Lý giải sự phát triển bùng nổ của kinh tế số Singapore
Kinh tế số - Ngày đăng : 08:15, 25/10/2023
Lý giải sự phát triển bùng nổ của kinh tế số Singapore
Nền kinh tế số Singapore đã chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển theo cấp số nhân của ngành công nghiệp số.
Sự bùng nổ của nền kinh tế số đã có tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực và rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Singapore.
Singapore tăng gần gấp đôi quy mô nền kinh tế số trong 5 năm
Báo cáo đầu tiên về kinh tế số của Singapore do Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm (IMDA) của nước này cho thấy nền kinh tế số của Singapore đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm, đạt 106 tỷ đô la Singapore (77,7 tỷ USD) vào năm 2022.
Nền kinh tế số của Singapore gần như tăng gấp đôi đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm qua, đạt 106 tỷ đô la Singapore (77,7 tỷ USD) vào năm 2022, chiếm hơn 17% GDP của quốc gia này, cao hơn mức 13% được ghi nhận vào năm 2017. Theo một báo cáo này, sự tăng trưởng mạnh mẽ này cũng tạo ra hơn 200.000 việc làm công nghệ trong năm qua.
Báo cáo được thực hiện với sự hợp tác của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, là nỗ lực đầu tiên của chính phủ trong việc xác định và đo lường phạm vi của nền kinh tế số của Singapore nhằm theo dõi hướng đi và tốc độ thay đổi của nền kinh tế số theo thời gian.
Nền kinh tế số của Singapore được chia thành 2 phần: lĩnh vực thông tin và truyền thông (ICT hoặc I&C) và số hóa các lĩnh vực còn lại của nền kinh tế. 1/3 nền kinh tế số được thúc đẩy bởi lĩnh vực ICT, trong khi 2/3 được thúc đẩy bởi quá trình số hóa trong các lĩnh vực còn lại của nền kinh tế.
ICT đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế số
Báo cáo cho rằng, lĩnh vực ICT là động lực chính của số hóa, cung cấp các dịch vụ số như viễn thông, lập trình máy tính và tư vấn CNTT, điện toán đám mây, phát triển phần mềm cũng như sản xuất, phân phối nội dung và phương tiện truyền thông. Đây là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong 5 năm qua, chiếm 33 tỷ đô la Singapore (24,2 tỷ USD) và 5,4% tổng GDP vào năm 2022, tăng từ 19 tỷ đô la Singapore (13,9 tỷ USD) và 4,3% GDP vào năm 2017.
Trong thời gian này, game, dịch vụ trực tuyến và TMĐT chứng kiến mức tăng trưởng hai con số với tốc độ CAGR lên tới 70%, được thúc đẩy bởi các xu hướng công nghệ và số hóa nhanh chóng như chuyển sang đám mây - đặc biệt là trong đại dịch COVID-19
Số hóa phần còn lại của nền kinh tế
Trong khi đó, quá trình số hóa trên toàn bộ phần còn lại của nền kinh tế Singapore tiến triển với tốc độ mạnh mẽ, vượt xa tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, số hoá đóng góp 73 tỷ đô la Singapore (53,5 tỷ USD) hay 11,9% GDP của Singapore vào năm 2022 - tăng từ 39 tỷ đô la Singapore (28,6 tỷ USD) hay 8,7% GDP năm 2017.
“Chúng tôi đo lường giá trị được tạo ra từ các khoản đầu tư và chi cho tất cả các lĩnh vực ngoài lĩnh vực ICT. Các công ty đầu tư vào công nghệ số để tiếp cận khách hàng tốt hơn, tối ưu hóa quy trình kinh doanh cũng như đổi mới sản phẩm và dịch vụ, từ đó có thể dẫn đến kết quả kinh tế tốt hơn", báo cáo cho biết.
Cũng theo báo cáo, "sự mở rộng của nền kinh tế số xuất phát từ việc các doanh nghiệp (DN) ngày càng áp dụng công nghệ số, từ đó góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhân lực công nghệ”.
