Cần hỗ trợ báo chí tăng cường chất lượng truyền thông chính sách
Truyền thông - Ngày đăng : 08:34, 23/10/2023
Cần hỗ trợ báo chí tăng cường chất lượng truyền thông chính sách
Để có thể phát huy tính chủ động của báo chí trong quá trình truyền thông chính sách, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước cần đầu tư cả về phương diện con người lẫn công nghệ để có thể nâng cao năng lực của các cơ quan báo chí trong việc nắm bắt dư luận xã hội.
Vai trò của báo chí tham gia hoàn thiện chính sách
Truyền thông chính sách là quy trình chuyển tải thông điệp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đến người dân, để người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách vì lợi ích của Nhà nước và của người dân.
Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác truyền thông của các cơ quan quản lý nhà nước và là một bước không thể thiếu trong tổ chức thực hiện chính sách. Công tác truyền thông chính sách cần huy động các lực lượng và nguồn lực xã hội để triển khai chính sách thành công, trong đó đặc biệt là báo chí.
Đánh giá vấn đề này, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết: Một chính sách ban hành phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xa rời thực tiễn thì chính sách sẽ không có đất sống. Chính sách ban hành ra mà người dân không biết thì coi như chính sách đó chưa được ban hành. Truyền thông chính sách được gắn chặt với báo chí. Qua bộ lọc báo chí, thông tin chính sách trở thành tri thức có giá trị cho mỗi người dân và cộng đồng.
Để có chính sách phù hợp với thực tiễn và khả thi thì quá trình xây dựng chính sách từ ý tưởng, hình thành chính sách, lấy ý kiến, ban hành chính sách và đánh giá hiệu quả chính sách, rất cần sự vào cuộc của báo chí.
Ý kiến của các tầng lớp nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua diễn đàn báo chí là tiếng nói xây dựng, phản biện, giám sát, có vai trò quan trọng.
Qua tiếng nói của báo chí, các cơ quan xây dựng chính sách có được nhiều chiều thông tin hữu ích, cả trong khâu xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách...
“Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của báo chí có vai trò quyết định, khi mà dự thảo chính sách không có sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân và xã hội; hoặc khi mà báo chí truyền tải mạnh mẽ sự đồng thuận cao của người dân và xã hội ủng hộ cho chính sách”, ông Lưu Đình Phúc cho biết.
Ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh, rất cần ở báo chí sự phản biện chính sách một cách chuyên nghiệp, khoa học, trên tinh thần xây dựng, tránh hiện tượng lợi dụng phản biện để “đánh đấm”, bảo vệ cho lợi ích nhóm. Mặt khác, cần hơn nhiều tiếng nói của báo chí để phản biện, định hướng dư luận, phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt, kích động trên không gian mạng như đang xảy ra hiện nay.
Thời gian qua, việc thực hiện chức năng thông tin chính sách tới người dân đã được các cơ quan báo chí thực hiện tích cực, thể hiện qua việc thông tin chủ động, kịp thời đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Đồng thời, các cơ quan báo chí phản ánh khách quan mọi mặt của đời sống xã hội, tâm tư nguyện vọng của người dân; đặt ra nhiều vấn đề cũng như cung cấp thông tin từ thực tiễn có giá trị để phục vụ công tác quản lý, hoạch định chủ trương chính sách và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.
Báo chí cũng đã thể hiện vai trò chủ động trong việc định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin nhân dân, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; lan tỏa những thông tin chính thống, hình ảnh tích cực trong xã hội.
Báo chí tham gia truyền thông chính sách cần đầu tư về nguồn lực và công nghệ
Ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội cho rằng, là thiết chế tương tác trực tiếp với người dân, dư luận, báo chí vẫn chưa thực sự có điều kiện tham gia vào một khâu quan trọng trong quy trình chính sách, đó là nghiên cứu, đánh giá, dự báo những tác động về mặt truyền thông từ những phản ứng của dư luận đối với chính sách cả trong quá trình xây dựng cũng như triển khai trong thực tiễn.
