Singapore đối phó với tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng như thế nào?

An toàn thông tin - Ngày đăng : 10:17, 31/10/2023

Lừa đảo trực tuyến đã bùng phát mạnh tại Singapore, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) bán hàng lẫn các tổ chức tài chính.
An toàn thông tin

Singapore đối phó với tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng như thế nào?

Ngọc Diệp {Ngày xuất bản}

Lừa đảo trực tuyến đã bùng phát mạnh tại Singapore, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) bán hàng lẫn các tổ chức tài chính.

picture1.png

Lừa đảo trực tuyến gia tăng tại Singapore

Trong một thế giới số hóa nhanh chóng, sự tiện lợi của mua sắm và ngân hàng trực tuyến đã cách mạng hóa cách người tiêu dùng tương tác với DN. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà hình thức mua sắm này mang lại, cũng đã xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo giăng bẫy người tiêu dùng. Các thủ đoạn lừa đảo, gian lận nổi lên như những mối đe doạ đáng kể, ngay cả những cá nhân thận trọng nhất cũng trở thành nạn nhân của tội phạm mạng.

Theo một khảo sát do Công ty công nghệ tài chính Revolut hợp tác với công ty nghiên cứu Dynata tiến hành với 1000 người Singapore trong độ tuổi từ 18 - 65+, hơn 20% số người tham gia khảo sát đã trở thành nạn nhân của gian lận mua sắm trực tuyến trong 6 tháng qua. Nhóm nhân khẩu học trẻ hơn, những người từ 18 - 34, bị lừa đảo trực tuyến cao nhất ở mức 52%. Ngược lại, nhóm người cao tuổi, từ 55 - 65 tuổi trở lên, ít gặp phải lừa đảo nhất với tỷ lệ 14%.

Các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn. Trong đó, loại hình lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất liên quan đến việc khách hàng mua các mặt hàng nhưng không bao giờ được giao. Ngoài ra, các hình thức khác bao gồm các trang web giả mạo đánh cắp thông tin thẻ tín dụng và những người bán hàng lừa đảo đánh cắp tiền của người tiêu dùng.

Về việc nhận biết các trang web hoặc các ưu đãi lừa đảo, gần một nửa (48%) số người Singapore tham gia khảo sát bày tỏ sự không chắc chắn hoặc thiếu tự tin vào khả năng xác định chúng. Điều thú vị là, những người được hỏi là nam giới thể hiện sự tự tin hơn so với nữ giới: 57% nam giới cảm thấy tự tin khi phát hiện ra giả mạo, so với 47% ở nữ giới.

Đáng kể 85% bày tỏ lo ngại về mức độ an toàn của các giao dịch trực tuyến. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy người Singapore rất dễ bị lừa đảo, với mức tổn thất trung bình hàng năm do gian lận là 1.648,52 đô la Singapore.

Đề xuất các công ty tài chính và viễn thông đền bù trong các vụ lừa đảo nếu không tuân thủ nghĩa vụ

Nhấn mạnh những lo ngại này, một báo cáo của CNA cho rằng các công ty tài chính và viễn thông Singapore có thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân bị lừa đảo nếu không tuân thủ nghĩa vụ.

Điều này được đưa ra sau khi Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm (IMDA) của Singapore công bố tài liệu lấy ý kiến tham vấn về cách chia sẻ tổn thất phát sinh từ các vụ lừa đảo phishing giữa các công ty liên quan và người tiêu dùng.

Khung trách nhiệm nói trên lần đầu tiên được đề cập vào tháng 2/2022 sau khi gần 800 khách hàng của ngân hàng OCBC bị lừa lấy cắp tổng cộng 13,7 triệu đô la Singapore. Lúc đó, MAS cho biết sẽ công bố dự thảo khung trách nhiệm để lấy ý kiến tham vấn của công chúng trong 3 tháng tới. Tuy nhiên, quy trình này rốt cục lâu hơn dự kiến do tính phức tạp của các vấn đề liên quan.

Tài liệu nhấn mạnh trách nhiệm chung, đề xuất các DN, chủ yếu là các tổ chức tài chính và viễn thông, nên chủ động tham gia phòng chống lừa đảo. Theo đó, "trách nhiệm ngăn chặn lừa đảo không chỉ thuộc về người tiêu dùng mà còn với các bên liên quan trong ngành”, chẳng hạn như các tổ chức tài chính (ngân hàng đầy đủ và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán có liên quan) và công ty viễn thông.

