Phát triển chính phủ số, Việt Nam tiếp cận riêng, từng bước, nhưng không bỏ lỡ thời cơ

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:00, 07/11/2023

Với cách tiếp cận riêng, từng bước một, không bỏ lỡ thời cơ, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, Nghị định phát triển công nghệ số cũng như xây dựng nguồn nhân lực cho chính phủ số (CPS), chuyển đổi số (CĐS).
Chuyển đổi số

Phát triển chính phủ số, Việt Nam tiếp cận riêng, từng bước, nhưng không bỏ lỡ thời cơ

Anh Minh 07/11/2023 06:00

Với cách tiếp cận riêng, từng bước một, không bỏ lỡ thời cơ, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, Nghị định phát triển công nghệ số cũng như xây dựng nguồn nhân lực cho chính phủ số (CPS), chuyển đổi số (CĐS).

Chia sẻ với các đối tác Hàn Quốc tại Diễn đàn hợp tác ICT Việt Nam-Hàn Quốc năm 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm cho biết chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu kép, vừa hướng đến phát triển CPS, kinh tế số (KTS) và xã hội số (XHS), vừa xây dựng các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu, để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và người dân được ấm no, hạnh phúc.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện thể chế số thông qua việc ban hành nhiều luật, Nghị định cũng như chiến lược phát triển, trong đó đặc biệt là chiến lược phát triển hạ tầng số quốc gia. Các cơ sở dữ liệu quốc gia được chính phủ quan tâm đầu tư và khai thác hiệu quả, đảm bảo an toàn an ninh mạng. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để thực hiện CĐS.

Trong phần trình bày về chính sách xây dựng CPS, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng số của Việt Nam, ông Trần Minh Tân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ (TT&TT), cho biết Việt Nam đã có lộ trình thực hiện chiến lược CĐS quốc gia. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết Nghị quyết 52-NQ/TW vào tháng 9/2019 đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH), phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

img_20231106_095939.jpg
Ông Trần Minh Tân đang trình bày về các chính sách và chiến lược xây dựng chính phủ số của Việt Nam

Chính phủ cũng đã có Chương trình CĐS quốc gia với 3 trụ cột CPS, KTS, XHS vào tháng 6/2020. Đến tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới CPS. Và mới đây nhất là vào tháng 6/2023, Việt Nam đã có Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Với chiến lược phát triển CPS, ông Trần Minh Tân cho biết Việt Nam có cách tiếp cận riêng, từng bước một, nhưng không bỏ lỡ thời cơ. Đặc biệt, Việt Nam coi trọng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là yếu tố chính để thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, Việt Nam đã triển khai một số chiến lược để đào tạo nguồn nhân lực số như khai trương Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) (https://onetouch.mic.gov.vn/), thí điểm mô hình đại học số tại 5 cơ sở giáo dục đại học.

Việt Nam cũng đã có các Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025"; Đề án "Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Tính đến tháng 10/2023, Việt Nam đã có hơn 18 triệu lượt truy cập vào nền tảng OneTouch; 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ Công nghệ số cộng đồng và có 76.905 Tổ Công nghệ số cộng đồng với 356.914 thành viên tham gia.

Đặc biệt trong phát triển hạ tầng dữ liệu để xây dựng CPĐT hướng tới CPS, Việt Nam hướng tới chiến lược cung cấp và chia sẻ, khai thác dữ liệu hai chiều giữa người dân và chính phủ. Trong đó, một mặt người dân cung cấp dữ liệu cho nhà nước, tìm hiểu dữ liệu và tham gia vào các hoạt động hành chính công, đồng thời khai thác, sử dụng dữ liệu mở do nhà nước cung cấp.

Về phần mình, chính phủ sẽ điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu; Dẫn dắt, định hướng đến kết quả; Tạo các diễn đàn gắn với lợi ích của người dân; Chia sẻ, cung cấp các kết quả phân tích dữ liệu có giá trị cho người dân sử dụng. Theo cách này, chính phủ và người dân Việt Nam cùng nhau chia sẻ dữ liệu và hưởng lợi ích từ cơ sở dữ liệu.

Về phát triển hạ tầng điện toán đám mây, Việt Nam ưu tiên, tập trung phát triển các dịch vụ đám mây do DN Việt Nam làm chủ, phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu và đảm bảo an toàn an ninh mạng. Việt Nam xây dựng và làm chủ công nghệ đám mây, đa dạng mô hình triển khai và các loại hình dịch vụ cung cấp phục vụ nhu cầu CĐS của các cơ quan nhà nước, DN và xã hội.

Xây dựng hạ tầng đám mây chính phủ trên cơ sở quy hoạch, kết nối đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương, kết nối, khai thác hiệu quả các hệ thống đám mây của doanh nghiệp để cung cấp hạ tầng đám mây cho CPS.

Ông Trần Minh Tân cũng đề cập đến các cơ hội hợp tác quốc tế nhằm phát triển CPĐT, CPS như hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng số; Hợp tác phát triển mạng lưới, cung cấp dịch vụ; Nghiên cứu, đào tạo chuyển giao công nghệ; Phối hợp triển khai các sáng kiến trong lĩnh vực CĐS, KTS-XHS, hạ tầng số; Nghiên cứu phát triển công nghệ mới, hỗ trợ xây dựng, phát triển CPS, KTS, XHS.../.

Anh Minh