Sử dụng chữ ký số góp phần chuyển đổi số tại Đắk Lắk hiệu quả
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 12:59, 26/10/2023
Sử dụng chữ ký số góp phần chuyển đổi số tại Đắk Lắk hiệu quả
Việc tăng cường sử dụng chữ ký số (CKS) trong giao dịch điện tử (GDĐT), xác định tính pháp lý cho các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, góp phần khẳng định công cuộc chuyển đổi số (CĐS) tại Đắk Lắk đang diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả.
Ngày 26/10/2023, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) và Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tuyên truyền về CKS, dịch vụ chứng thực CKS năm 2023. Hội nghị thu hút được đông đảo đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, CKS…
Áp dụng CKS rộng rãi gia tăng sự tin tưởng của người dân, DN và tổ chức khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử
Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ đã giao Bộ TT&TT thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ CKS để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đây là một nhiệm vụ hết sức thiết thực và quan trọng.
Trong thời gian qua, NEAC đã phối hợp với Câu lạc bộ CKS và GDĐT và các đơn vị đã được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS theo mô hình ký số từ xa triển khai Chương trình thúc đẩy phổ cập CKS tại 17 tỉnh, địa phương trên cả nước. Trong chương trình này, với sự cam kết của các DN cung cấp dịch vụ, người dân sẽ được cấp chứng thư số với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, như miễn phí trong vòng 1 năm bao gồm phí khởi tạo chứng thư số và ký số dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT).
Phát biểu tại Hội nghị, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC cho biết CĐS là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã được các bộ, ngành, tỉnh thành triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua. CĐS đã được thực hiện từ các cấp ngành, lĩnh vực, trong mỗi DN, người dân và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Làn sóng CĐS không những đã tạo sự lan tỏa, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, mà hơn thế là người dân đã bắt đầu được hưởng những giá trị từ CĐS.
"Việc triển khai áp dụng CKS rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, DN và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các DVC do Chính phủ cung cấp tới người dân, DN", Giám đốc NEAC nhấn mạnh.
CKS là giải pháp được quốc tế và Việt Nam công nhận về tính pháp lý, có thể giải quyết triệt để các nguy cơ an ninh trong giao dịch trực tuyến đặc biệt là các giao dịch đòi hỏi tính xác thực cao. CKS được triển khai, áp dụng đúng sẽ có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu (của tổ chức, DN), có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và chống chối bỏ.
Đặc biệt, Luật GDĐT 2023 mới đây có nhiều quy định quan trọng về CKS, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng CKS vào mọi hoạt động của người dân trên môi trường mạng. CKS được xem là một trong những tài sản số quan trọng nhất, một mắt xích không thể thiếu trong thời đại CĐS.
Tại Việt Nam, hiện nay 100% DN đã sử dụng CKS chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… trong khi tỷ lệ người dân sử dụng CKS còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 9/2023, có trên 2,2 triệu chứng thư số đang hoạt động trong đó khoảng 1,7 triệu chứng thư số DN, tổ chức và hơn 540.000 chứng thư số cá nhân đang hoạt động.
Tuy nhiên, Giám đốc NEAC cho biết chứng thư số cá nhân (đang hoạt động) tăng dần từ 7,27% năm 2018 đến 23,25% tại thời điểm tháng 9/2023 cho thấy người dân đã bắt đầu có thói quen và nhu cầu sử dụng CKS khi tham gia các giao dịch trên môi trường mạng.
Bà Tô Thị Thu Hương cho biết Đắk Lắk là một trong những tỉnh rất quyết liệt trong thực hiện chương trình CĐS quốc gia. Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 3330/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành “Kế hoạch CĐS tỉnh Đắk Lắk, xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên cả ba trụ cột (chính phủ số, kinh tế số và xã hội số).
Để nâng cao mức độ CĐS, Giám đốc NEAC cho biết: “Đắk Lắk cần tập trung vào ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp thông minh. Về xã hội số, tận dụng cơ hội thúc đẩy CĐS trong khám chữa bệnh, dạy và học trực tuyến…".
Năm 2023, Đắk Lắk phấn đấu tiếp tục xây dựng các nền tảng số, phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ; ứng dụng công nghệ số trong cơ quan nhà nước hướng tới chính quyền số phải thúc đẩy, gắn liền tiến trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển theo hướng bền vững phục vụ người dân và DN. Tỉnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hướng đến nền kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn...