Chính việc thiếu những đánh giá tác động truyền thông mang tính chủ động như vậy mà trong nhiều tình huống, các cơ quan ban hành chính sách cũng như báo chí chưa thực sự sẵn sàng cho những kịch bản ứng xử với các sự cố, thậm chí là khủng hoảng truyền thông khi chính sách được ban hành.
Theo ông Lê Quang Minh, cho dù mỗi cơ quan báo chí đều có những tôn chỉ mục đích, công chúng riêng, nhưng trên thực tế tính đặc thù của mỗi cơ quan báo chí chưa được phát huy một cách triệt để.
“Sự phân vai của các cơ quan trong hệ thống báo chí là chưa thực sự rõ ràng, dẫn tới nhiều trường hợp cùng một thông tin chính sách đa số các báo đều có cách tiếp cận phương pháp đưa tin giống nhau. Điều này phần nào gây lãng phí nguồn lực trong khi hiệu quả truyền thông lại chưa đạt như mong muốn”, ông Lê Quang Minh chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Quang Minh, báo chí khi tham gia vào quá trình truyền thông chính sách rất cần sự đầu tư về nguồn lực, nhất là các giải pháp về kinh tế và công nghệ.
“Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ báo chí, song cơ chế đặt hàng, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá hiện hành thấp đang tạo rất nhiều áp lực cho các cơ quan báo chí trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao”, ông Lưu Đình Phúc cho hay.
Cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong công tác truyền thông chính sách
Ông Lê Quang Minh đề xuất, để có thể phát huy tính chủ động của báo chí trong quá trình truyền thông chính sách, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước nhìn từ những phương diện sau:
Thứ nhất, cần có cách tiếp cận đa dạng hơn về các sản phẩm của cơ quan báo chí trong quá trình tham gia truyền thông chính sách.
Ngoài việc tạo ra các sản phẩm mang tính thông tin chính sách tới người dân và phản ánh thực tiễn xã hội tới các cơ quan hoạch định chính sách, với đặc thù bám sát công chúng, báo chí cần chủ động tham gia sâu hơn và tạo ra những sản phẩm mang tính dự báo và đo lường tác động truyền thông đến từ sự tương tác của dư luận, cử tri với chính sách.
Nhà nước cần đầu tư cả về phương diện con người lẫn công nghệ để có thể nâng cao năng lực của các cơ quan báo chí trong việc nắm bắt dư luận xã hội.
Bên cạnh việc điều chỉnh đơn giá đặt hàng các sản phẩm báo chí hiện nay phù hợp hơn với thực tiễn, Nhà nước có thể mở rộng đặt hàng các cơ quan báo chí thực hiện các sản phẩm mang tính dự báo, đánh giá dư luận, công chúng thông qua nhiều hình thức khác nhau như nghiên cứu, hội thảo, diễn đàn,…
Thứ hai, báo chí cần được tham gia chủ động hơn trong việc đề xuất các phương án truyền thông chính sách đối với các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách trên cơ sở tôn chỉ mục đích và đặc thù của mình.
“Đặc biệt, trong các kịch bản đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, xử lý các sự cố về truyền thông chính sách, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT cũng như Hội Nhà báo Việt Nam, sự phân vai rõ ràng hơn trong nhiệm vụ giữa các cơ quan báo chí với những sản phẩm tiếp cận theo những góc độ và mục đích khác nhau sẽ góp phần cộng hưởng sức mạnh của hệ thống báo chí chính thống, tăng năng lực đấu tranh với những luồng thông tin không chính thống từ các nền tảng mạng xã hội, tăng sức thuyết phục đối với dư luận từ đó định hướng xã hội theo những giá trị đúng đắn”, ông Lê Quang Minh đề xuất.
Thứ ba là cần xây dựng một chiến lược đầu tư bài bản để phát triển các nền tảng truyền thông đối ngoại (trước mắt bằng tiếng Anh) để phục vụ mục tiêu truyền thông chính sách và phản bác các luận điệu sai trái với đối tượng khán giả là người nước ngoài./.