Xếp hạng CPĐT châu Âu năm 2023: 4 quốc gia đột phá

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:21, 10/11/2023

Một nghiên cứu theo cách “người mua sắm bí ẩn” do Ủy ban Châu Âu (EC) hỗ trợ, cho thấy số hóa các dịch vụ công trên khắp Châu Âu đã đạt đỉnh cao, đóng góp tăng trưởng số lớn ở 4 quốc gia.
Chuyển đổi số

Xếp hạng CPĐT châu Âu năm 2023: 4 quốc gia đột phá

Hạnh Tâm 10/11/2023 11:21

Một nghiên cứu theo cách “người mua sắm bí ẩn” do Ủy ban Châu Âu (EC) hỗ trợ, cho thấy số hóa các dịch vụ công trên khắp Châu Âu đã đạt đỉnh cao, đóng góp tăng trưởng số lớn ở 4 quốc gia.

Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Serbia và Ba Lan là 4 quốc gia được nhắc đến trong báo cáo “eGovernment Benchmark 2023” với những tiến bộ đặc biệt tích cực trong năm qua về chính phủ điện tử (CPĐT), mặc dù Hy Lạp, Serbia và Ba Lan vẫn nằm trong top 10 của bảng xếp hạng tổng thể.

Hơn 15.000 trang web ở 35 quốc gia châu Âu, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), cũng như Albania, Iceland, Montenegro, Bắc Macedonia, Na Uy, Serbia, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là một phần của nghiên cứu, với các quốc gia nhận được “điểm trưởng thành về CPĐT” (trong khoảng điểm từ 0 - 100 điểm).

a1.jpg
Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ba Lan và Serbia.

Malta, quốc gia đã đứng đầu bảng xếp hạng một lần nữa lại tiếp tục đứng đầu. Quốc đảo Địa Trung Hải, quốc gia thành viên EU nhỏ nhất cả về dân số và diện tích địa lý này của châu Âu đã đạt được 96 điểm.

Các quốc gia dẫn đầu khác là Estonia (với số điểm 92), Luxembourg (89), Iceland (88) và Phần Lan (86). Hà Lan (85), Lithuania (85), Đan Mạch (85), Latvia (82) và Thổ Nhĩ Kỳ (81) đứng trong top 10. Albania (45), Montenegro (41) và Bắc Macedonia (36) đứng cuối bảng xếp hạng.

Nhìn chung, 84% dịch vụ của chính phủ ở các quốc gia có thể được hoàn toàn thực hiện trực tuyến, tăng so với mức 81% của năm ngoái. Báo cáo cho biết: “Điều này có nghĩa là người dùng có được các dịch vụ này hoàn toàn bằng kỹ thuật số mà không cần phải trực tiếp đến các cơ quan hành chính địa phương”.

Bốn “khía cạnh” đánh giá

xep-hang-bao-cao-cpdt-chau-au.png
Xếp hạng CPĐT của các nước châu Âu 2023 (Nguồn: Báo cáo eGovernment Benchmark 2023’ (EC)

Nghiên cứu đã đánh giá các dịch vụ công trực tuyến theo 4 “khía cạnh”: lấy người dùng làm trung tâm; minh bạch; các yếu tố hỗ trợ chính; và dịch vụ xuyên biên giới.

Về khía cạnh lấy người dùng làm trung tâm, các vấn đề được nghiên cứu bao gồm: quy mô các dịch vụ được cung cấp trực tuyến; sự thân thiện với thiết bị di động; cơ chế hỗ trợ và phản hồi trực tuyến.

Về tính minh bạch, nghiên cứu đã xem xét mức độ mà các cơ quan hành chính công đang cung cấp “thông tin công khai, rõ ràng về cách thức họ cung cấp các dịch vụ” và tính minh bạch về cách xử lý dữ liệu cá nhân của mọi người.

