Chuyển đổi số: Giải pháp hợp tác nâng cao báo chí truyền thông Việt Nam - Lào

Truyền thông - Ngày đăng : 08:55, 12/11/2023

Chuyển đổi số (CĐS) các cơ quan báo chí truyền thông là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, là thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của đội ngũ người làm báo.
Truyền thông

Chuyển đổi số: Giải pháp hợp tác nâng cao báo chí truyền thông Việt Nam - Lào

Mai Phương {Ngày xuất bản}

Chuyển đổi số (CĐS) các cơ quan báo chí truyền thông là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, là thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của đội ngũ người làm báo.

Chiều ngày 11/11/2023, trong khuôn khổ Chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào năm 2023” đã diễn ra “Tọa đàm khoa học Triển vọng hợp tác báo chí truyền thông Việt Nam - Lào: Thách thức và giải pháp”.

Toạ đàm tập trung vào hai nội dung chính: “Chuyển đổi số (CĐS) báo chí: kinh nghiệm của Việt Nam - cơ hội hợp tác Việt Nam - Lào tăng cường thông tin đến vùng đồng bào khu vực biên giới” và “Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc vùng biên giới của hai nước”.

20231111150937_img_0014.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm và Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch (TTVH&DL) Lào Phosy Keomanyvong chủ trì Tọa đàm.

CĐS báo chí để xây dựng báo chí hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Trình bày tham luận “CĐS báo chí và một số kinh nghiệm ở Việt Nam” tại tọa đàm, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết CĐS báo chí ở Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

cbc.jpg
Ông Đặng Khắc Lợi: CĐS báo chí ở Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, báo chí Việt Nam đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, TT&TT, đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới.

Báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước các khó khăn, thách thức mới, trong đó có sự ảnh hưởng vừa tích cực vừa có nhiều biến động trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thách thức, cơ hội của tiến trình CĐS trên thế giới và tiến trình CĐS quốc gia.

Trước tình hình đó, theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí, thực hiện CĐS các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí.

Nâng cao khả năng cung cấp thông tin, tuyên truyền chủ chương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước

Với tham luận “Nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam - Vietnam.vn - điển hình về áp dụng công nghệ trong thông tin đối ngoại (TTĐN)”, đại diện Cục TTĐN, Bộ TT&TT cho biết ngày 13/4/2023, Cục TTĐN ra mắt nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam với tên miền https://vietnam.vn được ứng dụng công nghệ mới, thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có nhiều tính năng vượt trội trong xử lý, cung cấp thông tin, khả năng tiếp cận nhanh chóng, đa dạng, sử dụng đa ngôn ngữ đáp ứng được mọi nhu cầu của độc giả.

Nền tảng quảng bá Việt Nam Vietnam.vn không chỉ hướng đến độc giả là người Việt Nam trong nước, người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài mà hướng đến đông đảo độc giả trên toàn thế giới quan tâm đến các thông tin khách quan, đa chiều về Việt Nam được hệ thống sử dụng công cụ dịch tự động của Google, công cụ này sẽ tự động dịch tất cả nội dung sang 6 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Đức, Hàn Quốc và Nhật. Các ngôn ngữ này sẽ mặc định khi độc giả truy cập lần tiếp theo.

Với nhiệm vụ CĐS, nền tảng mới này là giải pháp nâng cao khả năng cung cấp, thông tin tuyên truyền chủ chương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, về hoạt động TTĐN, nhân quyền; Quảng bá về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; Đấu tranh với những luận điệu sai trái đồng thời khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như một diễn đàn để người dân Việt Nam ở nước ngoài cùng đồng lòng hướng về Tổ quốc.

Bên cạnh đó, nền tảng mới này góp phần tích cực nâng cao hiệu quả quảng bá và giới thiệu về tiềm năng thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc xây dựng nền tảng mới sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về công tác đối ngoại, tạo động lực, đẩy mạnh hơn nữa quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam ra thế giới.