Số lượng chuyên gia công nghệ đã tăng từ khoảng 155.500 năm 2017 lên 201.100 vào năm 2022, do nhu cầu trên tất cả các lĩnh vực. Tỷ lệ chuyên gia công nghệ trong tổng số việc làm đạt 5,2% vào năm 2022, tăng từ 4,2% vào năm 2017.
Nhu cầu về nhân lực công nghệ đã mang lại lợi ích cho người lao động trong nước, trong đó người dân trong nước chiếm hơn 70% việc làm công nghệ ở Singapore. Những công việc này có mức lương tốt, cao hơn đáng kể so với mức lương trung bình của người dân nói chung. Mức lương trung bình của các chuyên gia công nghệ địa phương cũng tăng trưởng ổn định trong những năm qua.
Báo cáo cho biết, các công việc liên quan đến công nghệ có thể sẽ vẫn có nhu cầu khi nền kinh tế số hóa bất chấp tình trạng sa thải nhân viên trong ngành công nghệ kể từ năm 2022 đã ảnh hưởng đến người lao động ở Singapore và trên toàn cầu.
Tỷ lệ áp dụng công nghệ trong các DN nhỏ và vừa (SME) đã tăng lên 94% vào năm 2022, tăng từ mức 74% vào năm 2018. Gần như tất cả các DN lớn hơn đều đã áp dụng công nghệ dưới một số hình thức.
Nhưng báo cáo cho thấy các SME không sử dụng nhiều công nghệ như các DN lớn hơn, tụt hậu trong việc áp dụng các lĩnh vực chính như điện toán đám mây và phân tích dữ liệu.
Giám đốc điều hành IMDA Lew Chuen Hong cho biết những phát hiện của báo cáo cho thấy các DN nên dựa vào số hóa để phát triển. “Không chỉ có các công ty công nghệ số. “(Số hóa) đang tạo ra tác động không cân xứng; trên thực tế, phần lớn nền kinh tế số của chúng ta đến từ việc số hóa trên các lĩnh vực khác”.
Dựa trên dữ liệu mới nhất hiện có, các nền kinh tế số của Estonia, Thụy Điển và Vương quốc Anh chiếm 16,6%, 15% và 16,1% GDP tương ứng của các nước vào năm 2020. So sánh, nền kinh tế số của Singapore thì đạt cao hơn, đóng góp tới 16,7% GDP trong năm 2020.
Báo cáo cho biết: “Nhìn chung, nền kinh tế số của Singapore đang phát triển mạnh mẽ và triển vọng dài hạn vẫn tích cực. Chính phủ Singapore tiếp tục cam kết phát triển một nền kinh tế số cạnh tranh”.
Cũng theo báo cáo, “Các ước tính về quy mô của nền kinh tế số không dễ dàng so sánh được giữa các khu vực cũng như giữa các nghiên cứu. Cần phải thận trọng khi so sánh quốc tế các ước tính về nền kinh tế số”.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore Josephine Teo cho biết trong một bài đăng trên LinkedIn rằng điều quan trọng là các quốc gia phải biết giá trị của nền kinh tế số của mình vì nó giúp lập kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Cũng theo Bộ trưởng Josephine Teo, sự tăng trưởng của nền kinh tế số của Singapore cho thấy những nỗ lực phát triển ngành công nghiệp ở đây đang được đền đáp. Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục đào tạo thêm lực lượng lao động để đảm nhận các vị trí liên quan trong nền kinh tế số, bất kể xuất thân của người lao động.
Lý giải sự phát triển bùng nổ của kinh tế số Singapore
Nền kinh tế số là tận dụng công nghệ mới nhất để số hóa các quy trình và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Điều này thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó tạo ra việc làm và cơ hội mới cho những người dân ở Singapore.
Môi trường kinh doanh thuận lợi của Singapore, cơ sở hạ tầng công nghệ tuyệt vời, khả năng kết nối chặt chẽ với các nền kinh tế lớn của châu Á cũng như nguồn đầu tư sẵn có giúp Singapore có vị thế tốt để phát triển nền kinh tế số mạnh mẽ.
