FPT giúp nhiều doanh nghiệp ở Hà Lan chuyển đổi số
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 21:06, 02/11/2023
FPT giúp nhiều doanh nghiệp ở Hà Lan chuyển đổi số
Ngày 2/11, Thủ tướng Hà Lan và Việt Nam đã gặp gỡ các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn của Việt Nam, Hà Lan, Hàn Quốc,... tại Diễn đàn Công nghệ cao (CNC) do Đại sứ quán Hà Lan tổ chức tại Hà Nội.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chia sẻ: "Hôm nay, khi có vinh dự trở lại Việt Nam, tôi vô cùng ngạc nhiên với sự phát triển của các khu công nghẹ cao của Việt Nam chỉ sau một năm".
Lần trở lại Việt Nam này, trong phái đoàn có nhiều công ty đến từ hệ sinh thái CNC của Hà Lan, mang đến cơ hội kinh doanh mới và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam. Thủ tướng Hà Lan hy vọng ngày hôm nay sẽ là bước mở đầu cho kỷ nguyên mới giữa 2 nước, không chỉ trong ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu, mà còn mở rộng ra các ngành nghề CNC như sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn...
Đáp lại lời Thủ tướng Mark Rutte, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cho biết: “Ngài Mark là người bạn thân, người bạn lớn của Việt Nam. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Mark tới Việt Nam, bằng việc này, chúng ta có thêm niềm tin, điều kiện để thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 nước ngày càng tốt hơn. Cảm ơn các doanh nghiệp (DN) Hà Lan, DN Hàn Quốc,... đã và đang đầu tư tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa các cơ hội hợp tác của các ngành CNC. Tôi tin đây là sự khởi đầu mới cho sự hợp tác giữa cả 3 nước Việt Nam, Hà Lan và Hàn Quốc".
Diễn đàn tập trung thảo luận về các chủ đề: Việt Nam tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị CNC - góc nhìn từ các DN toàn cầu; Phát triển và nuôi dưỡng nhân tài CNC Việt Nam - chiến lược và khuyến nghị.
Tham gia tọa đàm với tư cách là một trong những đại diện DN công nghệ hàng đầu, hoạt động tại 30 quốc gia toàn cầu, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược phát triển các ngành CNC và cam kết của Tập đoàn trong việc đào tạo nhân tài trong lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.
Ông Trương Gia Bình cho biết, để trở thành Tập đoàn với gần 70.000 nhân sự hoạt động tại 30 quốc gia như hôm nay, đầu tiên, cái FPT có là sự đam mê. Đam mê đó thể hiện trong tầm nhìn của chúng tôi, đó là góp phần đưa Việt Nam phát triển thịnh vượng. Các DN Việt hãy vươn ra toàn cầu và tìm kiếm những cơ hội mới.
"Cuối năm nay, chúng tôi sẽ đạt doanh thu 1 tỷ đô từ thị trường nước ngoài, 5 năm nữa dự kiến doanh thu 5 tỷ đô. Rất khó để chúng tôi đạt được điều này nếu chỉ dừng lại ở thị trường Việt Nam. Lời khuyên cuối cùng của tôi là công nghệ. DN cần ứng dụng, kết hợp năng lực với công nghệ mới nhất như AI, chip, big data… để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển", ông Bình chia sẻ.
Để làm được điều này, sở hữu nguồn nhân lực tài năng là điều kiện quan trọng. Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam sở hữu 104 triệu dân số ở độ tuổi vàng, có tiềm năng trở thành trung tâm nguồn lực công nghệ của thế giới.
Ông Trương Gia Bình khẳng định, người Việt Nam có truyền thống yêu toán, yêu công nghệ, số lượng kỹ sư CNTT khoảng 1 triệu người và tăng đều đặn từng năm. Khả năng cung ứng nhân sự liên tục và ổn định này giúp các đối tác, khách hàng có thể thực hiện các dự án dài hạn một cách hiệu quả, không gặp đứt quãng. Tiềm năng của Việt Nam có thể đứng Top 5, Top 10 thế giới về CNTT, điểm đến mới về công nghệ cao toàn cầu.
"Để làm được điều này, trước tiên chúng ta cần truyền cảm hứng cho các thế hệ kế cận. Nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam cần được đào tạo và rèn luyện trong những điều kiện thuận lợi", ông Bình khẳng định.
Trong 10 năm gần đây, FPT liên tục tăng trưởng, tập trung và mở rộng phát triển dịch vụ, giải pháp CNC như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), đám mây (cloud)... trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, FPT cũng có nền tảng FPT.AI, được vinh danh là Top 1 nền tảng AI toàn cầu năm 2023. FPT đã thành lập văn phòng tại Hà Lan từ năm 2022, có đội ngũ hơn 1.000 kỹ sư tại Châu Âu và 3 vạn kỹ sư trên toàn cầu và đã giúp nhiều DN ở Hà Lan chuyển đổi số./.