Báo chí Lào và một số thách thức

Chia sẻ về tình hình phát triển báo chí Lào hiện nay, ông Phongsa Somsava, Vụ Truyền thông đại chúng, Bộ TTVH&DL Lào cho biết, hiện nay, Lào có 113 cơ quan báo in, 13 cơ quan tư nhân, 99 cơ quan công, trong đó 11 nhật báo; 168 đài phát thanh, 9 cơ quan trung ương (7 cơ quan FM, 2 cơ quan AM), 75 cơ quan địa phương, 77 cơ quan mạng lưới phát sóng đã kết nối vệ tinh và Internet, nhiều quốc gia trên thế giới có thể nghe trực tiếp qua sóng phát thanh và trên Internet.

Ngoài ra, Đài Phát thanh quốc gia Lào cũng phát sóng chương trình tiếng Việt Nam. Hiện nay, Lào có 49 đài truyền hình, trong đó có 4 đài truyền hình trung ương, 3 đài truyền hình tư nhân, 3 đài truyền hình quốc tế và 29 đài truyền hình địa phương. Trong đó, có 3 đài truyền hình phát sóng trên mặt đất, kết nối qua vệ tinh, một số tỉnh đang phát sóng qua truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số và 6 đài truyền hình kĩ thuật số. Ngoài ra, còn có văn phòng đại diện báo chí của Việt Nam tại Lào như VTV, TTXVN, VOV...

Chia sẻ về “Thách thức của thông tin, truyền thông Lào trong bối cảnh hiện nay”, ông Duangkeo Kongkham, Trưởng phòng CNTT - Bộ TTVH&DL Lào cho biết hiện nay, các phương tiện truyền thông là cơ quan truyền thông chính dưới sự quản lý của chính phủ bao gồm: Đài phát thanh quốc gia Lào, Đài truyền hình quốc gia Lào, Kênh 1 và Kênh 3, Tin tức Lào, Báo Nhân dân và báo nước ngoài. Ngoài ra, còn có đài quân đội, truyền hình quân đội, truyền hình An ninh, báo Quân đội, báo An ninh.

Còn truyền thông tư nhân thì có Laostra TV, Memv Lao nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giải trí và truyền tín hiệu từ đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) quốc gia vào những ngày quan trọng và phát tin tức hàng ngày.

Nói về thách thức đối với truyền thông Lào hiện nay, ông Duangkeo Kongkham cho biết khi sau khi báo chí trực tuyến đã có vai trò trong xã hội, thu nhập của người dân mỗi phương tiện truyền thông đều ở mức thấp đáng lo ngại, nguyên nhân là do truyền thông trực tuyến nhanh hơn, kịp sự kiện hơn và có thể tiếp cận được khán giả phổ thông, trong khi phương tiện truyền thông chính thống của chúng ta thích nghi chậm hơn họ, mặt khác là do nhân viên phần lớn là những người đã có tuổi nếu làm việc trực tuyến, CĐS thì sẽ rất khó có thể thực hiện được.

Do sự hiểu biết cộng với thời đại của sự phát triển CNTT phù hợp thì lại phù hợp với con người thời đại mới, hiện nay có rất nhiều người có thể làm truyền thông trực tuyến và làm tốt, đồng thời khi thu nhập của mỗi phương tiện truyền thông ngày một giảm thì nhiệt huyết của các nhà báo cũng giảm theo. Mà khi con người không hăng hái thì chất lượng công việc cũng không cao. Do vậy, khi không thích nghi kịp với xu thế phát triển thì cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhằm giải quyết những khó khăn thách thức, ông Duangkeo Kongkham cũng đề ra một số giải pháp như là giải quyết khâu nhân sự cần phải có tư duy mới trong việc sản xuất tin tức để bắt kịp với điều kiện thay đổi của thời đại phát triển thời đại 4.0.

Bên cạnh đó, phải cải thiện cơ chế quản lý và điều hành của hệ thống báo chí, phải tuyển dụng nhân sự trẻ có khả năng ứng phó với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của công nghệ trên thế giới, tạo động lực cho các nhà báo truyền thông một cách hợp lý, đầu tư mua sắm đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ sản xuất báo chí trong thời đại mới.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã hỗ trợ khá nhiều trong việc nâng cao kiến thức phát triển năng lực cho các cán bộ công nhân viên công tác trong lĩnh vực báo chí; Tổ chức nhiều lớp tập huấn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại cả hai nước Việt Nam và Lào. Điển hình thời gian vừa qua, Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn công tác quản lý báo chí dành cho cán bộ quản lý báo chí của Lào trong khoảng thời gian 2 tháng. Tuy nhiên, cho đến nay Lào vẫn còn thiếu cán bộ công tác trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là cán bộ kĩ thuật và cán bộ quản lý báo mạng xã hội (MXH) do còn thiếu tương đối nhiều thiết bị.

