Ngành công nghiệp dược liệu nhiều thế mạnh sao vẫn “loay hoay”

Truyền thông - Ngày đăng : 15:18, 09/10/2023

Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trên bản đồ dược liệu bởi nguồn tài nguyên thực vật đa dạng, có giá trị kinh tế cao. Nhưng để trở thành một ngành công nghiệp cho năng suất cao, góp phần xóa đói giảm nghèo... vẫn còn rất nhiều điều trăn trở.
Truyền thông

Ngành công nghiệp dược liệu nhiều thế mạnh sao vẫn “loay hoay”

P.V 09/10/2023 15:18

Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trên bản đồ dược liệu bởi nguồn tài nguyên thực vật đa dạng, có giá trị kinh tế cao. Nhưng để trở thành một ngành công nghiệp cho năng suất cao, góp phần xóa đói giảm nghèo... vẫn còn rất nhiều điều trăn trở.

Nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam

Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc.

Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, sâm Ngọc Linh... Đặc biệt, sau gần 30 năm triển khai, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc đã đạt những kết quả nhất định.

Đến nay, ngành Y tế Việt Nam đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng Đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng Trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (TP. Hồ Chí Minh).

duoc-lieu-1681063296195464775554.jpg
Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trên bản đồ dược liệu bởi nguồn tài nguyên thực vật đa dạng, có giá trị kinh tế cao.

Sở hữu tiềm năng lớn, thị trường lớn và nhu cầu lớn, nhưng ngành dược liệu được đánh giá có giá trị hàng tỷ USD của Việt Nam đang thua thiệt ngay trên sân nhà. Theo PGS.TS Trần Văn Ơn lý giải, nhìn chung, dù có nhiều cố gắng nhưng chúng ta vẫn đang sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, thiếu nguồn giống tốt, thiếu công nghệ trồng trọt, phân bón thích hợp với từng loại cây thuốc, thiếu công nghệ sơ chế/chế biến sau thu hoạch đồng thời cơ chế chính sách hỗ trợ chưa đủ…

Hậu quả là mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Song, nguồn dược liệu tự cung cấp trong nước chỉ chiếm khoảng 20 – 25%, còn lại là nhập khẩu, nhập lậu từ Trung Quốc.

Điều đáng nói, tình trạng nhập lậu dược liệu kéo dài qua nhiều năm cho tới nay cũng chưa có “thuốc chữa”. Những năm gần đây, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ những vụ nhập lậu dược liệu với số lượng rất lớn, chủ yếu hàng lậu được đánh về từ Trung Quốc qua các ngả đường khác nhau.

Tháng 12/2019, tại cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt quả tang vụ nhập khẩu và vận chuyển trên 100 tấn hàng là dược liệu qua biên giới, nhưng khai là hoa quả khô. Tháng 6/2020, cơ quan chức năng Đà Nẵng tiến hành kiểm tra lô hàng chứa trong 5 container được vận chuyển trên tàu INSPIR, từ cảng Hang Pu (Trung Quốc) đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Kết quả đã phát hiện hàng hóa chứa trong 5 container phần lớn là thảo dược. Tổng trọng lượng khoảng 103 tấn.

Ngoài ra, ngành công nghiệp dược liệu không có định hướng thị trường tốt và rõ ràng. Tiếp đến, Việt Nam thiếu công nghệ lõi cho chế biến dược liệu, đặc biệt là công nghệ chiết xuất. Khi có sản phẩm rồi, thì kênh bán hàng vẫn còn lờ mờ, vẫn chưa xây dựng được chiến lược thị trường.

Cần có thêm chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch, phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

nha-may-san-xuat-duoc-pham.jpg
Cần nghiên cứu triển khai, chia sẻ và nhân rộng các mô hình phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị.

Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD. Rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp nói chung, phát triển trồng cây dược liệu nói riêng đã được nhà nước ban hành.

Ông Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia cho biết: “Doanh nghiệp phải đứng ra hợp tác với người dân, thuê người dân trồng cây dược liệu. Phải đầu tư rất nhiều vốn và nguồn lực ở vùng sâu, vùng xa, tỷ suất đầu tư lớn hơn nhiều so với miền xuôi. Trong khi đó, các chính sách của nhà nước với các văn bản ban hành rất chung chung. Khi doanh nghiệp đi hỏi về các ưu đãi đó, thì các cơ quan chính quyền trả lời rằng quy định chung chung như thế, chúng tôi không biết áp dụng như thế nào”.

Còn theo TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm, doanh nghiệp muốn được vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng cây dược liệu, thì phải được tỉnh cấp phép. Mình trồng cây trên chính mảnh đất của mình, những giống cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép trồng, thế mà còn phải đi xin tỉnh cấp phép.

Về lâu dài, cần thiết phải tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất dược liệu; nghiên cứu triển khai, chia sẻ và nhân rộng các mô hình phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị, với vai trò của doanh nghiệp đầu tàu, liên kết với các tổ chức kinh tế như các hợp tác xã và công ty cổ phần tại cộng đồng. Trước mắt ưu tiên các địa phương, khu vực có thế mạnh về phát triển dược liệu và du lịch, như: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Lâm Đồng…

P.V