Làm gì để truyền thông chính sách trên báo Đảng không đơn điệu, khô khan?
Truyền thông - Ngày đăng : 08:29, 26/10/2023
Làm gì để truyền thông chính sách trên báo Đảng không đơn điệu, khô khan?
Hệ thống các cơ quan báo, tạp chí của Đảng phải “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” trong công tác truyền thông chính sách để nâng cao hiệu quả của công tác này, tạo sự thống nhất trong hành động, thúc đẩy sự phát triển trong toàn xã hội.
Truyền thông chính sách trên các cơ quan báo chí nói chung và các cơ quan báo, tạp chí của Đảng nói riêng là quá trình tuyên truyền, phổ biến về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đó là quá trình thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết của Đảng, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và tạo ra sự đồng thuận và phát triển trong toàn xã hội.
Báo, tạp chí của Đảng tiên phong trong công tác truyền thông chính sách
Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Huy Nam, Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo cho biết: Hệ thống các cơ quan báo, tạp chí của Đảng phải “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” trong công tác truyền thông chính sách để nâng cao hiệu quả của công tác này, tạo sự thống nhất trong hành động, thúc đẩy sự phát triển trong toàn xã hội.
Nằm trong hệ thống báo chí Cách mạng Việt Nam, hệ thống báo, tạp chí của Đảng do các tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo và quản lý gồm Báo Nhân Dân, các báo Đảng địa phương của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản và Tạp chí của các ban Đảng Trung ương.
Báo, tạp chí của Đảng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, cơ quan ngôn luận của Đảng, là diễn đàn của nhân dân, là đơn vị cấu thành của hệ thống báo chí cả nước.
Báo Đảng có vai trò, chức năng, nhiệm vụ giống như các cơ quan báo chí trong cả nước, nhưng là phương tiện quan trọng nhất để hướng dẫn dư luận và chỉ đạo công tác của Đảng, Nhà nước và chính quyền ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa.
Theo ông Lê Huy Nam, với chức năng nhiệm vụ và thực hiện tôn chỉ mục đích của mình, các cơ quan báo, tạp chí của Đảng hiện nay đã trực tiếp tham gia vào quá trình truyền thông chính sách. Làm tốt vai trò thông tin, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng. Nhiều cơ quan báo chí đã thực sự trở thành những diễn đàn quan trọng để nhân dân chia sẻ, nói lên ý kiến của mình trong các nội dung về chính sách.
Qua hệ thống báo, tạp chí của Đảng, những ý kiến xây dựng tâm huyết từ nhân dân đã đến được với cấp ủy, giúp cho cấp ủy có cơ sở để điều chỉnh, đề ra nhiều chủ trương sát với tình hình thực tiễn. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc các tầng lớp nhân dân góp ý, xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc, hay các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ các cấp.
“Qua việc thông tin, tuyên truyền, cơ quan báo, tạp chí của Đảng góp phần vào nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, có thể khẳng định, nhiệm vụ truyền thông chính sách trên hệ thống báo, tạp chí của Đảng cũng chính là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng của các cơ quan báo, tạp chí của Đảng”, ông Lê Huy Nam nhấn mạnh.
Những thuận lợi, khó khắn trong công tác truyền thông chính sách của báo, tạp chí Đảng
Ông Lê Huy Nam cho biết, để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng nêu trên, hệ thống các cơ quan báo, tạp chí của Đảng có những ưu thế, thuận lợi so với các cơ quan báo chí khác như: Đi tiên phong trong công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, khẳng định vai trò là nguồn thông tin chính thống, chủ đạo, mang tính định hướng.
Đồng thời, khẳng định thế mạnh bám sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân tại địa bàn, kịp thời phát hiện, biểu dương những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến; Phản ánh những băn khoăn, trăn trở, những vấn đề bức thiết đặt ra từ đời sống tại địa phương, đơn vị, góp phần hoàn thiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Cùng với đó, có đội ngũ cộng tác viên là những người trực tiếp tham gia vào xây dựng dự thảo các văn bản chính sách của Đảng và Nhà nước, nên thông tin được truyền tải đến với công chúng một cách tin cậy, chính xác, rõ ràng và toàn diện.
Hơn thế nữa, báo, tạp chí của Đảng có nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách của Nhà nước để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên, theo ông Lê Huy Nam, bên cạnh những thuận lợi cũng có những thách thức đối với công tác truyền thông chính sách của các cơ quan báo, tạp chí của Đảng. Có thể nhận thấy những thách thức như: Các cơ quan đảng, chưa có cơ chế cụ thể, thống nhất về quy định quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Việc cung cấp thông tin có nhiều đầu mối như văn phòng cấp ủy, ban tuyên giáo các cấp…, giúp cấp ủy thực hiện chế độ thông tin.
Các thông tin truyền thông trên các cơ quan báo, tạp chí của Đảng nói chung còn nặng về tính chính trị, thông tin hội họp; hình thức thể hiện đơn điệu, khô khan; khó khăn trong mở rộng đối tượng bạn đọc trước sự cạnh tranh của mạng xã hội; Thông tin trên báo Đảng trong nhiều trường hợp chậm do quy định nghiêm ngặt; Cách tổ chức tiếp cận nguồn tin, xử lý thông tin còn nặng về việc lệ thuộc nội dung văn bản nên thiếu tính sáng tạo, cách thể hiện thiếu hấp dẫn...
Việc trang bị các phương tiện tác nghiệp cho phóng viên chủ yếu phụ thuộc vào khoản đầu tư của ngân sách nên đôi lúc không kịp thời; Các chế độ chính sách chưa linh hoạt nên khó thu hút, giữ chân phóng viên giỏi.
Nội dung trọng tâm trong công tác truyền thông chính sách của báo, tạp chí Đảng
Ông Lê Huy Nam đề xuất, trong bối cảnh mới, yêu cầu mới, để nâng cao hiệu quả truyền thông trên các cơ quan báo, tạp chí của Đảng, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, cần tuyên truyền, phổ biến, đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; các hướng dẫn, chỉ đạo triển khai việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, thông báo, thông tư, văn bản luật… về các chính sách thực hiện một cách kịp thời, chính xác, toàn diện, đầy đủ cho người dân, góp phần đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống.
Thứ hai, có cơ chế phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan ban hành chính sách và cơ quan báo chí trong việc truyền thông chính sách, từ khâu công bố dự thảo, lấy ý kiến nhân dân, thảo luận, tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, hoàn thiện chính sách, công bố rộng rãi cho nhân dân; Tăng cường sự tham gia của các cơ quan báo chí trong việc khảo sát, thăm dò, lấy ý kiến để xây dựng và hoàn thiện chính sách, cũng như phản biện, sửa đổi chính sách.
Thứ ba, các cơ quan báo, tạp chí của Đảng phải trở thành diễn đàn để thu hút, tập hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân để góp phần điều chỉnh, bổ sung, không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách, đáp ứng nhu cầu và lợi ích chính đáng của người dân.
Thứ tư, chú trọng nguồn lực của các cơ quan báo chí trong thực hiện truyền thông chính sách.
Thứ năm, tăng cường nguồn lực xã hội hóa ngoài ngân sách Nhà nước cấp để nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông chính sách./.