Mạng 5G: Điều kiện thuận lợi để phát triển chính phủ điện tử
Chính phủ số - Ngày đăng : 10:30, 30/10/2023
Mạng 5G: Điều kiện thuận lợi để phát triển chính phủ điện tử
Ứng dụng những lợi ích của mạng 5G góp phần phát triển chính phủ điện tử.
Mạng 5G hay còn được gọi là mạng di động thế hệ thứ 5 là bước tiếp nối mạng di động thế hệ thứ 4 (4G) khi có sự nâng cao về tốc độ và hiệu suất. Mạng 5G có độ trễ thấp hơn so với những mạng di động thế hệ trước và có thể chạy được ở các dải băng tần khác nhau. Đặc biệt, mạng 5G vẫn có thể hoạt động tốt trong những băng tần thấp hơn.
Hiện tại, mạng 5G tại Việt Nam đang được mở rộng và phát triển. Có rất nhiều trạm phát sóng được lắp đặt, đặc biệt ở những khu vực trung tâm thành phố lớn. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 1652/QĐ-BTTT về việc thương mại hoá dịch vụ 5G. Theo đó, dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024, các nhà mạng chính thức thương mại hoá dịch vụ 5G đến khách hàng. Điều này giúp mạng 5G được phổ biến rộng rãi.
Không thể phủ nhận được những lợi ích mà mạng 5G đem lại. Thứ nhất, với tốc độ nhanh lên tới 10 Gbp/s và có độ trễ thấp với chỉ 1-4 ms so với mạng di động ở những thế hệ trước. Trong điều kiện lý tưởng, tốc độ của mạng 5G có thể còn cao hơn và độ trễ có thể đạt gần mức bằng 0. Ưu điểm về tốc độ và độ trễ thấp của mạng 5G giúp tăng cường sự truyền dẫn giữa các thiết bị. Thêm vào đó, tính chất này của mạng 5G còn làm giảm đi sự gián đoạn khi thực hiện việc liên lạc. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi khi ứng dụng vào mọi lĩnh vực.
Thứ hai, mạng 5G có độ phủ sóng tối ưu do trạm thu phát sóng được treo trên cao. Không chỉ có vậy, mạng 5G cũng có khả năng phân chia mạng ảo, việc này giúp cho người dùng dễ dàng tiếp cận và truy cập được Internet trong mọi môi trường khác nhau. Qua đó mang lại nhiều sự hỗ trợ cho các hoạt động thường ngày. Không những thế, độ phủ sóng của mạng 5G còn tạo nên một mạng lưới kết nối rộng rãi, là đòn bẩy để phát triển trên nhiều ngành nghề.
Thứ ba, những tính chất ưu việt vốn có của mạng 5G còn là một trợ lực trong việc bảo đảm an ninh mạng. Khi mạng di động có độ truyền dẫn cao và gián đoạn có thể gần như ở mức 0, việc xử lý dữ liệu được diễn ra nhanh chóng, vì vậy khó tạo ra lỗ hổng cho tội phạm mạng tận dụng thực hiện các cuộc xâm nhập. Tính năng phân chia mạng ảo của 5G có thể được sử dụng để tạo ra những mạng phân lập, điều nay giúp thiết lập các lớp bảo mật mạnh cho từng mạng, qua đó gây ra trở ngại cho những sự tiếp cận tấn công. Ngoài ra, mạng 5G còn có đề kháng cao khi gặp những lỗ hổng, có khả năng tự chống chịu khi có sự tác động, tấn công. Việc này giúp các thông tin, dữ liệu khi truyền, gửi được đảm bảo một cách tối đa.
Ứng dụng những mặt lợi ích của mạng 5G trong phát triển chính phủ điện tử
Phát triển chính phủ điện tử cần những điều kiện hỗ trợ đắc lực, những điểm mạnh của mạng 5G là bước đà thúc đẩy quá trình này.
Tốc độ tối ưu
Tốc độ đường truyền vượt bậc của mạng 5G và độ trễ thấp là cơ sở để tăng cường sự thông suốt trên các Cổng dịch vụ công trực tuyến. Việc gửi và xử lý hồ sơ cần được nhanh gọn và kịp thời, do đó, những tính năng về tốc độ của mạng 5G khi được áp dụng sẽ nâng cao được quá trình hoàn thiện và xử lý hồ sơ trên các Cổng dịch vụ công trực tuyến. Từ đó đem lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Ngoài ra, tốc độ của mạng 5G còn cải thiện được hiệu suất hoạt động của các Cổng dịch vụ công trực tuyến, tránh tình trạng nghẽn, gián đoạn khi truy cập.
