Đông Nam Á tích cực xây dựng Thành phố sáng tạo đạt chuẩn UNESCO

Truyền thông - Ngày đăng : 14:00, 03/11/2023

Khi tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO, các thành phố đó đã đặt văn hóa và sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, chìa khoá của quy hoạch phát triển đô thị. Từ đó, khẳng định vị thế, làm cho các thành phố an toàn, có khả năng phục hồi, hòa nhập, bền vững, người dân hạnh phúc và phát triển phù hợp với tương lai.
Truyền thông

Đông Nam Á tích cực xây dựng Thành phố sáng tạo đạt chuẩn UNESCO

T.Đ.H {Ngày xuất bản}

Khi tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO, các thành phố đó đã đặt văn hóa và sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, chìa khoá của quy hoạch phát triển đô thị. Từ đó, khẳng định vị thế, làm cho các thành phố an toàn, có khả năng phục hồi, hòa nhập, bền vững, người dân hạnh phúc và phát triển phù hợp với tương lai.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ra đời năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là động lực, yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững. UCCN xét yếu tố sáng tạo của các thành phố trên các lĩnh vực: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông, điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, văn học và âm nhạc.

Hiện nay, mạng lưới thành phố sáng tạo (TPST) của UNESCO có 246 thành phố, trong đó khu vực Đông Nam Á có khoảng hơn 10 thành phố. Các TPST cùng hướng tới một mục tiêu chung: đặt sáng tạo và các ngành Công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.

Khi tham gia mạng lưới này, các thành phố cam kết chia sẻ những thực hành tốt nhất, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác với khu vực công và tư cũng như các tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhằm tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm và cá nhân yếu thế và dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững.

Không chỉ là thương hiệu/danh hiệu, mà điều quan trọng là khi tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO, các thành phố đó đã đặt văn hóa và sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, chìa khoá của quy hoạch phát triển đô thị. Từ đó, khẳng định vị thế, làm cho các thành phố an toàn, có khả năng phục hồi, hòa nhập, bền vững, người dân hạnh phúc và phát triển phù hợp với tương lai.

Những thành phố sáng tạo của Đông Nam Á đậm đà bản sắc văn hóa

Tại Đông Nam Á hiện nay, thành phố sáng tạo chủ yếu trong lĩnh vực thủ công nghiệp và thiết kế. Các thành phố sáng tạo Singapore và Chiang Mai (Thái Lan) được đánh giá thực hành tốt với sự sáng tạo vì “tăng trưởng bền vững và khởi nghiệp”. Không chỉ giúp xây dựng thương hiệu thành phố, các thành phố sáng tạo UNESCO là một nền tảng quan trọng để truyền cảm hứng cho các tầm nhìn chiến lược mới và kích thích môi trường thuận lợi cho các thành phố trong tương lai.

Singapore là một thành phố quốc đảo hiện đại với diện tích 700 km2, nơi thiết kế đóng vai trò quan trọng khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Là một quốc gia tương đối trẻ với khát vọng to lớn nhưng do đất đai và tài nguyên thiên nhiên hạn chế, các khía cạnh quản trị trọng yếu từ: nhà ở đến giáo dục, y tế, quản lý nước và giao thông… phải được thiết kế để tạo ra một tương lai thịnh vượng và bền vững cho người dân.

Singapore đã hoàn thành một kế hoạch tổng thể hướng tới việc duy trì lĩnh vực thiết kế. Sáng kiến này là một chiến lược ba mũi nhọn. Trong 6 năm, thành phố này đã nâng cao năng lực địa phương của các chuyên gia thiết kế để cạnh tranh toàn cầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng thiết kế như một động lực tăng trưởng bền vững về kinh tế và xã hội của thành phố và phát triển đổi mới, nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành ở cấp độ quốc tế.

Còn ở Chiang Mai (Thái Lan) thành phố đậm đà bản sắc văn hóa với bề dày lịch sử hơn 720 năm, đặc biệt là lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Sức hấp dẫn đặc biệt và bản sắc độc đáo của Chiang Mai đã truyền cảm hứng cho nhiều nhóm người khác nhau tìm kiếm cơ hội để phát triển hơn nữa và sử dụng các khía cạnh giá trị nhất của vốn văn hóa thành phố, nhằm tạo ra thu nhập và phục hồi kinh tế của cộng đồng địa phương thông qua sáng tạo, đồng thời thúc đẩy bảo tồn bền vững.

Sự khởi xướng của “Dự án Sáng kiến Thành phố Sáng tạo Chiang Mai cho Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO - Thủ công và nghệ thuật dân gian” của Tổ chức hành chính tỉnh Chiang Mai, những người thợ thủ công từ nhiều bối cảnh khác nhau, nhiều thế hệ và các nhóm dân tộc khác nhau, với những bản sắc nghệ thuật và sáng tạo độc đáo đã giúp thành phố đạt được những dấu mốc quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy các nghề thủ công và nghệ thuật dân gian. Thậm chí như một động lực thúc đẩy và duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế sáng tạo của Chiang Mai.

hoi-an.png
Hội An (Việt Nam)- TPST vừa được UNESCO công nhận. (Ảnh: Internet)

Việt Nam xây dựng những TPST tiêu điểm của khu vực

Việt Nam có Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo từ tháng 10/2019 và mới đây (10/2023), thêm hai thành phố nữa của Việt Nam được công nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO là Đà Lạt trong lĩnh vực âm nhạc và Hội An trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế xã hội Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Đối với Đà Lạt, trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc là một tin vui ý nghĩa trong bối cảnh năm 2023, thành phố kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển. Thành phố mong muốn bên cạnh du lịch, tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là âm nhạc sẽ đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết các nhóm xã hội, dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong khi đó, với nguồn vốn văn hóa giàu có, đa dạng, độc đáo được kết tinh từ lịch sử hàng trăm năm, là điểm giao thoa của nhiều nền văn hóa, Hội An được coi là nơi nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của cộng đồng. Phát huy truyền thống kết nối Đông -Tây, tích cực sử dụng các giải pháp sáng tạo nhằm định vị thương hiệu quốc tế, trong vai trò mới là Thành phố sáng tạo UNESCO lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Hội An tin rằng, thành phố sẽ trở thành một trong những tiêu điểm ở châu Á lan tỏa sự bình yên từ sức sáng tạo bền vững.

Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, mỗi hai năm sẽ có tối đa hai thành phố Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN với mục tiêu sẽ có từ 4 đến 6 thành phố được công nhận là Thành phố sáng tạo UNESCO.

T.Đ.H