Khai thác tối đa tiềm năng, phát triển logistics khu vực Đông Nam Bộ

Truyền thông - Ngày đăng : 15:18, 09/10/2023

Hiện nay, ngành logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều điểm nghẽn trên cả phương thức vận tải đường bộ, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và đường sắt… Lĩnh vực này cần những đột phá chiến lược, mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Truyền thông

Khai thác tối đa tiềm năng, phát triển logistics khu vực Đông Nam Bộ

P.V 09/10/2023 15:18

Hiện nay, ngành logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều điểm nghẽn trên cả phương thức vận tải đường bộ, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và đường sắt… Lĩnh vực này cần những đột phá chiến lược, mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Thiếu các trung tâm logistics quy mô lớn của khu vực

Đông Nam Bộ đóng góp rất lớn với 32% GDP và 45% ngân sách cả nước. Tính toán sơ bộ cho thấy hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa, hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Hiện tại, vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Trong đó, tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh với hơn 11.000 doanh nghiệp; Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp.

33-1669278240-image-4.jpg
Vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển của logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn có những điểm nghẽn, như kết cấu hạ tầng về giao thông nhất là giao thông nội vùng, giao thông liên vùng chưa phát triển đồng bộ. Đặc biệt chưa có các trung tâm logistics lớn, chi phí logistics cao, liên kết nội vùng, trong vùng, liên kết doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa chặt chẽ.

Tuyến Quốc lộ 51 hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu tiếp, rút hàng đến cảng nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, khu vực còn thiếu hạ tầng logistics để hỗ trợ khai thác cảng biển. Điều này làm cho giao thông thêm phức tạp, tổ chức vận tải gặp nhiều khó khăn.

Theo nhiều chuyên gia, vận tải đường sắt trong vùng đang là một điểm yếu của vùng. Theo kinh nghiệm thế giới, việc gom hàng đường sắt cho đường biển rất quan trọng, thường chiếm 80% cho gom hàng biển. Nhưng vận tải đường sắt Việt Nam hiện nay chỉ mới có một tuyến Bắc – Nam, chạy chung vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Các tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối đến cảng biển mới dừng ở mức nghiên cứu. Ngoài ra, chi phí xếp dỡ cũng cần xem xét thay đổi cho phù hợp hơn để hấp dẫn các nhà đầu tư cảng biển về đầu tư, thu hút các “đại bàng” cảng biển về làm tổ.

Tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng

Nhằm thúc đẩy phát triển liên kết logistics vùng, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng cần hoàn thiện chính sách hạ tầng. Trong đó, nhận thức đúng đắn về vai trò logistics là ngành trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương để xác định tầm nhìn rõ ràng. Từ đó, đầu tư hạ tầng kết nối tạo hệ sinh thái hỗ trợ vận chuyển tốt hơn, tăng tính liên kết đến các khu vực xung quanh như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và các quốc gia lân cận để phát huy thế mạnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia hoạch định chiến lược, sớm đẩy nhanh việc xây dựng hoàn thành Quy hoạch các tỉnh, thành phố và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, đảm bảo cân đối vùng, miền và phù hợp với định hướng Quy hoạch Quốc gia, các Quy hoạch ngành Quốc gia là điều kiện quan trọng, xu thế tất yếu để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.

logistics-dong-luc-phat-trien-dnb-4-1694171166372406238423.jpg
Khu vực Đông Nam Bộ cần đầu tư hạ tầng kết nối tạo hệ sinh thái hỗ trợ vận chuyển tốt hơn, tăng tính liên kết đến các khu vực.

Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đồng bộ, đủ mạnh và khả thi, nhằm đa dạng hóa các hình thức đầu tư để thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là hình thành các định chế tài chính mới xứng tầm khu vực ASEAN tại TP. Hồ Chí Minh; phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng trung tâm logistics, đảm bảo tính kết nối nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của vùng.

Đồng thời, chủ động tạo quỹ đất sạch và hạ tầng đồng bộ tại các khu, cụm công nghiệp để thu hút các công ty, tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm, uy tín năng lực về tài chính, công nghệ, quản trị tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu vào đầu tư sản xuất kinh doanh ổn định, lâu dài.

Chú trọng quy hoạch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chủ động xây dựng, hoàn thiện hạ tầng xã hội, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống - sinh hoạt của người lao động.

Có chính sách hỗ trợ đầu tư cho một số trường đại học - cao đẳng nghề trọng điểm trong vùng để nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, nhất là các công nghệ cơ bản, xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến về công nghiệp, công nghệ cao, logistics.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Chú trọng rà soát, tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ, phân cấp nhiều hơn, xây dựng chế tài, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc hành chính; chú trọng nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở hầu hết các thủ tục, hướng đến phát triển chính quyền số, nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp, người dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, lợi thế thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng.

P.V