Tài liệu nhấn mạnh, các tổ chức tài chính đóng “vai trò quan trọng như người gác cổng chống lại dòng tiền chảy ra ngoài do lừa đảo”, trong khi các công ty viễn thông đóng “vai trò hỗ trợ” với tư cách là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng cho tin nhắn SMS.

Dựa trên lập luận đó, tài liệu đề xuất khung trách nhiệm chia sẻ trong các vụ lừa đảo dựa theo “cách tiếp cận thác nước”. Theo đó, trách nhiệm về các tổn thất tài chính sẽ đổ dồn bắt đầu các tổ chức tài chính, rồi đến các công ty viễn thông và cuối cùng mới đến người tiêu dùng, nếu các công ty này không đáp ứng các nghĩa vụ của họ như đã đặt ra trong khung trách nhiệm.

Những nghĩa vụ này bao gồm việc ngân hàng không gửi thông báo xác nhận giao dịch cho người tiêu dùng và các công ty viễn thông không triển khai bộ lọc lừa đảo tin nhắn SMS có kèm link chứa mã độc.

Các ngân hàng và các công ty viễn thông dự kiến sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường cho khách hàng trong các vụ lừa đảo phishing nếu họ không thực hiện nghĩa vụ tương ứng của mình. Nếu cả ngân hàng lẫn công ty viễn thông đều đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, người tiêu dùng sẽ phải chịu toàn bộ tổn thất.

Các hướng dẫn được đề xuất cũng nhấn mạnh sự thận trọng, kêu gọi người tiêu phải luôn cảnh giác và không nhấp vào bất kỳ đường link đáng ngờ và không mong muốn nào.

Theo MAS và IMDA, khung trách nhiệm được đề xuất hiện tại sẽ chỉ bao gồm các hành vi lừa đảo phishing được kích hoạt bằng kỹ thuật số có “mối liên hệ rõ ràng với Singapore”. Điều này có nghĩa là bất kỳ thực thể nào bị mạo danh trong các vụ lừa đảo phishing đều phải có trụ sở đặt ở Singapore hoặc các thực thể có trụ sở ở nước ngoài đang cung cấp dịch vụ cho người dân Singapore như SingPost hoặc DHL.

Các hành vi lừa đảo liên quan đến các khoản thanh toán có chủ ý (ví dụ: lừa đảo đầu tư) hoặc những hành vi lừa đảo mà thông tin xác thực được chia sẻ phi kỹ thuật số sẽ không được đưa vào. Mối đe dọa mới nổi về lừa đảo bằng phần mềm độc hại hiện cũng được loại trừ.

swindlers-are-transitioning-from-traditional-fraud-to-more-intricate-scams-1024x683.jpeg

Tuy nhiên, để phòng tránh lừa đảo trực tuyến, các nhà chức trách nhấn mạnh cách tốt nhất vẫn là người dân cần có hiểu biết và cảnh giác; tuân thủ những thực tiễn tốt nhất và hạn chế chia sẻ thông tin xác thực là điều tối quan trọng.

Kỷ nguyên lừa đảo mới: Điều hướng các hoạt động khai thác trên mạng xã hội

Gần đây, khi các tổ chức, DN sử dụng các công cụ phát hiện gian lận tiên tiến hơn, những kẻ lừa đảo đang chuyển từ các hình thức "lừa đảo" truyền thống sang các hình thức "lừa đảo" phức tạp, tinh vi hơn. Thống kê từ Lực lượng Cảnh sát Singapore cho thấy số nạn nhân bị lừa đảo tăng đáng kể 64,5% trong nửa đầu năm 2023 (22.339 nạn nhân) so với cùng khung thời gian của năm trước (13.576 nạn nhân). Trong số này, 55% bị thiệt hại lên tới 2000 đô la Singapore hoặc ít hơn.

Trong bối cảnh các vụ lừa đảo đang gia tăng trên toàn cầu, Aaron Elliot Gross, người đứng đầu bộ phận tội phạm và lừa đảo tài chính tại Revolut, nhấn mạnh xu hướng ngày càng tăng của các mạng lưới tội phạm tinh vi khai thác các kênh truyền thông xã hội để lừa đảo người dùng. Chúng triển khai các chiến thuật lôi kéo, chẳng hạn như lừa đảo núp bóng đầu tư tài chính, để dụ dỗ các cá nhân thực hiện giao dịch./.

Ngọc Diệp