Đối với các yếu tố hỗ trợ chính, trọng tâm là những yếu tố hỗ trợ công nghệ hiện có để cung cấp các dịch vụ CPĐT.

Đối với các dịch vụ xuyên biên giới, trọng tâm là sự dễ dàng mà công dân từ nước ngoài có thể truy cập và sử dụng các dịch vụ trực tuyến.

Về lấy người dùng làm trung tâm, điểm trung bình đối với 35 quốc gia là 90 điểm; về tính minh bạch là 62 điểm; đối với các yếu tố hỗ trợ chính là 71 điểm; trong khi đối với dịch vụ xuyên biên giới là 57 điểm.

Theo báo cáo, mặc dù đầu tư ngày càng tăng vào CPĐT, nhưng cứ 5 người dân thường xuyên sử dụng Internet thì có một người “không hề tương tác với chính phủ trực tuyến”.

Phần lớn (93%) các trang web của chính phủ được mô tả là “thân thiện với thiết bị di động”. Nhưng báo cáo nêu rõ rằng “khả năng truy cập web vẫn là một thách thức, với hơn 8/10 trang web của khu vực công (82%) vi phạm một hoặc nhiều tiêu chí trong nguyên tắc truy cập nội dung Web (WCAG)”. WCAG là một bộ đề xuất được quốc tế công nhận nhằm cải thiện khả năng truy cập web.

Sự giao thoa chính sách của EU

Thổ Nhĩ Kỳ tăng 10 điểm so với năm ngoái, trong khi Hy Lạp và Serbia mỗi nước tăng 8 điểm và Ba Lan tăng 7 điểm.

Thổ Nhĩ Kỳ, xếp thứ 16 và Hy Lạp, chỉ tăng 1 bậc lên vị trí thứ 28, cũng nằm trong số các quốc gia được đánh giá là có “bước nhảy vọt” trong khoảng thời gian 5 năm. Các quốc gia khác được đề cập trong bối cảnh này là Luxembourg, Hungary và Croatia. Luxembourg đã tăng lên vị trí thứ 3 từ vị trí thứ 19 trong điểm chuẩn về CPĐT 2017 (the 2017 eGovernment Benchmark).

Chính phủ Malta và Estonia đã khai trương Phòng thí nghiệm Fintech Chính phủ toàn cầu vào tháng 6/2022 , đã liên tục đạt điểm cao trong các bảng xếp hạng này. Vương quốc Anh, quốc gia đã không còn là thành viên của EU vào tháng 1/2020, trước đây đã có tên trong báo cáo nhưng năm ngoái và năm nay không có tên trong báo cáo.

Về tổng thể, hoạt động CPĐT có mối quan hệ chặt chẽ với các chính sách của EU, bao gồm chương trình “Digital Decade” (Thập kỷ số), nhằm đạt được việc cung cấp trực tuyến 100% "các dịch vụ công quan trọng" vào năm 2030; Đạo luật Châu Âu có thể tương tác (Interoperable Europe Act), được EC thông qua vào tháng 11/2022 nhằm tăng cường khả năng tương tác và hợp tác xuyên biên giới trong khu vực công trên toàn EU; quy định về eIDAS của EU (viết tắt của “dịch vụ nhận dạng, xác thực và tin cậy điện tử”); và “tuyên bố Berlin về Xã hội số và Chính phủ số dựa trên giá trị” (the ‘Berlin Declaration on Digital Society and Value-Based Digital Government’) được các bộ trưởng chịu trách nhiệm về chuyển đổi số ở các quốc gia thành viên EU ký vào tháng 12/2020.

Nghiên cứu bao gồm tổng cộng 2.977 trang web của cơ quan hành chính công: 1.294 cơ quan chính quyền trung ương, 505 khu vực và 1.178 cơ quan chính quyền địa phương. Nghiên cứu được thực hiện trong tháng 7 và tháng 8/2021 và tháng 11 và tháng 12/2022./.

Hạnh Tâm