Hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở để xây dựng nông thôn mới
Truyền thông - Ngày đăng : 21:58, 19/10/2023
Hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở để xây dựng nông thôn mới
Những năm qua hệ thống truyền thanh cơ sở đã thông tin nhanh nhạy, kịp thời mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, huyện, xã tới người dân, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp kinh tế - xã hội phát triển và xây dựng nông thôn mới.
Các Đài Truyền thanh cơ sở đã đăng tải hàng nghìn lượt tin, bài phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới (NTM) từ Trung ương đến địa phương, các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành; những ý kiến của lãnh đạo địa phương về một số khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ; những biện pháp kích cầu, tổ chức sản xuất hiệu quả; thu hút đầu tư, ngành nghề nông thôn; công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng thương hiệu một số nông sản; công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp; hiến đất làm đường ích nước, lợi dân...
Thông qua công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân; kịp thời cổ vũ những cách làm sáng tạo và hiệu quả, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào, thực sự trở thành người bạn đồng hành cùng với công cuộc xây dựng NTM.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 đã nêu rõ một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới chính là việc tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là: Hiện đại hóa hệ thống Đài Truyền thanh xã đến năm 2025, đảm bảo 100% xã có Đài Truyền thanh có cụm loa đến các thôn hoạt động thường xuyên, hiệu quả; hiện đại hóa các thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện.
Hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật và sản xuất nội dung
Với lợi thế không gian bao phủ rộng, hệ thống truyền thanh cơ sở ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở.
Nếu như trước đây các Đài Phát thanh chủ yếu thông qua sóng FM, thì nay hệ thống truyền thanh thông minh (TTTM) sử dụng công nghệ IP để truyền và nhận bản tin qua mạng Internet, không còn tình trạng bị chèn sóng, lẫn sóng hay chất lượng âm thanh kém. Đặc biệt, nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm TTTM có thể tự động nhận dạng và chuyển văn bản sang giọng nói, chuyển tệp tin âm thanh để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm. Một điểm quan trọng là hệ thống TTTM được điều khiển hoàn toàn trên máy tính, thiết bị di động, giúp lưu trữ và quản lý tốt các nội dung phát sóng.
Nhiều Đài Truyền thanh đã mạnh dạn áp dụng công nghệ thông tin vào vận hành tự động và sản xuất các chương trình truyền thanh trên ứng dụng CNTT-VT. Theo đó, hệ thống TTTM ứng dụng công nghệ số gồm máy tính, bộ tích hợp, thiết bị thu phát, loa 25W, thiết bị tích hợp số hóa và sim 4G, các thông tin được truyền tải nhanh, hiệu quả hơn rất nhiều. Đặc biệt, phần mềm của hệ thống TTTM cũng được cài đặt đồng bộ trên điện thoại thông minh, có kết nối Internet, rất thuận tiện cho việc điều khiển chương trình phát thanh, tiếp âm đài cấp trên đúng khung giờ quy định.
Cho đến nay, hệ thống TTTM là giải pháp được nhiều địa phương trên cả nước quan tâm, tích cực triển khai thay thế hệ thống truyền thanh truyền thống. Một điểm quan trọng nữa là hệ thống TTTM sử dụng phần mềm thống nhất từ cấp huyện đến cấp xã, theo đó các cấp có thẩm quyền có thể kiểm soát chặt chẽ thông tin, chương trình, lịch phát thanh với độ bảo mật cao. Nhờ vậy, việc phát các bản tin trở nên linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực. Trong trường hợp khẩn cấp, Đài Truyền thanh cấp huyện hoàn toàn có thể lựa chọn trực tiếp phát tin tới từng cụm loa của khu dân cư, không phụ thuộc vào nhân viên ở cấp xã như trước.
Phát huy hiệu quả hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở
Để phát huy hiệu quả hệ thống Đài Truyền thanh phục vụ nhu cầu hưởng thụ thông tin của nhân dân, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của hệ thống thông tin cơ sở, các thiết chế thông tin cơ sở, hệ thống Đài Truyền thanh các cấp trong các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, trong mỗi cán bộ lãnh đạo, đảng viên và quần chúng nhân dân, từ đó có sự quan tâm, đầu tư đúng mức để duy trì, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh các cấp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông vào hoạt động thông tin cơ sở. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thông tin cơ sở, trong đó chú trọng nâng cao kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả Đài Truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp cho đội ngũ cán bộ thông tin và truyền thông ở cơ sở.
Đa dạng hóa, cụ thể hóa nội dung thông tin, tuyên truyền về cơ sở. Huy động các nguồn lực xã hội để phát triển thông tin cơ sở, trong đó chú trọng huy động đóng góp của các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đồng thời vận động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…
Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện để tổ chức công tác thông tin cơ sở sao cho hiệu quả. Cần tiếp tục quan tâm, sát sao trong việc quản lý hoạt động của Đài Truyền thanh; lồng ghép, bố trí kinh phí nhằm nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất cho hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở.
Bên cạnh đó cần củng cố, đảm bảo đội ngũ cán bộ Đài Truyền thanh cơ sở ổn định, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền trên Đài Truyền thanh xã, phường…
Truyền thanh cơ sở chính là nhịp cầu, phương tiện tuyên truyền hiệu quả, tiết kiệm và thực sự cần thiết trong phong trào xây dựng NTM. Việc tận dụng được công cụ hữu ích này sẽ góp phần đưa các địa phương về đích NTM đúng với lộ trình đề ra.