Ứng dụng độ phủ sóng
Độ phủ sóng rộng rãi của mạng 5G có thể là bước tiến làm tăng lượng sử dụng các Cổng dịch vụ công trực tuyến. Sự phát triển lớn mạnh của chính phủ điện tử không thể thiếu sự phổ biến của những hoạt động dịch vụ công trực tuyến. Mạng 5G gia tăng độ phủ sóng cùng với những tính năng ưu việt, nhiều người sử dụng sẽ lựa chọn để truy cập Internet và đây là cơ hội để mở rộng sự phổ biến việc thực hiện các thủ tục hành chính trên các Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Thêm vào đó, độ phủ sóng tối ưu của mạng 5G còn là một công cụ bổ trợ cho sự liền mạch cho việc thao tác và quá trình xử lý hồ sơ trực tuyến. Khi việc tiếp cận với mạng 5G không bị giới hạn, mọi hoạt động hành chính trực tuyến không bị gặp trở ngại. Cùng với đó, khả năng phân chia mạng ảo của 5G cũng là một ưu điểm có thể được sử dụng để tăng tính hiệu quả hoạt động của dịch vụ công trực tuyến do mỗi mạng nhỏ được chia có thể được cấu hình thông số với đúng điều kiện của nơi làm việc, giúp cho quá trình xử lý hồ sơ được dễ dàng.
Tăng cường an toàn thông tin
Mạng 5G có những tính chất có thể thiết lập lớp bảo vệ thông tin mà không phải cần quá nhiều sự hỗ trợ. Đặc biệt là khi ứng dụng vào việc phát triển dịch vụ công, những tính chất đó có thể giúp giảm thiểu tối đa những lỗ hổng cũng như sự cố khác về an ninh cho các Cổng dịch vụ công trực tuyến. Cơ chế có thể tự kháng lại được sự tấn công cũng là một thứ giúp ngăn chặn những hành động xâm nhập làm rò rỉ dữ liệu, gây hại cho những website cung cấp dịch vụ công. Không những thế, các Cổng dịch vụ công có thể được trang bị thêm lớp bảo mật, củng cố thêm sự an toàn cho mọi hoạt động diễn ra trên đó. Nhất là tính chất phân lập mạng ảo của 5G có thể tạo thêm khoá an ninh cho từng mạng nhỏ, giúp cho những tài liệu được truyền đi trong đó khó có thể bị tấn công.
Mạng 5G đang cho thấy những sự cải tiến vượt bậc so với những mạng di động thế hệ trước. Đặc biệt là tính năng có thể truyền tải được ở tốc độ cao và độ trễ có thể đạt được ở mức tiệm cận, độ phủ sóng rộng rãi, phân lập mạng ảo và hỗ trợ bảo mật tối ưu.
Để đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, luôn phải có song hành của những điều kiện thuận lợi. Mạng 5G là một trong những công cụ hỗ trợ thiết thực, nhất là khi ứng dụng những điểm mạnh vào việc phát triển chính phủ điện tử. Sử dụng tốc độ cao và độ trễ thấp của mạng 5G giúp tăng cường hiệu năng xử lý hồ sơ trên các Cổng dịch vụ công trực tuyến. Thêm vào đó, độ phủ sóng rộng của mạng 5G không chỉ giúp cho các Cổng dịch vụ công hoạt động thông suốt mà còn giúp nâng cao mức độ phổ biến của dịch vụ công trực tuyến. Không những vậy, những tính chất hoạt động nhanh, gọn, khả năng tự chống chịu trước những lỗ hổng của mạng 5G còn giúp củng cố vững chắc việc bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng dịch vụ công trực tuyến.
Tài liệu tham khảo:
https://aws.amazon.com/vi/what-is/5g/
https://shop.vnpt.vn/tin-tuc/giai-dap--toc-do-mang-5g-nhanh-hon-4g-bao-nhieu-lan-1104.html
https://thehackernews.com/2023/05/5-must-know-facts-about-5g-network.html
https://timesofindia.indiatimes.com/blogs/digital-mehta/pros-and-cons-of-5g-technology/
https://timestech.in/private-networks-and-5g-network-slicing/