Chung tay chống biến đổi khí hậu - Vì một Đông Nam Á thịnh vượng
Truyền thông - Ngày đăng : 14:01, 03/11/2023
Chung tay chống biến đổi khí hậu - Vì một Đông Nam Á thịnh vượng
Các nước khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực chung tay để giảm thiểu những tác động của thiên tai, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.
Biến đổi khí hậu là vấn đề chung tại các quốc gia Đông Nam Á cũng như Việt Nam hiện nay. Ba tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu là lũ lụt, nắng nóng và hạn hán. Theo SCMP (tờ báo bằng tiếng Anh của Hồng Kông), biến đổi khí hậu đang quét qua các vùng đất và cuộc sống của chúng ta; và kể từ năm 2012, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trải qua hơn 4.000 đợt lũ lụt, lốc xoáy, bão, hạn hán nghiêm trọng và các thảm họa khác liên quan đến khí hậu.
Những thảm họa do biến đổi khí hậu
Theo các nhà khoa học, sự nóng lên toàn cầu sẽ tác động đáng kể đến hiệu quả lao động và năng suất ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, trước năm 2045. Nhiệt độ ngày càng tăng sẽ làm gia tăng khả năng "stress nhiệt" qua từng năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ người lao động mà nó còn có những ảnh hưởng cực xấu đến nền kinh tế. Singapore và Malaysia sẽ là 2 quốc gia gánh chịu thiệt hại tồi tệ nhất, với khả năng giảm năng suất lên đến 25%. Con số này được ước tính khác nhau ở mỗi quốc gia, chẳng hạn Indonesia được dự báo giảm 21% năng suất, Campuchia cùng Philippines là 16%, Thái Lan và Việt Nam ở mức 12%.
Theo Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) phát hành một bản báo cáo dự đoán rằng, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên trong khu vực Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Cụ thể, thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán và bão, có thể ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi, năng suất phát triển cây trồng, suy thoái đất, mất hệ sinh thái và tài nguyên nước. Điều này có tác động xấu đến các nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên. Những tác động của khí hậu cũng đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương, vốn gắn liền với sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt nghiêm trọng, khí hậu nóng lên đe dọa sinh kế tại khu vực Đông Nam Á. Sự suy thoái của các rạn san hô phần nào làm giảm lượng khách du lịch, giảm trữ lượng cá, đồng thời khiến người dân sống tại vùng ven biển dễ bị tổn thương hơn trước những cơn bão. Ngoài ra, mực nước biển dâng cũng có thể khiến suy giảm 12% lượng lúa gạo sản xuất. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu cũng đưa ra cảnh báo rằng những người sống ở các vùng ven biển của châu Á có thể phải đối mặt với một số các tác động xấu nhất của sự nóng lên toàn cầu, hàng triệu người có thể sẽ bị mất nhà cửa do lũ lụt và nạn đói.
Đầu năm 2023, những đợt nắng nóng bất thường diễn ra tại một số nước. Theo các chuyên gia khí tượng, người dân Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia đang đối mặt với nền nhiệt cao nhất nhiều năm qua. Tại Thái Lan, Cục Khí tượng Thái Lan cho biết, riêng trong tháng 4/2023, nhiệt độ đã tăng lên mức cao kỷ lục hơn 50 độ C tại thủ đô Bangkok, 44,6 độ C tại miền Tây của tỉnh Tak.
Đến những tháng cuối năm 2023 thì lũ lụt ở Thái Lan dâng cao, cháy rừng ở Indonesia gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, lan sang cả Singapore. Còn Việt Nam thì liên tục trải qua mưa lũ, sạt lở từ Tây Nguyên ra tới miền Bắc.
Khu vực Đông Nam Á vừa trải qua một mùa thu bất thường, một trong những nơi chịu tổn thương nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Với địa hình da dạng từ đất liền đến các quốc đảo, Đông Nam Á hứng chịu những loại thiên tai dữ dội nhất. Không còn cách nào khác để cộng đồng ASEAN an toàn là cùng chia sẻ, nắm tay nhau để ứng phó sớm.
Cùng hành động chống biến đổi khí hậu
Trước những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Cơ quan Quản lý thảm họa của ASEAN đã được thiết lập và ban hành một thỏa thuận khu vực, bao gồm Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp giai đoạn 2021-2025 và Tầm nhìn ASEAN 2025 về Quản lý thiên tai.
Theo đó, các nước trong khối ASEAN sẽ tăng cường từ việc chia sẻ thông tin, thiết lập những kênh kết nối ở các cấp đến những chương trình hợp tác về đào tạo, phổ biến các hướng tiếp cận tiên tiến; tới những cam kết, ký kết các hiệp định để cùng nhau ứng phó tốt hơn với thiên tai thông qua các cơ chế hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả, ASEAN đã hình thành Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo Quản lý thiên tai (AHA); Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN (ADMER), Chương trình tổng thể công tác của Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER) cho từng giai đoạn.
Các quốc gia trong khu vực bên cạnh việc cứu trợ người dân sau khi thiên tai diễn ra, các quốc gia ASEAN cần chung tay, tạo dựng một hành lang để ban hành cơ chế hành động sớm, nhằm hỗ trợ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương dựa trên khung thời gian dự báo, cảnh báo sớm từ các cơ quan chuyên môn. Điều này sẽ giúp công tác chuẩn bị, ứng phó thiên tai hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí phục hồi sau thiên tai và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai, chuyển từ bị động sang thế chủ động.
Năm 2023 đánh dấu cột mốc 20 năm thành lập Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, nhưng từ trước đó rất lâu, ASEAN đã chú trọng và dồn nhiều tâm huyết, nguồn lực đến công tác này. Các quốc gia ASEAN với tinh thần đoàn kết, củng cố lòng tin chiến lược, chân thành hợp tác trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi.
Nhận thức được sự ưu việt và tiến bộ của Hành động sớm trong quản lý thiên tai, ASEAN cùng các đối tác đối thoại cũng đã xây dựng và thông qua Khung ASEAN về hành động sớm trong quản lý thiên tai để định hướng và triển khai các sáng kiến, hỗ trợ hành động sớm dựa vào dự báo, cảnh báo, đẩy nhanh nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, giàu khả năng chống chịu, hướng tới mục tiêu trở thành cơ chế đi đầu trong quản lý thiên tai.