Xây dựng cà phê là sản phẩm quốc gia, tạo chuỗi giá trị bền vững

Truyền thông - Ngày đăng : 15:13, 16/10/2023

Dù có tiềm lực rất lớn, Việt Nam vẫn đang xuất khẩu thô cà phê nhiều năm nay. Đã đến lúc cần phải xem cà phê là sản phẩm quốc gia và cần có chiến lược bài bản để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực này.
Truyền thông

Xây dựng cà phê là sản phẩm quốc gia, tạo chuỗi giá trị bền vững

P.V 16/10/2023 15:13

Dù có tiềm lực rất lớn, Việt Nam vẫn đang xuất khẩu thô cà phê nhiều năm nay. Đã đến lúc cần phải xem cà phê là sản phẩm quốc gia và cần có chiến lược bài bản để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực này.

Vẫn “loay hoay” bài toán chủ yếu là xuất thô

Theo Báo cáo của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, tạo việc làm và thu nhập cho trên 600.000 hộ nông dân, với 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc. Việt Nam vẫn giữ vững vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê và vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê robusta.

ca-phe-xuat-khau.jpg
Việt Nam vẫn giữ vững vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê và vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê robusta.

Trong 5 tỉnh Tây Nguyên trồng cà phê, Đắk Lắk và Lâm Đồng có diện tích trồng cà phê lớn nhất. Lâm Đồng là tỉnh sản xuất cà phê cho năng suất cao nhất là 33,1 tạ/ha, cao hơn 17,1% so với tổng trung bình năng suất của 5 tỉnh Tây Nguyên, cũng như cả nước.

Theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000 ha, nhưng thu hoạch chỉ khoảng 650.000 ha và chế biến sâu với tỷ lệ rất thấp.

Thực tế thời gian qua, giá trị bền vững trong lĩnh vực cà phê đã tăng từng năm, khoảng 23% trong 2 năm qua với nhiều chương trình phát triển cà phê bền vững. Có điều, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam chỉ đang phát triển phần ngọn và chưa quan tâm giải quyết phần gốc. Cần chung tay để liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng.

Là địa phương đứng thứ 3 về diện tích canh tác cà phê trên cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết, hiện nay, diện tích cà phê tại Đắk Nông ước đạt 139.932 ha (sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng). Năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 356.612 tấn. Cà phê được trồng tại Đắk Nông chủ yếu là cà phê vối Robusta (chiếm 99% diện tích). Theo ông Mười, điểm yếu của ngành cà phê Đắk Nông là chưa chuyên sâu, còn manh mún nhỏ lẻ. Nếu không khắc phục được tình trạng này, rất khó nâng cao giá trị ngành cà phê.

Xác định rõ mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Để đưa ngành hàng cà phê tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương đã ban hành các quy trình kỹ thuật về canh tác, tái canh, chế biến, đồng thời hướng dẫn các địa phương áp dụng theo các tiêu chuẩn chứng nhận. Tùy theo điều kiện thực tiễn, mỗi địa phương sẽ chọn những quy trình phù hợp để áp dụng.

9033.jpg
Đối với diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản đang áp dụng quy trình chăm sóc theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, Organic...

Đối với diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản đang áp dụng quy trình chăm sóc theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, Organic. Ngoài ra, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy trình canh tác tiết giảm vật tư đầu vào trên cây cà phê, dự kiến sẽ ban hành trong năm nay.

Khuyến cáo các địa phương chỉ thu hoạch những quả đúng tầm chín, không thu hái quả xanh. Thu hái phải đúng kỹ thuật (không tuốt, vặn cành, làm gãy cành) và cà phê quả tươi thu hái phải đảm bảo Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 9278:2012).

Theo thống kê của các tỉnh, đến năm 2022 diện tích cà phê có chứng nhận đạt 185.800 ha. Riêng tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận là 45.674 ha, chiếm khoảng 22,12% diện tích cà phê toàn tỉnh.

Việc canh tác, thu hoạch cà phê cần chú trọng đến sự hài hòa với môi trường, thiên nhiên để đảm bảo tính bền vững môi sinh, hạn chế được nạn mất cân bằng sinh thái bản địa, và tạo ra những hạt cà phê chất lượng tốt hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ can thiệp tự nhiên hoặc trực tiếp lên hạt trong quá trình chế biến, rang xay cà phê để nâng cao hơn nữa chất lượng hạt Robusta.

Đặc trưng, giá trị của cà phê Robusta hiện vẫn chưa được người tiêu dùng hiểu đúng. Những nghiên cứu khoa học chuyên sâu về tính chất của hạt cà phê Robusta Buôn Ma Thuột cần được các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu để khẳng định chất lượng, tính vượt trội.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã đưa ra giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết trong sản xuất cà phê chất lượng cao.

Cụ thể, về sản xuất, chế biến, cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả như đẩy mạnh tái canh, tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn về cà phê bền vững, cà phê chứng nhận.

Bên cạnh tập trung duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, cần nhanh chóng phát triển các thị trường tiềm năng nhất là EU, các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, các nước ASEAN...

P.V