Việt Nam - Hà Lan: Kỳ vọng khởi đầu mới, đột phá mới về hợp tác công nghệ cao

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:54, 02/11/2023

"Chúng tôi cam kết là các bạn đầu tư vào Việt Nam thì sẽ thành công, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao (CNC), kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, chuyển đổi số (CĐS)… Việt Nam sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trong bất cứ hoàn cảnh nào".
Chuyển đổi số

Việt Nam - Hà Lan: Kỳ vọng khởi đầu mới, đột phá mới về hợp tác công nghệ cao

AD {Ngày xuất bản}

"Chúng tôi cam kết là các bạn đầu tư vào Việt Nam thì sẽ thành công, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao (CNC), kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, chuyển đổi số (CĐS)… Việt Nam sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trong bất cứ hoàn cảnh nào".

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp CNC Việt Nam - Hà Lan chiều ngày 2/11, tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Samsung ở Hà Nội. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tham dự Diễn đàn.

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức. Tham dự sự kiện có lãnh đạo các bộ ngành, địa phương của hai nước cùng gần 30 doanh nghiệp (DN) công nghệ cao hàng đầu Hà Lan tháp tùng Thủ tướng Mark Rutte trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này, và các DN, tập đoàn lớn của Việt Nam.

img5998-16989110842731009739845.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tham dự Diễn đàn DN CNC Việt Nam - Hà Lan.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mark Rutte đã chứng kiến lễ trao các văn kiện thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan, DN của hai nước. Các ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, Việt Nam - Hà Lan có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ nhiều thế kỷ. Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước đã chuyển từ đối tác viện trợ là chủ yếu sang các khuôn khổ đối tác toàn diện và đối tác chiến lược theo lĩnh vực và được đánh giá là điển hình của mối "quan hệ năng động và hiệu quả" giữa hai khu vực Á - Âu.

Hơn một thập kỷ qua, quan hệ Việt Nam - Hà Lan đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc. Hai nước đã trở thành Đối tác Chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (2014), nâng cấp lên Đối tác Toàn diện (2019). Hiện nay, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên minh châu Âu (EU) và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu.

Tuy nhiên, hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau và một trong những dư địa cần phải khai thác mạnh mẽ chính là khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST).

img6010-16989110847222113548264.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng tôi cam kết là các bạn đầu tư vào Việt Nam thì sẽ thành công, nhất là trong các lĩnh vực CNC, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, CĐS…

Việt Nam có tiềm năng lớn và điều kiện thuận lợi để tiến đến vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bày tỏ ấn tượng với số lượng đông đảo đại biểu tham gia diễn đàn, đại diện cho cộng đồng DN đến từ nhiều nước, nhiều nền kinh tế như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…

Thủ tướng Hà Lan đã gọi Thủ tướng Phạm Minh Chính là "người bạn thân thiết" và nhắc lại chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Lan vào tháng 12/2022. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC) ở thành phố Eindhoven, nơi tập trung các DN công nghệ hàng đầu của Hà Lan.

Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ ấn tượng với các mô hình của Hà Lan, như seaport (cảng biển), airport (cảng hàng không) và nay là mô hình brainport, đồng thời đề nghị Hà Lan tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, ĐMST, như hỗ trợ xây dựng một brainport tại Hà Nội theo mô hình brainport tại Eindhoven.

Thủ tướng Hà Lan vui mừng khi chỉ sau 11 tháng, trong chuyến thăm lần này, ông đã chứng kiến Việt Nam có Trung tâm ĐMST Quốc gia, cùng các trung tâm nghiên cứu, phát triển như của Samsung.

Thủ tướng Hà Lan cho biết triển khai đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các DN công nghệ cao của Hà Lan đã bắt đầu đến Việt Nam. Ông tin rằng sẽ có ngày càng nhiều hơn các DN như vậy đến Việt Nam vì Việt Nam có tiềm năng rất lớn và điều kiện thuận lợi để tiến đến vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

img6003-16989110843661353430556.jpeg
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đánh giá Diễn đàn là cơ hội để kết nối những đơn vị hàng đầu trong hệ sinh thái công nghệ cao của cả hai nước.

Đánh giá Diễn đàn là cơ hội để kết nối những đơn vị hàng đầu trong hệ sinh thái CNC của cả hai nước, Thủ tướng Mark Rutte cho biết phía Hà Lan không chỉ muốn tìm hiểu, nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới mà còn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái CNC với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Mark Rutte cũng đánh giá cao tầm nhìn và kế hoạch của Việt Nam trong việc xây dựng các khu CNC và trung tâm ĐMST. Ông tin rằng đây là bước khởi đầu trong kỷ nguyên hợp tác giữa hai nước, không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống mà còn trong lĩnh vực CNC, với sự tham gia tích cực của tất cả các bên, bao gồm các DN, trường đại học, viện nghiên cứu và cơ quan Nhà nước…

Đầu tư CNC vào Việt Nam sẽ thành công

Trong khi đó, về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và là một nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng; đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt mục tiêu này, bên cạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, Việt Nam đã xác định thúc đẩy ĐMST, ứng dụng mạnh mẽ KHCN là lựa chọn mang tính đột phá chiến lược, là đòi hỏi khách quan, là động lực phát triển mới, trên cơ sở 3 trụ cột là: xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn (thu - chi, xuất - nhập khẩu, cân đối năng lượng, lương thực thực phẩm, lao động); tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao… (dự kiến đến năm 2030 sẽ đào tạo 100.000 nhân lực cho lĩnh vực CNC, nhất là lĩnh vực chip bán dẫn), qua đó tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho DN.

Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn, minh bạch; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Với phương châm "lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá", chính sách nhất quán của Việt Nam là kêu gọi đầu tư, mở cửa thị trường với tất cả các đối tác, DN trên toàn thế giới. Trong đó, hợp tác kinh tế, KHCN, đầu tư và ĐMST với các DN hàng đầu châu Âu như Hà Lan là ưu tiên.

img6006-1698911084529807462519.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn CNC của Hà Lan tham khảo kinh nghiệm của Samsung, tiếp tục tích cực phối hợp với phía Việt Nam để mở rộng các hoạt động hợp tác, đầu tư, tích cực góp ý hoàn thiện chính sách, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị hiện đại…; cùng nhau triển khai các hoạt động hợp tác kinh doanh hiệu quả, thành công, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các DN Hà Lan sớm có kế hoạch cụ thể để đầu tư và kết nối với các DN Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp CNC, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, thích ứng với biến đổi khí hậu… thông qua các dự án công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh hợp tác với Trung tâm ĐMST Quốc gia và các khu CNC của Việt Nam.

"Chúng tôi cam kết là các bạn đầu tư vào Việt Nam thì sẽ thành công, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, chuyển đổi số… Việt Nam sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh.

Đồng tình với Thủ tướng Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng đây là sẽ dấu mốc cho sự khởi đầu mới, đột phá mới trong quan hệ giữa Việt Nam - Hà Lan cũng như quan hệ 3 bên giữa Việt Nam - Hà Lan với các đối tác khác như Hàn Quốc./.

AD