Khai thác các lợi thế nhằm phát triển tốt du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Truyền thông - Ngày đăng : 17:35, 03/11/2023
Khai thác các lợi thế nhằm phát triển tốt du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Để Đồng bằng sông Cửu Long thoát cảnh “vùng trũng du lịch” của Việt Nam, cần tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng.
Du lịch vẫn chủ yếu là "mạnh ai nấy làm”
Có thể thấy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới, như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), vườn chim Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), vườn chim Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp)… Đây là những tài nguyên rất quý giá cho phát triển du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, cả vùng còn có hơn 700 km bờ biển và hơn 145 hòn đảo lớn, nhỏ và nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ: Mũi Nai, Hòn Chông (tỉnh Kiên Giang); Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau); Ba Động (tỉnh Trà Vinh)...
Những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử, bản sắc văn hóa đặc trưng của miền đất và con người phương Nam hiền hòa, phóng khoáng có thể góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, mặc dù vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế, song việc đầu tư, khai thác tài nguyên du lịch của vùng chưa tương xứng. Hiện nay, việc đầu tư phát triển du lịch ở một số địa phương còn tình trạng "mạnh ai nấy làm," chưa được kết nối một cách tổng thể dưới góc độ của vùng, từ đó tốc độ phát triển du lịch ở khu vực này còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch khác trong cả nước.
Tại một hội thao liên quan đến phát triển bền vững mới đây do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đánh giá: ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh; các sản phẩm du lịch còn trùng lắp, chưa khai thác đặc trưng hay phát huy đặc thù riêng biệt. Đầu tư cho phát triển du lịch vùng còn khá khiêm tốn, các dự án đầu tư nhỏ lẻ thiếu trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả mang lại chưa cao. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch còn hạn chế, còn thiếu cơ chế điều phối và phát huy vai trò đầu tàu trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Việc khai thác các giá trị gia tăng của các sản phẩm du lịch chưa nhiều, nên cho đến nay lượng khách đến vùng chiếm gần 50% so với cả nước, nhưng tổng thu từ du lịch của vùng chưa tới 10% so với cả nước.
Ông Phạn Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, vùng ĐBSCL còn nhiều dư địa để liên kết với TP. Hồ Chí Minh, nhưng nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp cũng như nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước thì sẽ tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng.
Chú trọng hình thức du lịch sông nước, sinh thái và “miệt vườn”
Hiện nay, việc khai thác thế mạnh và tiềm năng, lợi thế du lịch sông nước, sinh thái và “miệt vườn” của khu vực ĐBSCL trong những năm tới là yêu cầu cấp bách của Đảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Từ đó, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác lợi thế so sánh, tạo sự đột phá, thu hút du lịch kết nối phát triển du lịch nội vùng và tiến tới khai thác tiềm năng du lịch tiểu vùng sông Mê Kông và khối ASEAN, thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), góp ý để ĐBSCL thoát cảnh “vùng trũng du lịch”, cần có sự gắn kết với các hoạt động trải nghiệm vùng sông nước, miệt vườn và với giá trị văn hóa đặc trưng về sinh hoạt truyền thống, sinh kế của người dân như nghệ thuật đờn ca tài tử, văn hóa chợ nổi, lễ hội…
Vùng ĐBSCL là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc, chủ yếu là Kinh, Khmer Nam Bộ, Hoa, Chăm với đặc trưng văn hóa đa dạng. Sự đa dạng này, tạo ra môi trường văn hóa thuận lợi cho phát triển du lịch và cung cấp nguồn lao động cho phát triển kinh tế…
Các địa phương trong vùng cần nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông, nhất là xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối TP. Hồ Chí Minh với ĐBSCL; giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận lúc cao điểm; khẩn trương triển khai xây dựng cầu Đại Ngãi - cầu nối quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch Trà Vinh-Sóc Trăng…
Cùng với đó, các địa phương trong vùng tập trung đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, trong đó tập trung vào dòng sản phẩm khách sạn 4 - 5 sao, khu nghỉ dưỡng, hình thức resort vườn gắn với thiên nhiên sông nước đặc trưng của miền Tây Nam Bộ; xây dựng bảng giá dịch vụ, điểm tham quan kích cầu tại mỗi tỉnh, thành phố; xây dựng những sản phẩm du lịch giá sốc thúc đẩy số lượng khách.
Song song đó, chú trọng đào tạo nhân lực du lịch, có những chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch, đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch xanh, bảo vệ môi trường; mạnh dạn thí điểm dịch vụ giải trí đêm đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch để "khai thác kinh tế đêm" một cách hiệu quả.
Công tác quảng bá cần được thực hiện xuyên suốt cả trong và ngoài nước để hình ảnh ĐBSCL ngày một hấp dẫn, trở thành nơi phải đến du lịch, trải nghiệm của khách du lịch, nhất là khách quốc tế.