Cũng theo bà Tô Thị Thu Hương, việc tăng cường sử dụng CKS trong GDĐT, xác định tính pháp lý cho các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng góp phần khẳng định công cuộc CĐS tại Đắk Lắk đang diễn ra mạnh mẽ, tích cực. “Đặc biệt, trong thời gian qua, NEAC đã phối hợp với Sở TT&TT Đắk Lắk tích hợp thành công hệ thống ký số lên cổng DVC của tỉnh” Giám đốc NEAC nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, đại diện VNPT cho biết thuận lợi triển khai CKS ở Đắc Lắk là lãnh đạo UBND Tỉnh; Sở TT&TT đã quan tâm và chỉ đạo quyết liệt cụ thể tại Kế hoạch số 133/KHBCDCĐS ngày 05/9/2023 đã đặt mục tiêu phấn đấu 50% người trưởng thành có CKS hoặc CKS điện tử. Lãnh đạo UBND các đơn vị trực thuộc, các tổ chức chính trị/xã hội dành sự quan tâm trong công tác triển khai ứng dụng CKS.
Tuy nhiên, cũng có khó khăn và hạn chế là người dân chưa nắm được các loại thủ tục, giấy tờ nào có thể ứng dụng CKS, thói quen thực hiện thủ tục trực tiếp còn cao. Đối với người dân hiện nay mới có thể ký các thủ tục trên DVC hoặc ký hợp đồng dịch vụ viễn thông (VNPT,…). Các lĩnh vực khác ứng dụng ký số chưa nhiều nên chưa thúc đẩy người dân sử dụng (ngân hàng, Y tế, Hợp đồng lao động….).
Tích hợp thành công hệ thống ký số lên cổng DVC của tỉnh
Tại Hội nghị, các chuyên gia, diễn giả đã trình bày về vai trò, lợi ích của CKS và dịch vụ chứng thực CKS trong hoạt động chính phủ điện tử, chính phủ số, CĐS.
Quan điểm chung theo các chuyên gia, việc triển khai áp dụng CKS rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, DN và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các DVC do chính phủ cung cấp tới người dân, DN.
Các chuyên gia cho rằng cần nhiều hơn các giải pháp mới hiệu quả trong việc ứng dụng CKS như: Triển khai ký số trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử phục vụ số hóa, bóc tách dữ liệu; tích hợp giải pháp ký số vào cổng DVC; ứng dụng CKS vào hóa đơn điện tử và các nền tảng hợp đồng điện tử (HĐĐT)…
Khi nói về lợi ích của CKS đối với chính phủ số, CĐS, xã hội số, kinh tế số, ông Đỗ Kế Công, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ CKS và GDĐT Việt Nam khẳng định giá trị tạo ra sẽ giúp: Các ngành ứng dụng CKS dẫn đầu làn sóng CĐS; các tổ chức ứng dụng CKS dẫn đầu nền kinh tế số; trụ cột tiếp cận CNTT được xếp hạng cao nhất (chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia); dịch vụ, ứng dụng tạo ra giá trị kinh tế, lao động cho nhà nước, DN, người dân; tạo xu hướng phát triển, mở rộng không giới hạn trên môi trường số.
Còn ở quan điểm để tạo ra các giá trị, hiệu quả sử dụng, theo đại diện nhà cung cấp dịch vụ CKS Viettel Đắc Lắk cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ, DN công nghệ trong lĩnh vực này cần làm tốt vai trò: Đồng hành phổ cập đến 100% các DN, người dùng; đẩy mạnh việc phổ cập CKS cá nhân trong các DVC; CKS cho các giao dịch tài chính, tín dụng, chuyển tiền, thanh toán…; đảm bảo phụ vụ nhu cầu CKS hàng ngày cho mọi giao dịch cần là có ngay CKS…
Ngoài các quan điểm trên, tại hội nghị cũng giới thiệu các điểm mới trong Luật GDĐT 2023 đến người dân, DN và các tổ chức. Khi Luật được chính thức đưa vào áp dụng, sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác CĐS, đặc biệt là mở rộng tính ứng dụng của CKS vào trong các hoạt động thường ngày của người dân và DN.
Cùng với đó, hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Sở TT&TT Đắk Lắk, CLB CKS và GDĐT Việt Nam và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng (CA công cộng) với các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng CKS, đặc biệt là giải pháp ký số từ xa để thực hiện các GDĐT./.