Nhân lên nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam nhờ thương mại điện tử

Truyền thông - Ngày đăng : 17:34, 03/11/2023

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành xu hướng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chủ động đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Truyền thông

Nhân lên nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam nhờ thương mại điện tử

P.V {Ngày xuất bản}

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành xu hướng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chủ động đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử trở thành xu hướng

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, xuất khẩu thông qua các nền tảng TMĐT đang trở thành xu hướng được các doanh nghiệp cũng như các quốc gia quan tâm. Tính trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam đạt hơn 80.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách cho rằng, kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam dự kiến có thể đạt đến gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027, nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.

anh-3.jpg
Amazon Global Selling Việt Nam chính thức khai mạc Hội nghị TMĐT xuyên biên giới lần thứ năm tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam cho biết, nhờ thương mại điện tử, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam gia tăng đáng kể, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn sau dịch COVID-19 và suy giảm cầu hàng hóa trên thị trường thế giới.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương cho biết: “TMĐT là một phương thức kinh doanh mà chúng tôi cảm thấy rất hiệu quả trong những năm gần đây. TMĐT giúp kết nối giữa doanh nghiệp và người bán rất nhanh chóng. Thay vì như trước đây doanh nghiệp tham gia các cuộc triển lãm ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm kênh tiêu thụ, mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều chi phí, thì với TMĐT, sản phẩm của chúng tôi được tiếp cận với khách hàng nhanh hơn và khách hàng có thể mua sản phẩm của chúng tôi đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới”.

Hiện nay, cụ thể hóa Quyết định 1968/QĐ-TTg (ngày 22/11/2021), Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công thương triển khai nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác, kết nối với các nền tảng TMĐT. Qua đó, các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận tới các nền tảng thương mại điện tử khổng lồ, đã phát triển mang tầm quốc tế như Amazon, Walmart, Alibaba,… vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường. Doanh nghiếp sẽ gặp phải nhiều quy định khắt khe của thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải nắm bắt được những quy định của từng thị trường và quy định với những loại hàng hoá khác nhau. Đồng thời, tuân thủ đúng hành lang pháp lý khi kinh doanh trên môi trường quốc tế.

Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nghiên cứu thị trường để đáp ứng đúng sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài; chưa đủ các kỹ năng, kiến thức về marketing trong TMĐT xuyên biên giới; chưa có đội ngũ chuyên nghiệp xây dựng định hướng và chiến lược kinh doanh dài hạn.

Bên cạnh các chi phí sản xuất, phân phối thông thường còn có các chi phí về marketing, chi phí vận tải, chi phí lưu kho… Doanh nghiệp cần nắm rõ quy trình vận hành logistics trong TMĐT xuyên biên giới, phương án bảo quản hàng hoá hiệu quả, tính toán được phương án logistics tối ưu, chi phí thấp để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất.

Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh trên nền tảng thương mại điện tử

Để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, vươn ra thị trương quốc tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định, nghị định và văn bản.

san-sang-nguon-nhan-luc-de-thuc-day-xuat-khau-truc-tuyen.jpg
Các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu.

Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, với rất nhiều giải pháp như nâng cao năng lực, đào tạo ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp đến các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số, mở website, tham gia các sàn TMĐT hoặc những chương trình TMĐT thường niên để kích cầu thị trường, mở rộng thị trường bán hàng xuyên biên giới thông qua TMĐT.

Cùng với đó, Quyết định số 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối toàn cầu, trong đó coi hỗ trợ doanh nghiệp tham gia bán hàng TMĐT xuyên biên giới mà một giải pháp cốt lõi.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, Bộ Công thương đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại. Mục tiêu là tập trung xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Nhằm nâng cao năng lực canh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương đang phối hợp với sàn TMĐT Alibaba.com, xây dựng và phát triển “Gian hàng quốc gia Việt Nam” - Vietnam Pavilion trên sàn TMĐT Alibaba.com. Mục đích là để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam tới khách hàng quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra thế giới.

Sàn TMĐT này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu vì có hơn 260 triệu người dùng, 47 triệu nhà mua hàng, doanh nghiệp trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo kế hoạch, “Gian hàng quốc gia Việt Nam” sẽ tập hợp 100 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia, dự kiến ra mắt vào tháng 12/2023.

Ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương), cho biết, trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, Bộ Công thương đã triển khai xây dựng những nền tảng số tương ứng đối với hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp để hỗ trợ những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có cơ hội xúc tiến thương mại trên môi trường số.

Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu; tìm hiểu thông tin thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu cơ hội, đặc biệt ở các thị trường có các Hiệp định Thương mại tự do.

P.V