được công nhận có chứng chỉ ISO 17025:2005 như kinh nghiệm của các nước đã triển khai như sau:

Úc [11] tại Quy định chung về thiết bị VTĐ năm 2021, cơ quan quản lý truyền thông Úc ACMA thông báo rằng: người sản xuất thiết bị phải tuân thủ yêu cầu về SAR (như ĐTDĐ sử dụng ở khoảng cách 20cm từ cơ thể người) tại Úc, hoặc người nhập khẩu những thiết bị đó, phải có kết quả đo kiểm tuân thủ tiêu chuẩn về SAR cấp bởi phòng thử nghiệm được công nhận bởi khuôn khổ thừa nhận lẫn nhau của Tổ chức quốc tế về công nhận phòng thử nghiệm ILAC (International Laboratory Accreditation Cooperation).

Ấn Độ [12] thông báo từ ngày 01/01/2012 rằng mọi nhà sản xuất cũng như nhập khẩu, trước ngày 01/9/2012 phải công bố hợp quy theo giá trị giới hạn mức SAR là 1,6W/kg trung bình trên 1 gram mô tế bào, dựa trên kết quả đo của phòng thử nghiệm quốc tế được ILAC công nhận theo ISO 17025 hoặc bởi Trung tâm kỹ thuật viễn thông (TEC) của Ấn Độ.

Thái Lan [10] cho biết các thiết bị vô tuyến nhóm A và nhóm B (như điện thoại di động) phải có kết quả đo SAR bởi phòng đo được công nhận theo ISO 17025:2005.

Kết luận

ICNIRP, tổ chức có vai trò hạt nhân trong việc đưa ra các khuyến nghị về bảo vệ bức xạ không ion hóa bao gồm SAR, đã định kỳ có các nghiên cứu, cập nhật việc đánh giá mức tác động của sóng điện từ tới con người, và trong báo cáo mới nhất năm 2020, tổ chức này đã cập nhật thêm các băng tần mới tương ứng với các công nghệ di động mới như 5G và tiếp tục khẳng định lại bằng tuyên bố không có bằng chứng nào về ảnh hưởng xấu đến sức khỏe ở mức phơi nhiễm dưới mức hạn chế.

Đồng thời với các nghiên cứu của ICNIRP, nhiều nước trên thế giới và khu vực cũng đã có các quy định về việc yêu cầu các thiết bị di động như điện thoại phải tuân thủ các giới hạn về SAR nhằm có các đánh giá thực tế với mọi thiết bị đầu cuối đang ngày càng xuất hiện phong phú về chủng loại, công suất, đặc tính kỹ thuật... Việc tham khảo các kinh nghiệm, thông lệ về đối tượng, thiết bị cần quản lý mức SAR, biện pháp quản lý thông qua đánh giá sự phù hợp các thiết bị này... là một kinh nghiệm tốt trong việc xem xét nhu cầu quản lý tương tự tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. https://www.postel.go.id/berit...dari-radiasi-elektromagnetik-ditjen-sdppi-akan-terapkan-27-6030
2. https://www.icnirp.org/cms/upl...ICNIRPemfgdl.pdf
3. https://www.icnirp.org/cms/upl...ICNIRPLFgdl.pdf
4. https://www.icnirp.org/cms/upl...ICNIRPrfgdl2020.pdf
5. https://www.gsma.com/publicpol...
uploads/2020/10/GSMA-EMF-Exposure-Guidelines-Oct20.pdf
6. https://iris.imda.gov.sg/appli...registration-(ser)
7. https://www.mcmc.gov.my/skmmgo...WTS_GSM_MT.pdf
8. https://www.mcmc.gov.my/skmmgo...WTS_IMT_MT.pdf
9. https://www.mcmc.gov.my/skmmgo...pdf/Short-Range-Devices-Specification.pdf
10.https://standard1.nbtc.go.th/g...216b-4c8d-870f-49f7dd5fc3a4/ME.aspx
11. https://www.legislation.gov.au...
12. https://dot.gov.in/sites/defau...
Memorandum%20dated%2017082012.pdf?download=1
13. https://transition.fcc.gov/oet...files/apr21/44-RF_Exposure_Policies-(post). pdf?msclkid=8fc26006b5dc11ec8f91773a5de87570
14. https://www.ul.com/services/sp...
testing

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)

Gia Minh