Nguồn cung – cầu nhân lực ngành bán dẫn: bài toán cần tháo gỡ

Truyền thông - Ngày đăng : 21:59, 19/10/2023

Việt Nam đang nổi lên như một trong những quốc gia tiềm năng hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn và đây được dự báo sẽ sớm trở ngành công nghiệp “tỷ USD”. Tuy nhiên, ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
Truyền thông

Nguồn cung – cầu nhân lực ngành bán dẫn: bài toán cần tháo gỡ

P.V 19/10/2023 21:59

Việt Nam đang nổi lên như một trong những quốc gia tiềm năng hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn và đây được dự báo sẽ sớm trở ngành công nghiệp “tỷ USD”. Tuy nhiên, ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.

Cơ hội nhiều nhưng thiếu nhân lực

Trong bối cảnh các nhà sản xuất chip trên thế giới đang dần dời trung tâm sản xuất ra khỏi Đài Loan và Trung Quốc, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm và đầu tư của các công ty lớn. Mới đây, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD. Điều này được nhận định là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD.

628c8a139af5b.jpg
Thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng lên 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 6,5%.

Theo Công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng lên 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 6,5%. Tuy nhiên, thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao là một trong những rào cản lớn đối với ngành công nghiệp nói trên.

Hiện nay, cộng đồng vi mạch cả nước có hơn 40 công ty, doanh nghiệp về thiết kế vi mạch và hơn 5.000 kỹ sư, chuyên gia về thiết kế vi mạch. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có hơn 30 công ty và sẽ còn tăng trong thời gian tới. Đăc biệt, sự dịch chuyển của các công ty thiết kế vi mạch trên thế giới về Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu nhân lực khá lớn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi năm, ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ số trong nước cần 150.000 kỹ sư nhưng số lượng hiện mới đáp ứng khoảng 60%. Riêng ngành công nghiệp bán dẫn cần 10.000 kỹ sư, nhưng chỉ đáp ứng được dưới 20%.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc CTCP Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) chỉ ra rằng, trong thời gian từ nay đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu khoảng một triệu nhân lực chuyên về lĩnh vực này. Theo ông, sự thiếu hụt này diễn ra mạnh nhất ở các nước phát triển, nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tập trung đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 kỹ sư

Theo PGS-TS. Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, một trong những khó khăn lớn nhất trong đào tạo nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn hiện nay là thiếu hụt cơ sở hạ tầng đào tạo. Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi cơ sở hạ tầng hiện đại, công nghệ cao, nhưng hầu hết các trường đại học trong nước còn hạn chế về cơ sở vật chất và hệ thống trang thiết bị, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo ngành bán dẫn.

anh5-2182.jpg
Việt Nam sẽ đào tạo khoảng 30.000-50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số và sản xuất chip bán dẫn.

Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi sự tham gia của giảng viên và chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực này. Tại Việt Nam, số lượng giảng viên và chuyên gia có chuyên môn cao và kinh nghiệm trong ngành bán dẫn còn hạn chế.

Một khó khăn nữa trong việc đào tạo là mức độ kết nối giữa doanh nghiệp - nhà trường - Nhà nước chưa đủ chặt chẽ, dẫn đến việc hợp tác hướng dẫn, đào tạo nhân lực còn sơ sài. Để cải thiện, Nhà nước cần có những chính sách thu hút, đẩy mạnh sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực, tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ liên quan xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Kế hoạch dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số và sản xuất chip bán dẫn.

Theo PGS-TS. Đỗ Văn Dũng, phương án giải quyết vấn đề này là nâng cao chất lượng giảng viên, định hướng giảng viên học lên trình độ tiến sĩ. Ngoài ra cũng có thể thu hút các chuyên gia Việt Nam đã được đào tạo bài bản, đang làm việc ở các công ty nước ngoài về giảng dạy, đưa ra mức lương phù hợp.

Nhận thấy tiềm năng phát triển cũng như nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, nhiều trường đại học tại Việt Nam đã quyết định mở rộng quy mô đào tạo về bán dẫn. Đây được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho thị trường quan trọng này.

Mới đây, Đại học FPT đã hợp tác với FPT Semiconductor thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn, nhằm nhân rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Khoa có chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch và nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp nhận lứa học viên và sinh viên đầu tiên vào năm 2024.

Cùng thời điểm, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch, thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông. Sinh viên từ năm thứ tư có thể chọn chuyên ngành này. Mỗi năm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tuyển khoảng 1.000 sinh viên cho Nhóm ngành Kỹ thuật vật liệu, Vật lý kỹ thuật, Điện tử - Viễn thông.

P.V