Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời đại mới

Truyền thông - Ngày đăng : 13:55, 03/11/2023

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Truyền thông

Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời đại mới

T.Đ.H {Ngày xuất bản}

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đang trở thành một yêu cầu cấp thiết. Nhiều quốc gia phát triển CNVH ở mức chuyên nghiệp, nhất là ở các nước phát triển - đã áp dụng mô hình văn hóa mở đường cho các hoạt động kinh tế. Các ngành CNVH là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng và là trọng tâm được nhiều nước quan tâm, coi đó là lĩnh vực đột phá trong chiến lược phát triển quốc gia.

Để phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã thúc đẩy phát triển 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Du lịch văn hóa.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 05 năm triển khai thực hiện Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được một số thành tựu nhất định, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, lao động, việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh.

186.jpg
Biểu diễn Quan họ trên dòng sông di sản Tràng An, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh minh họa)

Việt Nam là quốc gia có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, nhiều địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, thể thao và du lịch theo kế hoạch được phê duyệt. Có sự kết hợp, lồng ghép các nhiệm được giao tại Chiến lược với một số kết quả nổi bật, đóng góp chung vào thành tích của các địa phương.

Trong đó, Thủ đô Hà Nội được lựa chọn là thành viên Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững; TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh. Nhiều dự án, chương trình âm nhạc đi vào đời sống không chỉ là hoạt động nghệ thuật mà còn là hoạt động dịch vụ, thương mại, kinh doanh với nhiều mô hình đa dạng.

Ở TP. Đà Nẵng, nhiều đề án, chương trình, kế hoạch đã được ban hành để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như Đề án Phát triển thiết chế văn hóa đến năm 2025, Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025…

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sự dồi dào của hàng hóa - dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế chính là sức mạnh mềm văn hóa quan trọng của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống người dân, cũng như mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá đất nước.

Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo. Chính vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nhập cuộc với xu thế thời đại, vươn lên nắm lấy vị trí của một quốc gia có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Cần triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước, cần triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có một số nhiệm vụ chính như:
Thứ nhất, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa đối với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo những giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, để văn hóa và con người Việt Nam thực sự trở thành nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững.

Thứ hai, cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đó có thể là luật về hiến tặng và tài trợ để huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa nghệ thuật; các cơ chế về đất, thuế và địa vị pháp lý cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật.

Điều quan trọng, để tạo ra các chính sách thu hút nguồn lực chính là việc chúng ta cần phải coi đầu tư vào văn hoá là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực "tiêu tiền", thậm chí đem lại nhiều tiền cho đất nước. Chỉ từ nhận thức như vậy, chúng ta mới hình thành các chính sách thu hút nguồn lực phù hợp.

Thứ ba, cần tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước. Triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu với đầy đủ các nội dung về di sản văn hóa, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa để quản lý, kết nối chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước. Lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa với thế giới kết hợp với du lịch, các hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiệu quả ngoại giao văn hóa. Mở rộng các hoạt động giao lưu đối ngoại và hợp tác quốc tế về văn hóa, tập trung nâng cao hiệu quả công tác giao lưu, đối ngoại văn hóa, hợp tác với các địa phương, cơ quan, các tổ chức của Trung ương và quốc tế. Xác lập thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại quốc gia, giới thiệu tại các hội chợ quốc tế, liên hoan du lịch quốc tế và các hoạt động quốc tế khác…

T.Đ.H