Lĩnh vực sản xuất nào được ứng dụng AI nhiều nhất?
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:21, 14/11/2023
Lĩnh vực sản xuất nào được ứng dụng AI nhiều nhất?
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại bối cảnh kinh doanh, với tiềm năng tự động hóa tới 70% hoạt động kinh doanh, đóng góp hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Theo kết quả khảo sát mới từ nhà cung cấp thị trường B2B Xometry Inc., công ty có trụ sở tại Maryland (Mỹ), 83% các nhà lãnh đạo sản xuất nói rằng sự tăng trưởng của ngành sản xuất Mỹ phụ thuộc vào việc tái sản xuất. Trong khi đó, AI và việc tái sản xuất luôn “song hành với nhau”, Giám đốc điều hành (CEO) Xometry Randy Altschuler cho biết trong một tuyên bố.
Khảo sát về khả năng phục hồi sản xuất tại Mỹ quý 4 của Xometry, đã thăm dò ý kiến của hơn 150 CEO của các công ty sản xuất thuộc mọi quy mô.
Khoảng 76% số người được hỏi cho biết họ sử dụng AI để quản lý chuỗi cung ứng. Ứng dụng tiếp theo được tích hợp AI nhiều là mua sắm, với 71% CEO công bố. Ngoài ra, AI còn được áp dụng vào kiểm soát chất lượng (47%) và tự động hóa (37%).
CEO Xometry Randy Altschuler nói rằng đây là những lĩnh vực đã chín muồi để đổi mới.
Trong những phát hiện khác, AI đang thúc đẩy những phản ứng tích cực. Trong số các CEO cho biết họ đã triển khai AI, 67% tiết lộ họ đã nhận được lợi nhuận “đáng kể” từ khoản đầu tư của mình. Khoảng 31% cho biết họ kỳ vọng sẽ mất thời gian để có được kết quả nhưng họ tin tưởng sẽ làm được. Cuộc khảo sát không hỏi mỗi công ty đã chi bao nhiêu cho công nghệ AI.
Xometry sử dụng AI để cung cấp cho người mua tiềm năng báo giá ngay lập tức trên thị trường B2B của mình. Tính đến ngày 30/9, thị trường của Xometry có 52.467 người mua đang hoạt động, tăng 43% so với một năm trước đó và 7.415 nhà cung cấp đang thanh toán, giảm 2%.
Công ty đã phát triển hệ thống AI nội bộ của mình, nhưng vào ngày 9/11, Xometry đã thông báo rằng họ sẽ triển khai công nghệ Vertex AI từ đơn vị Google Cloud của Google để đẩy nhanh quá trình phát triển hơn nữa các phương pháp và mô hình báo giá tự động.
Mục đích là để loại bỏ việc trao đổi qua lại tốn thời gian về hình ảnh, bảng giá và tài liệu trên giấy khi người mua và người bán đàm phán các giao dịch mua bán tiềm năng, bao gồm cả những giao dịch liên quan đến các nhà sản xuất tùy chỉnh. Công ty cho biết AI mang lại hiệu quả cao hơn trong công việc kinh doanh.
AI đang tác động đến nhiều ngành công nghiệp, như chăm sóc sức khỏe (CSSK), sản xuất, bán lẻ, hậu cần, thời trang, giáo dục, giải trí và dịch vụ khách hàng, v.v.
AI đang định hình lại bối cảnh kinh doanh, với tiềm năng tự động hóa tới 70% hoạt động kinh doanh, đóng góp hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Các DN trong nhiều ngành, bao gồm CSSK, sản xuất, bán lẻ, hậu cần, thời trang, giáo dục, giải trí và dịch vụ khách hàng đã khai thác sức mạnh của AI để hợp lý hóa các nhiệm vụ và nâng cao khả năng cá nhân hóa.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích của AI, các DN phải vượt qua các thách thức, như sự chấp nhận của nhân viên, yêu cầu thay đổi tư duy. Ngoài ra, việc tích hợp AI vào các quy trình cũng có thể tốn thời gian và tốn kém, cần phải đầu tư để kết hợp AI một cách liền mạch với các hệ thống hiện có. Khan hiếm nhân sự lành nghề có khả năng quản lý dữ liệu do AI tạo ra cũng đặt ra một trở ngại./.