Về hợp tác trong thời gian tới, ông Somsavat Phongsa bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác toàn diện và hỗ trợ lẫn nhau làm cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước không ngừng phát triển, mãi mãi không phai. Đồng thời, mong rằng phía Việt Nam sẽ hỗ trợ đào tạo phát triển cán bộ làm công tác báo chí cho Lào, nhất là trong lĩnh vực kĩ thuật và công tác quản lý MXH.

Hỗ trợ quản lý xã hội thông qua công cụ TT&TT

Để đáp ứng nhu cầu của người dân được tiếp nhận những thông tin tin cậy, chính xác đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, trong suốt nhiều năm qua, ông Chu Tiến Đạt, Phụ trách HĐTV Tổng công ty truyền thông Đa phương tiện (VTC) cho biết Việt Nam đã triển khai xây dựng một hệ thống truyền thông công cộng được số hóa sử dụng mạng lưới loa truyền thanh và bảng tin điện tử công cộng được lắp đặt khắp cả nước với hơn 150.000 thiết bị, 10.000 đài truyền thanh cấp xã phủ kín 63 tỉnh/thành phố, trở thành kênh thông tin chủ lực, chính thống,

Bên cạnh những loại hình truyền thông thông tin phổ biến như truyền hình, truyền thanh radio, báo in, website tin tức, mạng xã hội, biển bảng ngoài trời, giúp mang chính quyền tới gần hơn với người dân.

Thông qua hệ thống này, chính quyền truyền tải những thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, chỉ đạo điều hành góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội. Người dân không cần phải trang bị thiết bị cá nhân để nghe/xem được những thông tin phát trên loa và đăng tải trên bảng tin điện tử công cộng. Đặc biệt đây là loại hình thông tin quan trọng trong công tác giảm nghèo về thông tin cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo xa xôi của Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục PTTH và Thông tind diện, Bộ TT&TT cho biết hiện nhiều người xem không gian mạng là cuộc sống thứ hai, sáng tạo ra các nội dung có ảnh hưởng đến cộng đồng. Song song, các nền tảng MXH xuyên biên giới đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, cho phép người dùng đăng tải nội dung miễn phí và khai thác quảng cáo. Điều này cũng góp phần gia tăng tình trạng tin giả, sai sự thật. Các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới là nơi thông tin sai lệch truyền tải rất nhanh.

Tại Việt Nam, có 4 nền tảng lớn gồm: Zalo với 47 triệu người dùng, YouTube với 63 triệu người dùng, Facebook với 66 triệu người dùng và TikTok với gần 50 triệu người dùng. Ba trong số bốn nền tảng này gồm Facebook, YouTube, TikTok là nơi thông tin sai lệch truyền tải rất nhanh. Thời gian qua, Việt Nam triển khai rất nhiều hành động với 3 trụ cột chính trong công cuộc phòng, chống tin giả, tin sai sự thật.

20231111150649_img_9999.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Bên cạnh những tham luận hết sức thiết thực là phần Tọa đàm gồm Lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo Cục Báo chí, lãnh đạo Cục Thông tin đối ngoại, đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; Tham tán Văn hóa Lào; Tham tán Thương mại Lào.

Nội dung Tọa đàm tập trung đưa ra các biện pháp nâng cao đời sống của bà con khu vực tuyến biên giới, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của bà con giữa Việt Nam và Lào hiện có chung đường biên giới dài hơn 2.337 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với các tỉnh biên giới của nước Lào gồm: Phông Xa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Xa Van Na Khẹt, Xa La Van, Xê Kông và At Ta Pư. Đời sống bà con dân tộc thiểu số còn hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin về kinh tế, thương mại.

Thông qua những góc nhìn của các chuyên gia, các nhà quản lý của hai nước và việc trao đổi với các đại biểu, khách mời và các diễn giả đã phần nào cung cấp thêm thông tin hữu ích, hé mở những giải pháp thiết thực để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho bà con vùng biên giới, để TT&TT ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư thương mại, phát triển du lịch, kinh tế đường biên giữa các tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Lào./.

Mai Phương