Đa dạng hóa các sản phẩm để phát triển du lịch bền vững
Truyền thông - Ngày đăng : 18:27, 01/11/2023
Đa dạng hóa các sản phẩm để phát triển du lịch bền vững
Tại Việt Nam, chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch được thể hiện thông qua những hệ sinh thái du lịch đa dạng, đẳng cấp đang hình thành tại nhiều điểm đến, không chỉ thu hút du khách mà còn tạo nền tảng cho phát triển du lịch bền vững và hội nhập quốc tế.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ lâu đã trở thành một trong các chủ đề được nhắc tới thường xuyên ở những điểm đến du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới. Đi kèm với đó là những cách triển khai mang đậm dấu ấn, bản sắc của mỗi địa phương.
Việt Nam ta có hàng chục nghìn di tích và các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, trong đó nhiều di sản có lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm, nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp nổi tiếng và được xếp hạng quốc gia và cả quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm và các trung tâm, khu du lịch và loại hình du lịch có tính đặc sản và độc đáo cao, đồng thời hết sức đa dạng, đa sở hữu, có quy mô lớn, tầm vóc quốc gia và khu vực, để thông qua du lịch mang Việt Nam và các sản phẩm du lịch Việt Nam đến với thế giới, cũng như mang tinh hoa thế giới đến với Việt Nam.
Mỗi địa phương một sản phẩm đặc trưng
Hiện nay, các địa phương trên cả nước đã và đang tập trung hoàn thiện, nâng chất lượng điểm đến và các chương trình du lịch hiện có, triển khai hiệu quả các dòng sản phẩm du lịch chủ lực theo chiến lược phát triển du lịch gắn với văn hóa, nghệ thuật, du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng, du lịch y tế, thể thao và nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực…
Riêng về lĩnh vực du lịch nông nghiệp, với lợi thế hiện có của 63 tỉnh thành, có thể phát triển ít nhất 63 sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Cụ thể, Đồng bằng Bắc Bộ có thể tập trung khai thác các tour làng nghề, nghề trồng lúa nước, văn hóa làng quê…
Miền Trung du và miền núi Bắc Bộ, có thể tạo điểm nhấn với nông nghiệp vùng cao như ruộng bậc thang, cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người. Miền Duyên hải miền Trung cần đề cao đời sống ngư dân, diêm dân… Miền cao Tây Nguyên định hướng phát triển các tour trang trại cà phê, hoa lan…
Miền Tây Nam bộ nhờ thiên nhiên ưu đãi tạo nên những đặc điểm văn hóa miệt vườn vô cùng độc đáo. Miền Đông Nam Bộ phát triển các nghề mang đậm dấu ấn thời còn khai hoang mở đất như nấu rượu, làm gốm, làm lu..., đồng thời khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn.
Về du lịch văn hóa lịch sử, Việt Nam có một lịch sử lâu đời hàng ngàn năm, trải qua các thời kỳ phong kiến, thuộc địa, các cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và ngày nay đang xây dựng đất nước, hội nhập toàn diện và sâu rộng với khu vực và quốc tế… Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư gồm 54 dân tộc cùng sinh sống trên một mảnh đất với địa hình khác nhau (bờ biển, đồng bằng, trung du, miền núi) với phong tục, tập quán khác nhau đã tạo nên một nền văn hóa phong phú, đặc sắc có sức cuốn hút đặc biệt đối với du khách.
Về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đây là loại hình du lịch tạo ra mối quan hệ hữu cơ, hòa đồng giữa con người với thiên nhiên, thúc đẩy ý thức trách nhiệm của con người đối với việc bảo vệ môi trường. Việt Nam là một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có tiềm năng dồi dào cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái. Với hơn 3.200km bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam, Việt Nam có hàng trăm bãi tắm đẹp với những bãi cát mịn và làn nước xanh, như bãi tắm Vũng Tàu, Trà Cổ, Nha Trang, Mũi Né, Mũi Ngọc, Bãi Cháy, Sầm Sơn, Cửa Lò… cùng các đảo và quần đảo rộng lớn, như Phú Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa…
Bên cạnh đó, nước ta còn có hệ thống rừng đặc dụng với 164 khu, với tổng diện tích gần 2,3 triệu héc-ta. Hầu hết các khu rừng đặc dụng đều có phong cảnh đẹp, nguồn động vật, thực vật phong phú, hệ sinh thái, cảnh quan đặc thù, gắn với các giá trị về văn hóa. Nhiều khu rừng đặc dụng có tiềm năng lớn là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học, như rừng Cát Tiên ở Đồng Nai, Vồ Dơi ở Cà Mau; miền Trung có Phong Nha - Kẻ Bàng, miền Bắc có Cúc Phương, Ba Vì…
Chú trọng phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù
Trong thời gian tới cần có sự quy hoạch, sàng lọc, nghiên cứu và đầu tư, xây dựng và quảng bá thương hiệu bài bản nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, có quy mô và tính chất đặc trưng, độc đáo, làm sao để có sản phẩm du lịch cấp quốc gia và cấp địa phương, có tính liên kết cao hướng đến mọi loại nhu cầu và đối tượng thụ hưởng, trong đó tập trung vào những sản phẩm phát huy được các thế mạnh, bản sắc địa phương, vùng và cả nước và có tính hấp dẫn cao.
Đồng thời, nên quan tâm phát triển loại hình du lịch đồng quê, bình dân, trong đó du khách có thể cùng ăn ngủ và giao lưu chan hoà trong gia đình và cộng đồng người dân bản địa để cảm nhận và hiểu biết sâu hơn đời sống văn hoá - xã hội địa phương, nhất là các sinh viên và tầng lớp dân cư giữa các miền, vùng trong nước và quốc tế…
Bên cạnh các sản phẩm-tour du lịch đó, cần phát triển các sản phẩm, hiện vật lưu niệm cụ thể ngày càng đa dạng, đặc sắc, tạo nhu cầu chi tiêu cho khách du lịch, nhất là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, những đặc sản làng quê và những kỷ vật có tính độc đáo và giá trị nhân văn, lịch sử…
Ngoài ra, cần dành trọng tâm đầu tư phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù mới ở các vùng biển đảo, biên giới, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và du lịch sinh thái-văn hoá-nghỉ dưỡng, các hội chợ và lễ hội du lịch trên nhiều cấp độ và quy mô khác nhau, kết hợp với Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội làng nghề Tiểu thủ công nghiệp, Làng Văn hoá ẩm thực, Lễ hội hoa và triển lãm sinh vật cảnh …