Ba chiến lược chính đã được xác định trong Khung hành động kinh tế số (Digital Economy Framework for Action) để tận dụng các thế mạnh của Singapore, gồm: (1) Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng cách số hóa các ngành công nghiệp và DN; (2) Phát triển hệ sinh thái giúp DN sôi động và cạnh tranh; (3) Chuyển đổi ngành ICT thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số.
Các hoạt động đa dạng tạo nên nền kinh tế số của Singapore bao gồm TMĐT, tài chính, dịch vụ số và đổi mới công nghệ. Các khoản đầu tư chiến lược của quốc gia vào các lĩnh vực này đã giúp tăng gấp đôi nền kinh tế số.
Sự mở rộng của nền kinh tế số của Singapore ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp, thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất. Công nghệ y tế từ xa và kỹ thuật số hiện đang được ứng dụng rộng rãi, cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe (CSSK). Nhu cầu về các cơ sở CSSK đã giảm đi cùng với sự ra đời của dịch vụ tư vấn bệnh nhân từ xa.
Nhờ vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng tổ chức tốt, Singapore là trung tâm thương mại quốc tế. Các công nghệ số như chuỗi khối (blockchain) và Internet (IoT) đã đơn giản hóa việc quản lý chuỗi cung ứng, mang lại hoạt động thương mại hiệu quả hơn.
Các trang TMĐT lớn như Lazada, Shopee, Amazon đã thành công ở Singapore. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên do sự bùng nổ mua sắm trên Internet và các DN trong nước đã tăng thị phần trong nước và toàn cầu.
Singapore đã trở thành nơi thu hút nhân tài và đầu tư toàn cầu vì vị thế của nước này là một trung tâm công nghệ tài chính. Cơ quan tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore) đã chủ động phát triển môi trường pháp lý thuận lợi cho các DN fintech. Công nghệ chuỗi khối, thanh toán số và các dịch vụ tài chính sáng tạo đã giúp đạt được thành tựu này.
Nếu so sánh, nền kinh tế số ở Hàn Quốc cũng đã mở rộng đáng kể, đặc biệt là trong các ngành công nghệ và giải trí. Hỗ trợ của chính phủ, xây dựng cơ sở hạ tầng và chú trọng vào đổi mới và giáo dục đều đã giúp ích cho cả hai nước. Singapore phát triển mạnh về công nghệ tài chính và TMĐT, trong khi Hàn Quốc đạt được thành công đáng kể trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ như Samsung và LG.
Grab và Sea Group là hai công ty nổi bật trong nền kinh tế số của Singapore. Grab khởi đầu là một dịch vụ gọi xe. Với việc bổ sung dịch vụ giao đồ ăn, thanh toán điện tử và dịch vụ tài chính, Grab đã mở rộng dịch vụ của mình. Grab đã thay đổi cách mọi người di chuyển, cách họ ăn uống, mua sắm và quản lý tiền bạc.
Trong khi đó, Sea Group là một công ty quan trọng ở Đông Nam Á và cung cấp nhiều loại dịch vụ số, như dịch vụ tài chính qua SeaMoney, giải trí số qua Garena và TMĐT qua Shopee. Thành công của Sea Group là minh chứng nổi bật cho nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng của khu vực.
Sự tăng trưởng của nền kinh tế số Singapore trong 5 năm qua đã ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu kinh tế của đất nước. Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, nó còn khơi dậy sự đổi mới và thay đổi trong một số ngành công nghiệp thiết yếu. Rõ ràng là nền kinh tế số là một lực lượng toàn cầu có thể biến đổi các quốc gia và các lĩnh vực. Kinh nghiệm của Singapore chứng minh giá trị của việc đầu tư vào nền kinh tế số để đạt được sự thịnh vượng và tiến bộ kinh tế lâu dài, đồng thời đóng vai trò là hình mẫu cho các quốc gia khác./.